Công điện mới của Thủ tướng: 'Nâng hạng thị trường chứng khoán trong thời gian sớm nhất'

Tuệ Lâm - 14/12/2023 17:23 (GMT+7)

(VNF) - Thủ tướng Phạm Minh yêu cầu các cơ quan chức năng quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian sớm nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện số 1360 yêu cầu tăng cường các giải pháp thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.

Không để xảy ra rủi ro, mất an toàn

Trong công điện, Thủ tướng đánh giá thời gian tới, thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế có nhiều biến động phức tạp, khó dự báo, ảnh hưởng đến thị trường vốn, tiền tệ, thị trường chứng khoán nước ta. 

Để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững hơn, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục bám sát diễn biến thị trường để chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp ổn định và phát triển thị trường chứng khoán; tạo điều kiện hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững, là kênh dẫn vốn trung và dài hạn hiệu quả của nền kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu giám sát chặt chẽ diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế, các dòng vốn ra và vào thị trường để chủ động có giải pháp điều hành, giám sát thị trường chứng khoán phù hợp, kịp thời, sát với tình hình, bảo đảm an toàn, minh bạch, ổn định thị trường chứng khoán, không để xảy ra rủi ro, mất an toàn.

Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát cơ chế, chính sách và hoàn thiện khung khổ pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường chứng khoán cả trước mắt và lâu dài.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp tăng cường chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán; nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành viên thị trường, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư theo hướng thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư, đồng thời chủ động cung cấp thông tin, đào tạo kiến thức tài chính – chứng khoán cho nhà đầu tư cá nhân.

Thủ tướng yêu cầu giám sát chặt chẽ diễn biến của thị trường chứng khoán.

Đáng chú ý, trong công điện, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian sớm nhất, nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư tổ chức; kịp thời, chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Xử lý các tin đồn ảnh hưởng đến an toàn thị trường

Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường chứng khoán theo quy định pháp luật; kịp thời cảnh báo sớm và có phương án xử lý các rủi ro có thể phát sinh, bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, điều hành, giám sát hoạt động thị trường chứng khoán, có giải pháp hiệu quả để bảo đảm an toàn, an ninh và bảo mật các giao dịch trên thị trường chứng khoán; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công bố thông tin kịp thời, công khai, minh bạch, tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng thuộc phạm vi quản lý.

Bộ Tài chính được yêu cầu phối hợp với các cơ quan liên quan để sớm hoàn thành việc rà soát, làm sạch dữ liệu về nhà đầu tư; tiến tới việc rà soát, làm sạch dữ liệu về nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán, góp phần nâng cao tính an toàn, minh bạch của thị trường; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý các tin đồn, bịa đặt, sai sự thật ảnh hưởng đến an toàn của thị trường chứng khoán.

Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa và thực hiện các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán, bảo đảm sự an toàn, liên thông, thông suốt, đồng bộ giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thị trường chứng khoán.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán; có giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi tấn công mạng, xâm nhập, lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư trong giao dịch chứng khoán trên không gian mạng.

Nâng hạng để tăng chiều sâu cho thị trường

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, việc Việt Nam được nâng hạng thị trường chứng khoán thì sẽ thu hút dòng vốn ngoại gián tiếp ròng khoảng 7,2 tỷ USD; cải thiện khả năng định giá cổ phiếu; tác động tích cực đến quá trình cổ phần hoá của Chính phủ; gia tăng số lượng nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư có quy mô lớn, tăng tính chuyên nghiệp, giảm thiểu biến động từ tác động tâm lý thị trường và nâng cao vị thế và hình ảnh của thị trường vốn Việt Nam…

Nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ giúp Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại gián tiếp khoảng 7,2 tỷ USD.

Ông Đặng Hồng Quang, Giám đốc, Trưởng đại diện văn phòng Hà Nội VinaCapital cho rằng việc nâng hạng thị trường còn có ý nghĩa tăng chiều sâu cho thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời khắc phục tình trạng các nhà đầu tư cá nhân hiện đang chiếm tỷ lệ giao dịch trên 90% toàn thị trường.

“Điều này còn có tính thời điểm đặc biệt quan trọng khi dòng vốn quốc tế, nhất là dòng vốn của các Quỹ hưu trí và Quỹ hiến tặng lớn của phương tây đang rút khỏi thị trường Trung Quốc do căng thẳng địa chính trị Mỹ – Trung, và các nhà đầu tư tổ chức quy mô cực lớn này đang tìm kiếm thị trường chứng khoán giàu tiềm năng khác để giải ngân”, ông Quang nêu và cho hay trước thời điểm nâng hạng, thị trường chứng khoán thường tăng mạnh.

Tuy vậy, các chuyên gia nhìn nhận, hiện tại Việt Nam còn một số tiêu chí chưa đáp ứng được tiêu chuẩn nâng hạng của 2 tổ chức MSCI và FTSE Russell. Trong đó, nổi cộm là giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài và vấn đề ký quỹ trước giao dịch (pre-funding).

Về tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, ông Đặng Hồng Quang cho rằng hiện tại, theo Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021/NĐ-CP, đang có 25 ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường và 59 ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.

“Chúng tôi kiến nghị giảm bớt số lượng ngành nghề ở trong danh sách này đối với những ngành nghề không nhất thiết phải hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Việc phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) cũng sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào những doanh nghiệp đã chạm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài”, ông Quang nêu.

Về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding), theo ông Quang, hệ thống giao dịch chứng khoán KRX đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặt mục tiêu đi vào vận hành vào cuối tháng 12/2023. Hệ thống này sẽ là cơ sở về mặt kỹ thuật cho việc không cần yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có đủ 100% tiền trong tài khoản trước khi mua chứng khoán.

“Công ty chứng khoán có thể phối hợp với các bên liên quan hỗ trợ ứng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện giao dịch mà không cần ký quỹ 100%. Về lâu dài, việc triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP), trong đó ngân hàng lưu ký được là thành viên thanh toán bù trừ, sẽ giải quyết được vấn đề pre-funding”, ông Quang chia sẻ.

Cùng chuyên mục
Tin khác