Trở lại sau nhiều ngày 'ngủ quên': VTP, CTP, APP nổi cơn sóng mới
(VNF) - Tuần vừa qua, trên cả ba sàn, nhóm cổ phiếu tăng mạnh ghi nhận sự trở lại của một số mã từng "nổi sóng". Nếu như "ông lớn" VTP bắt đầu "nổi sóng" sau thời gian dài yên ắng thì hai mã penny CTP, APP cũng đang dần hồi phục sau những dấu hiệu "hụt hơi".
Trước lực cầu mạnh mẽ, thị trường chứng khoán tuần qua lần nữa hướng về mốc 1.300 điểm. Chỉ số VN-Index đóng cửa tại mốc 1.288,39 điểm, tăng gần 30 điểm so với đầu tuần.
Trong bối cảnh đó, nổi lên là sự trở lại của một số mã cổ phiếu như VTP, CTP, APP,... Nếu như "ông lớn" VTP bắt đầu "nổi sóng" sau thời gian dài yên ắng thì hai mã penny CTP, APP cũng đang dần hồi phục sau những dấu hiệu "hụt hơi".
HoSE: VTP “nổi sóng”
Trong tuần qua, VTP là cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE. Chốt phiên giao dịch ngày 12/10, cổ phiếu VTP đạt mức 85.700 đồng, tương ứng tăng 12,61% so với đầu tuần. Tính theo mức giá này, vốn hóa của Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã vượt 10.400 tỷ đồng.
Không chỉ tăng mạnh về giá, khối lượng của cổ phiếu này cũng vượt mức trung bình 20 phiên. Chứng khoán DSC dự báo, trong nửa cuối năm 2024 cũng như trong trung và dài hạn, thị trường thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển với mức tăng trưởng trung bình hai chữ số, là động lực chính thúc đẩy kết quả kinh doanh của Viettel Post.
Xếp thứ 2 là cổ phiếu FDC với đà tăng 11,15%. Chiếu theo mức giá đóng cửa của cổ phiếu trong phiên 12/10 là 15.950 đồng/cp, ước tính vốn hóa của Công ty CP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh - Fideco đã vượt 600 tỷ đồng. Trước đà tăng của cổ phiếu, ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Chứng khoán Thành Công đã bán ra hơn 1,78 triệu cổ phiếu FDC vào ngày 7/10, giảm tỷ lệ sở hữu tại Fideco từ 4,61% về 0%, ước tính thu về khoảng 27 tỷ đồng.
Xếp thứ 3 là cổ phiếu PNC của Công ty CP Văn hóa Phương Nam với đà tăng 10,80%. Mặc dù tăng mạnh, thanh khoản của cổ phiếu PNC vẫn khiêm tốn. Trong phiên giao dịch 12/10, khối lượng khớp lệnh của cổ phiếu này chỉ đạt 1.600 đơn vị.
Với đà tăng 10,79%, cổ phiếu ITD của Công ty CP Công nghệ Tiên Phong xếp ở vị trí thứ 4. Không chỉ tăng mạnh về giá, ITD còn ghi nhận mức thanh khoản đột biến trong tuần qua, đưa vốn hóa của Công nghệ Tiên Phong vượt ngưỡng 4.800 tỷ đồng.
Xếp ở vị trí thứ 5 là cổ phiếu APG của Công ty CP Chứng khoán APG với đà tăng 10,58%. Ngay một tuần trước khi cổ phiếu tăng giá, Chủ tịch Nguyễn Hồ Hưng đã bán thành công 5 triệu cổ phiếu APG đã đăng ký trong từ ngày 1-4/10. Theo đó, vị này đã rời “ghế” cổ đông lớn và thu về khoảng 47 tỷ đồng.
Các vị trí còn lại trong top 10 cổ phiếu tăng mạnh thuộc về QCG (+9,69%), TTE (+9,59%), VFG (+9,37%), SGR (+9,32%), và VAF (+8,82%).
Ở chiều ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần gọi tên PSH (-13,60%), HTN (-8,07%), LDG (-7,88%), DTT (-6,98%), STG (-6,88%), ADG (-6,64%), TDW (-6,38%), D2D (-6,02%), và NHT (-5,35%).
