Covid-19 khiến 5 triệu lao động Việt Nam thất nghiệp, tạm nghỉ việc
Bội Thu -
24/04/2020 14:12 (GMT+7)
(VNF) - Tổng cục Thống kê cho biết tron 4 tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã làm hàng triệu người thất nghiệp hoặc nghỉ việc tạm thời.
Tại buổi họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý I/2020 tổ chức sáng nay (24/4), Tổng cục Thống kê cho hay: tỷ lệ tham gia lực lượng lao động từ đầu năm đang ở mức thấp kỷ lục trong 10 năm, với khoảng 75,4% dân số từ 15 tuổi trở lên, thấp hơn 1,2 - 1,3% so với quý trước và cùng kỳ các năm.
Tính tới giữa tháng 4, số lao động bị ảnh hưởng với Covid-19 là gần 5 triệu người. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất với 1,2 triệu lao động, kế tiếp là ngành bán buôn, bán lẻ 1,1 triệu lao động, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống với 740.000 lao động.
Trong tổng số 5 triệu lao động bị ảnh hưởng, có 59% là tạm nghỉ việc, 28% là giãn việc hoặc nghỉ luân phiên, 13% là mất việc.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi từ 15 cũng ở mức cao nhất 5 năm. Theo Tổng cục thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong quý I vừa qua là 2,22%, tăng 0,07% so với quý trước và tăng 0,05% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, Tổng cục Thống kê cho biết có gần 85% doanh nghiệp nói họ gặp khó khăn do dịch Covid-19. Trong số này, doanh nghiệp quy mô lớn và quy mô vừa chịu tổn thương nhiều hơn khi có 90% tự đánh giá gặp khó khăn trong 4 tháng đầu năm.
Trong một diễn biến liên quan, mới đây Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã công bố báo cáo nhanh về tác động của Covid-19 tới thị trường lao động Việt Nam, phân tích tác động theo lĩnh vực kinh tế và ước tính quy mô việc làm bị ảnh hưởng.
Báo cáo nhận định sự tác động của dịch bệnh đến thị trường lao động Việt Nam có thể sẽ rõ rệt hơn trong quý II/2020.
Hai kịch bản được các chuyên gia ILO đưa ra gồm kịch bản có mức độ tác động thấp (do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được nới lỏng trong quý II) và và kịch bản có mức độ tác động lớn (khi phần lớn các biện pháp kiểm soát dịch bệnh vẫn được áp dụng).
Theo đó, đến cuối quý II, khủng hoảng có thể ảnh hưởng đến sinh kế của 4,6 - 10,3 triệu lao động. Người lao động bị giảm số giờ làm, giảm lương, hoặc trong trường hợp xấu nhất là mất việc.
Theo kịch bản có mức tác động lớn, sẽ có 3,8 triệu lao động trong lĩnh vực sản xuất, 2,6 triệu lao động trong lĩnh vực thương mại bán buôn bán lẻ, sửa chữa xe gắn máy, xe máy và 1,4 triệu lao động làm các dịch vụ lưu trú và ăn uống bị ảnh hưởng.
Ở kịch bản có mức tác động thấp hơn sẽ có 1,8 triệu lao động trong lĩnh vực sản xuất, 0,9 triệu lao động trong lĩnh vực thương mại bán buôn và bán lẻ và 0,9 triệu lao động làm các dịch vụ lưu trú và ăn uống bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp hiện đang sử dụng tổng cộng 18,9 triệu lao động, dù được đánh giá có nguy cơ thấp, nhưng các phân ngành phục vụ xuất khẩu cũng có thể phải đối diện với nhiều thách thức.
Theo ILO, lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không được tiếp cận các mạng lưới bảo trợ xã hội của nhà nước chi trả. Lao động dễ bị tổn thương đặc biệt có nguy cơ phải đối diện rủi ro về kinh tế, do phần đông làm các công việc phi chính thức với mức lương thấp và nhiều khả năng họ không có tiền tiết kiệm. Phụ nữ chiếm số đông trong hầu hết các lĩnh vực phải chứng kiến sự sụt giảm mạnh của các hoạt động kinh tế.
Trong 5 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19, việc làm phi chính thức chiếm tỷ lệ lớn. Đặc biệt là trong những ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, lao động phi chính thức chiếm tới hơn 81%.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.