‘Cơn gió lạnh’ địa chính trị làm 'nguội' dòng vốn Nhật Bản vào Trung Quốc
(VNF) - Các công ty Nhật Bản ngày càng tỏ ra kém hào hứng với việc kinh doanh tại Trung Quốc, một sự thay đổi rõ rệt sau nhiều năm là nhà đầu tư đơn lẻ lớn nhất vào nền kinh tế của nước láng giềng.
Loạt yếu tố bất lợi
Trong thời đại được định hình bởi những rủi ro địa chính trị và lo ngại về sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, bài toán kinh tế không còn hợp lý đối với những công ty như Nippon Steel, công ty đã tuyên bố vào tháng 7 rằng họ sẽ rút khỏi liên doanh tại Trung Quốc.
Mitsubishi Motors cũng đã đình chỉ hoạt động vô thời hạn tại Trung Quốc vào năm ngoái, một hệ quả của doanh số bán ô tô sụt giảm và sự chuyển dịch nhanh chóng sang xe điện của Trung Quốc.
Gần một nửa số công ty Nhật Bản tại Trung Quốc tham gia một cuộc khảo sát gần đây cho biết họ sẽ không chi tiêu nhiều hơn hoặc sẽ cắt giảm đầu tư trong năm nay. Các công ty cho hay tiền lương tăng, giá cả giảm và những mâu thuẫn địa chính trị là những vấn đề lớn nhất mà họ phải đối mặt.
"Thời kỳ đỉnh cao hợp tác kinh tế của Nhật Bản với Trung Quốc đã qua", ông Robert Ward, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, nhận định.
Theo ông Ward, các rào cản bao gồm từ cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc cho đến căng thẳng gia tăng ở eo biển Đài Loan, trong đó "địa chính trị là một yếu tố quan trọng".
Sự rạn nứt này đe dọa mối quan hệ kinh tế đã có từ hơn 4 thập kỷ trước, khi Nhật Bản bắt đầu mở rộng hàng nghìn tỷ yên viện trợ phát triển cho Trung Quốc thông qua các khoản vay lãi suất thấp.
Thương mại và mậu dịch là trụ cột của mối quan hệ vốn gây nhiều tranh cãi giữa hai "gã khổng lồ" châu Á, được tóm tắt trong giới học thuật bằng câu cửa miệng “kinh doanh nóng, chính trị lạnh”.
Lần này, "sức gió lạnh" của địa chính trị dường như khó có thể ngăn chặn.
Đầu tư FDI mới của Nhật Bản vào Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm nay giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016. Đây là sự thay đổi lớn đối với các công ty Nhật Bản đã tích lũy được lượng FDI gần 130 tỷ USD tại Trung Quốc cho đến cuối năm ngoái.
Trước đó, ngay cả trong giai đoạn 2010-2012, khi tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên trở nên căng thẳng và Bắc Kinh tạm thời chặn các lô hàng đất hiếm đến Nhật Bản, các công ty vẫn tăng lượng đầu tư trung bình 13% mỗi năm.
Theo một quan chức tại Tokyo phụ trách chính sách Trung Quốc, Trung Quốc dường như lo ngại về sự suy giảm này và đang cố gắng thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn.
Bối cảnh chính trị cũng kém lành mạnh hơn nhiều. Tháng trước, Nhật Bản lần đầu cáo buộc máy bay quân sự Trung Quốc xâm phạm không phận. Sự việc diễn ra sau khi chiến hạm Suzutsuki của Nhật Bản hồi tháng 7 đã di chuyển trong lãnh hải Trung Quốc trong 20 phút mà không báo trước, khiến Bắc Kinh lên tiếng phản đối.
Bên cạnh đó, việc bắt giữ một nhân viên của hãng dược phẩm Nhật Bản vào đầu năm ngoái cũng làm dấy lên sự lo ngại của công chúng về sự an toàn của công dân Nhật Bản tại Trung Quốc. Người đàn ông này đã bị truy tố vì tội gián điệp vào đầu tháng này.
