CPI tháng 2 tăng gần 4% do Tết Nguyên đán

Kỳ Thư - 29/02/2024 16:20 (GMT+7)

(VNF) - Trong tháng 2/2024, CPI tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2023 Bình quân 2 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản ở mức 2,84%.

VNF

Theo báo cáo kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024 của Tổng cục Thống kê (TCTK), trong tháng 2 chỉ số giá tiêu dùng  (CPI) tăng 1,04% so với tháng trước, tăng 1,35% so với tháng 12/2023 và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2023  Bình quân 2 tháng đầu năm 2024, CPI  tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát  cơ bản ở mức 2,84%.

Lý giải về mức tăng này, TCTK cho biết tháng 2 là giai đoạn có Tết Nguyên đán Giáp Thìn nên nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng cao.

Bên cạnh đó, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu ; giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những nguyên nhân chính làm cho CPI tăng mạnh.

TCTK cũng cho biết trong mức tăng 1,04% của CPI tháng 2/2024 so với tháng trước có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng hai nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Trong đó, nhóm giao thông tăng cao nhất với 3,09% (làm CPI chung tăng 0,3 điểm %); Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,71% (tác động làm CPI chung tăng 0,57 điểm %); Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,8% do nhu cầu tiêu dùng và sử dụng làm quà biếu tặng vào dịp Tết Nguyên đán tăng; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,79% do nhu cầu mua sắm, du xuân dịp Tết Nguyên đán tăng (tác động làm CPI chung tăng 0,04 điểm %).

Ngoài ra, Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,78%; Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,43% (tác động làm CPI chung tăng 0,08 điểm %); Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,26%; Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,16%; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng nhẹ 0,02%.

Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,17% do các doanh nghiệp thực hiện chương trình khuyến mại giảm giá đối với một số loại điện thoại di động mẫu mã cũ và Nhóm giáo dục giảm 0,42% so với tháng trước.

CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục tháng 2/2024 tăng 0,49% so với tháng trước và tăng 2,96% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân 2 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản đạt 2,84% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn lạm phát chung (3,67%) chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản. 

Cùng chuyên mục
Tin khác