Thị trường

Cục diện mới của thị trường gạch ốp lát

(VNF) - Tăng trưởng chậm lại, cung vượt cầu, xu hướng tiêu dùng thay đổi… là những nét chính trong cục diện của thị trường gạch ốp lát hiện nay.

Cục diện mới của thị trường gạch ốp lát

Thị trường gạch ốp lát Việt Nam được nhìn nhận đang trong giai đoạn có mức độ cạnh tranh khá cao, nhất là trong phân khúc Ceramic.

Thị trường đang tái cấu trúc

Thị trường gạch ốp lát Việt Nam đã bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ trước nhưng chỉ thực sự bùng nổ từ đầu thế kỷ này. Mười năm 2000 – 2009 có thể xem là giai đoạn tăng trưởng vàng của gạch ốp lát. Từ năm 2010 đến năm 2019, tốc độ tăng trưởng bắt đầu chậm đi, dù rằng các công ty vẫn tăng đầu tư, tăng công suất, nhất là trong giai đoạn 2014 – 2019 để phục vụ sự trỗi dậy của thị trường bất động sản sau khủng hoảng. 2 năm trở lại đây, cùng với sự đi xuống của thị trường bất động sản - xây dựng, tốc độ tăng trưởng của ngành gạch ốp lát đã chậm đi rõ rệt.

Song, trải qua mấy chục năm phát triển, thị trường cũng đã kịp đạt đến quy mô lớn, 500 triệu m2/năm, đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 6 thế giới, cung cấp đa dạng sản phẩm với 4 dòng chính: gạch đất sét nung (Cotto), gạch tráng men (Ceramic), gạch xương sứ (Porcelain) và gạch Granite.

Thống kê cho thấy, thị trường gạch ốp lát hiện có khoảng 82 công ty vừa và nhỏ tham gia sản xuất, chưa kể tới hàng nghìn đơn vị nhỏ lẻ. Thị phần lớn nhất thuộc về Prime (70 triệu m2/năm), Viglacera (43 triệu m2/năm), Vitto (40 triệu m2/năm), Mikado (21 triệu m2/năm)… Ngoài ra, thị trường còn có các tên tuổi khác như Tasa, Hoàn Mỹ, Catalan, Nice Ceramic, CMC (HoSE: CVT), Thanh Thanh (HNX: TTC), Taicera (HoSE: TCR), Chang Yih (UPCoM: CYC), RedstarCera (UPCoM: TRT)…

Đa phần công ty hiện nay sản xuất gạch Ceramic, số sản xuất Porcelain không nhiều. Viglacera (HoSE: VGC) là đơn vị hiếm hoi có cơ cấu 70% gạch Porcelain, 30% gạch Ceramic. VGC cũng là một trong số ít công ty có năng lực xuất khẩu gạch ốp lát với giá trị xuất khẩu 10 – 15 triệu USD/năm.

Thị trường gạch ốp lát Việt Nam được nhìn nhận đang trong giai đoạn có mức độ cạnh tranh khá cao, nhất là trong phân khúc Ceramic. Nguyên nhân là rào cản gia nhập thị trường ở mức trung bình, do chi phí vốn và công nghệ không quá cao. Bên cạnh đó, số lượng đơn vị sản xuất rất lớn, sản phẩm giữa các đơn vị không có nhiều khác biệt vượt trội nên cạnh tranh nhau gay gắt. Ngoài ra, nhóm vật liệu xây dựng hoàn thiện có rất nhiều chủng loại thay thế cho gạch ốp lát, như gỗ tự nhiên, gỗ ép nhân tạo, đá tự nhiên, đá nhân tạo, nhựa tổng hợp… Áp lực từ sản phẩm thay thế là rất lớn, lại được hỗ trợ bởi bối cảnh các sản phẩm có xu hướng giảm giá nên tính cạnh tranh càng mạnh.

Trong khi đó, vài năm trở lại đây, giá các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất gạch ốp lát lại gia tăng đáng kể. Điều này đã đẩy giá thành gạch tăng lên. Trong bối cảnh dư cung, để bán được hàng, nhiều doanh nghiệp phải giảm biên lợi nhuận. Ngay cả doanh nghiệp đầu ngành như VGC cũng phải chấp nhận thực tế này, biên lợi nhuận gộp mảng gạch ốp lát của công ty đã giảm từ 29% (năm 2018) xuống chỉ còn 19% (năm 2021), đi cùng với sự suy giảm của doanh thu.

