'Cộng dồn các lần điều chỉnh những năm qua, lương hưu đã tăng hơn 30%'

Anh Hùng - 29/06/2024 16:00 (GMT+7)

(VNF) - Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong, lương hưu tăng 15% nhưng thực tế, cộng dồn các lần điều chỉnh lương hưu do tăng chỉ số CPI những năm qua, thì đã cao hơn mức tăng 30% của cán bộ, công chức.

Sáng 29/6, tại phiên bế mạc, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Trong đó, Quốc hội thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.

Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024.

Đồng thời điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6 năm 2024); đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng; điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).

Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong trả lời báo chí tại họp báo công bố kết quả của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tại buổi họp báo công bố kết quả của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã lý giải vì sao chỉ tăng 15% mức lương hưu.

Cụ thể, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết trong mấy lần điều chỉnh trước lương hưu đã tăng rồi. Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công cũng tính chỉ tăng lương hưu lên 11,5% là sẽ ngang bằng với 30% của cán bộ công viên chức.

"Tuy nhiên do các cụ khó khăn, bên cạnh đó năm nay lương tăng thì giá cả cũng tăng lên nữa nên đã thống nhất tăng lên 15%", Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho hay.

Liên quan đến cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết Ban chỉ đạo đã có nhiều cuộc họp về vấn đề này. Theo đó, thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công đã rõ, đủ điều kiện thực hiện.

Còn 2 nội dung chưa thực hiện gồm các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương); cơ cấu lại và sắp xếp thành 9 chế độ phụ cấp mới, do phát sinh nhiều bất cập.

Trong đó, về bảng lương mới, ông Đặng Thuần Phong cho rằng, phải xác định vị trí việc làm trên cơ sở giảm được biên chế, lúc đó mới tính ra mức lương đi theo từng vị trí. Tuy nhiên việc xác định vị trí việc làm chưa đồng bộ, chưa có sự thống nhất tương đối với nhau giữa các bộ ngành và giữa các địa phương, mặc dù chung 1 lĩnh vực.

"Chính vì vậy, Ban chỉ đạo đã nhất trí trình phương án "chậm dần" để cho phép Chính phủ có thêm thời gian rà soát, tính toán thật kỹ, dưới công thức xác định vị trí việc làm dựa trên tinh giản biên chế, từ đó có cơ sở để tính hệ số lương, mức lương… cho hợp lý", ông Phong nói.

Đối với 9 chế độ phụ cấp hiện nay còn vướng mắc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết nếu xử lý không đồng bộ thì sẽ có những người sẽ rất thiệt thòi, ở trong ngành nghề, hoặc đơn vị, nơi công tác ở vùng sâu, vùng xa có một số khoản phụ cấp, mà nếu bỏ đi thì chỉ nhận mức lương thấp.

"Có người ở thời điểm chưa cải cách tiền lương thì còn khá hơn khi cải cách rồi. Điều này dẫn đến việc không khuyến khích được nhân tài, cũng như nỗ lực lao động ở trong cán bộ công chức, đơn vị sự nghiệp", ông Phong nêu vấn đề.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho rằng cần đánh giá cân nhắc kỹ càng các vấn đề trên để khi thực thi mang lại hiệu quả, công bằng, hợp lý.

Cùng chuyên mục
Tin khác