Các công ty Nhật Bản cũng đang bị cuốn vào những căng thẳng địa chính trị rộng lớn hơn, khi Mỹ gây sức ép buộc Tokyo thắt chặt các hạn chế xuất khẩu đối với hàng công nghệ cao trong lĩnh vực bán dẫn, và Trung Quốc được cho là sẽ đe dọa trả đũa nếu điều đó xảy ra.
Đối với Nippon Steel, một trong những nhà đầu tư Nhật Bản đầu tiên vào Trung Quốc, doanh nghiệp địa phương đã trở thành rào cản cho nỗ lực mua lại US Steel, khi các chính trị gia ở Mỹ coi đây là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Trong một lá thư của Mỹ gửi cho Nippon Steel và US Steel, nội dung thư trích dẫn tình trạng dư thừa thép giá rẻ của Trung Quốc trên toàn cầu và cho biết dưới sự quản lý của Nippon, US Steel sẽ ít có kả năng áp dụng thuế quan đối với các nhà nhập khẩu thép nước ngoài.
Dịch chuyển dòng vốn đầu tư
Khi trọng tâm của các công ty Nhật Bản chuyển sang các nơi khác ở châu Á và xa hơn nữa, những khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc cũng đang là trở ngại lớn. Trong số 1.760 công ty được Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc khảo sát, 60% đánh giá rằng nền kinh tế hiện nay tệ hơn năm ngoái.
Tầm quan trọng của Trung Quốc đối với các nhà xuất khẩu Nhật Bản không còn giống như những năm trước, vì các công ty phải thích ứng với thuế quan của Mỹ và những thay đổi khác, bao gồm cả các ưu đãi từ Tokyo để chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc.
Trung Quốc chiếm chưa đến 18% lượng hàng xuất khẩu của Nhật Bản vào năm ngoái, mức thấp nhất kể từ năm 2015, với giá trị giảm gần 7% so với mức tăng trưởng hai chữ số sang Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Kết quả là, Mỹ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản lần đầu tiên sau 4 năm.
Komatsu là một ví dụ điển hình. Nhà sản xuất máy đào và thiết bị hạng nặng này đang suy giảm doanh số ở Trung Quốc khi nền kinh tế chậm lại, ngành xây dựng suy thoái và cạnh tranh gay gắt hơn.
Trong khi doanh thu của Komatsu tại Trung Quốc đối với thiết bị xây dựng và khai thác đã giảm 57% trong năm tài chính trước so với mức đỉnh điểm vào năm 2019, thì doanh thu này đã tăng gần 46% trên toàn cầu trong cùng kỳ.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, có khoảng 31.000 công ty Nhật Bản tại Trung Quốc vào năm ngoái, tức giảm khoảng 1/10 so với năm 2020. Trong cùng kỳ, khoảng 4.000 công ty đã thành lập văn phòng ở những nơi khác trên thế giới.
Ông Masami Miyashita, tổng giám đốc Hiệp hội Kinh tế Nhật Bản-Trung Quốc tại Bắc Kinh cho biết: "Hiện tại, các công ty đang tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của mình để ngăn chặn thua lỗ. Đây không phải là thời điểm đầu tư".
Theo ông Kazuto Suzuki, giáo sư kinh tế chính trị toàn cầu tại Đại học Tokyo, các công ty Trung Quốc đã trở nên cạnh tranh hơn và cuộc đối đầu địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến các công ty Nhật Bản e ngại đầu tư vào một số lĩnh vực, chẳng hạn như chất bán dẫn và công nghệ mới nổi.
Ông cho biết: "Các công ty Nhật Bản không thấy nền kinh tế Trung Quốc phục hồi ngay lập tức, vì vậy việc tăng cường đầu tư là không hợp lý".
Giảm phát đeo bám Trung Quốc, tiếp tục bước vào vòng xoáy mới
- Người Mỹ mất 5,6 tỷ USD do lừa đảo đầu tư tiền điện tử 10/09/2024 10:40
- Trung Quốc tài trợ thêm 51 tỷ USD cho châu Phi, hứa hẹn 1 triệu việc làm 05/09/2024 03:15
- ‘Bóc trần’ ngành công nghiệp lừa đảo 2 tỷ USD do người Trung Quốc cầm đầu 10/09/2024 12:30
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.