Thị trường đang tái cấu trúc với xu hướng nổi bật là tiêu dùng sản phẩm kích thước lớn, ưa chuộng hơn với Porcelain và đòi hỏi sự đa dạng mẫu mã, hoa văn, thay vì một vài kiểu truyền thống như trước. Những doanh nghiệp sở hữu dây chuyền sản xuất kích thước lớn và trang trí in kỹ thuật số được xem là nắm giữ lợi thế cạnh tranh tốt trong bối cảnh hiện nay.

Chuyển động doanh nghiệp

Quý I/2022 được xem là quý làm ăn khá của các doanh nghiệp gạch ốp lát. Phần đa có được doanh thu tốt, tăng trưởng so với cùng kỳ, có thể kể đến như: VGC đạt 591 tỷ đồng, tăng 18%; CVT đạt 341 tỷ đồng, tăng 30%; TCR đạt 204 tỷ đồng, đi ngang; riêng TTC có suy giảm, nhưng rất ít, chỉ 4%, đạt 60 tỷ đồng…

Nguyên nhân của hiện tượng này là do thị trường bất động sản hiện có nhiều công trình dở dang, cần hoàn thiện, đến sát thời hạn bàn giao do bị đình công trong năm 2021 bởi ảnh hưởng dịch bệnh. Nhu cầu lên cao đã thúc đẩy lượng tiêu thụ gạch ốp lát.

Tuy nhiên, cầu cao này được cho là sẽ sớm kết thúc. Quý II/2022 được nhìn nhận là khó khăn hơn khá nhiều đối với các doanh nghiệp gạch ốp lát khi số lượng công trình hoàn thiện không còn nhiều, số công trình mới ra đời lại rất hạn chế vì các vướng mắc liên quan đến pháp lý, siết tín dụng bất động sản. Đặc biệt, “bão giá” nguyên vật liệu xây dựng tiếp tục nổi lên khiến nhiều công trình rơi vào trạng thái “nằm im chờ thời”.

Bối cảnh này đặt ra bài toán không hề dễ chịu với các doanh nghiệp cỡ nhỏ khi chiến lược cạnh tranh bằng giá vấp phải sự kháng cự từ bão giá nguyên vật liệu đầu vào, còn thay đổi cơ cấu sản phẩm lại vướng vào vấn đề công nghệ, vốn và thời gian, trong khi xu hướng tiêu dùng thay đổi rất nhanh theo chu kỳ chỉ 2 – 3 năm.

Doanh nghiệp lớn được nhìn nhận là có thể nắm giữ thế chủ động. Chẳng hạn với VGC, nhờ thâu tóm nhà máy Bạch Mã (nay là nhà máy Viglacera Eurotile), tập đoàn này có lợi thế trong việc sản xuất mạnh gạch Porcelain – loại gạch đang ngày càng được ưa chuộng, thay thế cho Ceramic rẻ tiền. Với 4 dây chuyền sản xuất gạch Porcelain, nhà máy Viglacera Eurotile có công suất 8 triệu m2/năm. Năm 2022 VGC sẽ còn đầu tư bổ sung dây chuyền tấm lớn với công suất 2 triệu m2 năm, dự kiến quý I/2023 sẽ đi vào hoạt động. Tấm lớn hiện đang là sản phẩm dẫn dắt xu hướng tiêu dùng do có nhiều ưu điểm như: giảm số lượng khe sàn, cho cảm giác sàn nhà liền khối và rộng hơn, dễ vệ sinh và phối nội thất…

“Mục tiêu chúng tôi là tăng thị phần khu vực phía Nam từ 3% đến 9% sau khi sở hữu nhà máy Viglacera Eurotile. Chúng tôi cũng sẽ tập trung triển khai vận hành dự án tấm lớn năm 2023, đây là vật liệu tiên tiết nhất thị trường với công nghệ Continua + Sacmi Italy. VGC sẽ phát triển các dòng sản phẩm cao cấp, định hướng xuất khẩu nhiều hơn”, một lãnh đạo VGC nói với Tạp chí Đầu tư Tài chính.

Nhìn về dài hạn, thị trường gạch ốp lát được đánh giá sẽ còn tăng trưởng, do nhu cầu xây dựng vẫn còn rất lớn tại Việt Nam, tỷ lệ đô thị hóa còn thấp. Xu hướng dịch chuyển sang sản phẩm trung cao cấp sẽ tăng lên, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng, mẫu mã và thương hiệu. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ chú tâm sản xuất mà còn phải có chiến lược bài bản để trụ vững trước bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Tin mới lên