HNX: CTP trở lại sau chuỗi ngày “hụt hơi”
Trên sàn HNX, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất là KKC (+18,18%), VC6 (+17,90%), CTP (+14,85%), ARM (+11,35%), DNC (+10%), BXH (+9,42%), SJE (+8,97%), SAF (+8,91%), CET (+8,89%), MAC (+8,11%).
Trong đó, với sự gia nhập của dòng tiền “bắt đáy”, cổ phiếu CTP của Công ty CP Minh Khang Capital Trading Public đã đảo chiều tăng mạnh sau khi giảm hơn 10% trong tuần trước đó. Cuối tuần qua, mã này đóng cửa ở mức 37.900 đồng/cp, đưa vốn hoá của Minh Khang Capital Trading Public trở lại ngưỡng 458 tỷ đồng.
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, cổ phiếu CTP hoàn toàn có khả năng quay trở lại đỉnh cũ, tương ứng mốc 42.450 đồng/cp. Nhịp hồi phục của cổ phiếu diễn ra ngay sau khi doanh nghiệp này có Chủ tịch HĐQT mới. Cụ thể, ông Trần Công Thành, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, đã được bổ nhiệm vào “ghế nóng” thay thế cho cựu Chủ tịch Nguyễn Tuấn Thành kể từ ngày 3/10.
Dù vậy, thanh khoản của cổ phiếu CTP vẫn trong trạng thái trồi sụt, với phiên cao nhất gần 0,5 triệu đơn vị khớp lệnh, trong khi có những phiên chỉ hơn 26.000 cổ phiếu được sang tay. Đây cũng là điều thường thấy tại nhóm cổ phiếu penny góp mặt trong danh sách tăng mạnh.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu AMV của Công ty CP Sản xuất kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ mất 25% thị giá, dẫn đầu nhóm giảm mạnh. Tuần vừa qua, mã này chứng kiến ba phiên giảm sàn liên tiếp, khớp lệnh mỗi phiên đạt gần 2 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, đây cũng là một trong số 85 mã cổ phiếu bị HNX cắt margin hôm 10/10 vừa qua.
Ngoài ra, danh sách cổ phiếu giảm mạnh còn ghi nhận sự góp mặt của ATS (-24,62%), SRA (-20%), NFC (-19,6%), PCG (-19,23%), HCT (-18,89%), PTD (-13,92%), GKM (-13,46%), SPC (-10,99%), VC1 (-10,53%). Trong đó, tương tự AMV, nhiều mã cũng bị HNX cắt margin.
UPCoM: APP miệt mài tăng trần
Trên UPCoM, cổ phiếu APP của Công ty CP Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu mỏ “bỏ xa” phần còn lại khi tăng kịch trần cả 5 phiên giao dịch. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/10, mã này đạt 8.500 đồng, tăng 80,85% so với đầu tuần. Cùng với đà tăng phi mã, thanh khoản cũng cải thiện đáng kể khi khớp lệnh vài chục nghìn đến trăm nghìn đơn vị mỗi phiên.
Kém APP một phiên tăng trần, cổ phiếu PCF của Công ty CP Cà phê Petec xếp ở vị trí thứ hai với mức tăng 62%. Tuy vậy, thanh khoản của mã này lại khá trồi sụt.
Các vị trí còn lại trong top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX là CFV (+31,90%), GTD (+31,82%), VXB (+26,44%), TT6 (+24,66%), SDV (+21,48%), HJC (+20,37%), PXM (+20%), CAD (+20%).
Ở chiều ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất bao gồm: DWS (-17,13%), DVC (-16,30%), H11 (-16,22%), VPC (-15,00%), KTC (-15,00%), MQN (-14,85%), HPW (-14,72%), HPB (-14,61%), PVE (-14,29%), ATB (-14,29%).
Tiền dồn vào nhóm VN30: MSN tăng vọt, FPT vượt đỉnh
- 170 mã chứng khoán bị cắt margin trong quý IV/2024 10/10/2024 11:45
- 'Lướt' nhanh 5 triệu cổ phiếu VND, Quản lý Quỹ NH Công Thương thu lãi 50 tỷ đồng 10/10/2024 09:15
- Chủ tịch Đặng Thành Tâm chuyển nhượng bất thành 11% vốn Kinh Bắc 10/10/2024 01:36
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.