‘Cuộc chiến với chính mình làm suy yếu nước Nga từ bên trong’

Quang Đăng - 13/08/2024 09:30 (GMT+7)

(VNF) - Sau khi lạm phát giảm từ mức đỉnh điểm 17,8% vào năm 2022, năm đầu tiên chiến sự Ukraine nổ ra, xuống chỉ còn hơn 2% vào năm ngoái, áp lực giá lại một lần nữa gia tăng tại Nga.

Áp lực lạm phát không ngừng tăng

Số liệu chính thức được công bố tuần trước cho thấy lạm phát, được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng, đã tăng 9,1% trong năm tính đến tháng 7.

Chi phí đang tăng ở khắp mọi nơi, giá thực phẩm tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Giá trứng tăng khoảng 50% so với một năm trước. Thực phẩm thiết yếu này trở nên đắt đỏ đến mức nhiều gia đình phải dùng trứng làm quà tặng.

Cuộc khủng hoảng thậm chí còn dẫn đến một vụ ám sát nhằm vào ông Gennady Shiryaev, người tự xưng là "Vua trứng" của Nga, sau khi chính quyền điều tra ông vì cáo buộc thao túng giá.

Giá thực phẩm ở Nga tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (Ảnh: AFP)

Chi tiêu quân sự lớn hiện đang hỗ trợ nền kinh tế Nga, với vũ khí, xe tăng và mức lương thời chiến tăng cao. Dù vậy, Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 5 đã phủ nhận rằng chi tiêu quân sự, mà ông cho biết đã vượt quá 8% GDP, là không bền vững.

"Nó vẫn chưa đến mức nghiêm trọng", ông Putin nhấn mạnh.

Ngày càng nhiều công nhân rời bỏ công việc ở các công xưởng để ra tiền tuyến. Điều này đã đẩy mức lương tăng cao trên toàn nền kinh tế trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục là 2,4%. Trong một số trường hợp, lương của thợ máy, thợ hàn và thợ dệt đã tăng gấp bốn lần.

Nhà phân tích chính trị Ekaterina Kurbangaleeva nhấn mạnh rằng trong khi một thợ dệt thông thường kiếm được khoảng 300 USD/tháng vào tháng 12/2021, thì công việc tương tự hiện nay có thể kiếm được tới 1.300 USD/tháng.

Bà Alexandra Prokopenko, nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, cảnh báo rằng điều này đang gây áp lực lên giá cả.

Bà cho biết: “Thị trường lao động đang gián tiếp tác động đến lạm phát khi mọi người ngày càng nhận được nhiều tiền lương hơn và chi tiêu mạnh tay hơn”.

Để ứng phó, Ngân hàng Trung ương Nga đã buộc phải thực hiện chiến dịch tăng lãi suất mạnh tay nhằm kiềm chế tình trạng giá cả tăng cao.

Ngân hàng này đã tăng lãi suất chủ chốt 6 lần trong năm qua, bao gồm cả lần tăng 2 điểm phần trăm lên 18% tại cuộc họp gần đây nhất vào tháng 7.

Bà Elvira Nabiullina, thống đốc ngân hàng trung ương, cho biết: "Con tàu của chúng ta đã đi vào vùng biển đầy sóng gió chưa được khám phá".

So sánh nền kinh tế Nga với một bệnh nhân ốm yếu, bà nói thêm: “Lạm phát cao có nghĩa là gì? Giống như nhiệt độ cao ở một người, nó chỉ ra các vấn đề về sức khỏe.”

Tuy nhiên, những vấn đề sức khỏe này hiện đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Ông Chris Weafer, người sáng lập công ty tư vấn Macro Advisory tại Nga, lưu ý rằng ngân hàng trung ương hiện kỳ ​​vọng lãi suất sẽ duy trì "trong khoảng từ 18% đến 19,6%" trong nửa cuối năm 2024.

Tỷ lệ này dự kiến ​​sẽ duy trì ở mức từ 14 đến 16% vào năm 2025, tăng so với mức dự báo trước đó là từ 10 đến 12%.

Nói cách khác, động thái tiếp theo của Nga về lãi suất có nhiều khả năng là tăng hơn là giảm.

Ông Weafer cho biết: “Điều này ngụ ý rằng trong thời gian còn lại của năm, lãi suất chính thức sẽ giữ nguyên ở mức 18% hoặc có thể tăng lên 19% hoặc thậm chí 20% ngay tại cuộc họp tiếp theo của ngân hàng trung ương vào tháng 9”.

Ông tin rằng nền kinh tế Nga đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm mới khiến nền kinh tế có “nguy cơ thực sự xảy ra tình trạng đình lạm”.

Ông Weafer cho hay: “Trong giai đoạn đầu, nền kinh tế đang phản ứng với sự thay đổi mạnh mẽ sau khi phương Tây áp dụng các lệnh trừng phạt toàn diện”.

Vào thời điểm đó, đất nước này có thể ứng phó một phần bằng cách bán dầu giá rẻ cho các nước như Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo Bộ tài chính Nga, doanh thu từ dầu khí đạt 80 tỷ USD trong 7 tháng qua và Điện Kremlin đã sử dụng nguồn doanh thu này để tài trợ cho khoản chi tiêu công tăng mạnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, ông Weafer cho biết động lực tạm thời này đang dần mất đi khi lãi suất và thực tế kinh tế bắt đầu ảnh hưởng.

Ông cho biết: “Dữ liệu mới nhất về Nga cho thấy giai đoạn phục hồi sau lệnh trừng phạt đang dần kết thúc”.

“Điều đó đi kèm với sự cạn kiệt hoặc suy yếu của các động lực tăng trưởng trước đây khi chính phủ ngày càng quan tâm đến nhu cầu cân bằng sổ sách của mình", ông Weafer nhận định.

Triển vọng mù mờ

Mới đây, ông Andrei Belousov, một nhà kinh tế được đào tạo bài bản nhưng không có kinh nghiệm quân sự, được bầu làm bộ trưởng quốc phòng. Ông Weafer cho biết vị tân bộ trưởng quốc phòng đã phát huy được tầm ảnh hưởng của mình trong vai trò này.

“Xem xét kỹ hơn dữ liệu sản xuất cho thấy sự chuyển dịch theo hướng tiết chế trong chi tiêu của chính phủ, đặc biệt là trong quốc phòng. Những thay đổi trong xu hướng vĩ mô của Nga có nghĩa là triển vọng tăng trưởng trong tương lai ngày càng trở nên mù mờ.

Rủi ro là sự chậm lại trong tăng trưởng sẽ trở nên rõ rệt hơn nhiều so với sự điều tiết lạm phát, điều này có nghĩa là Nga có thể phải đối mặt với kịch bản đình lạm ngay từ năm sau. Đây là rủi ro mà ngân hàng trung ương muốn tránh bằng mọi giá – do đó, họ quyết tâm theo đuổi chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn”, ông Andrei nhấn mạnh thêm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn kỹ thuật quân sự quốc tế "Army-2021" tại Trung tâm triển lãm và hội nghị Patriot ở vùng Moscow, Nga ngày 23/8/2021. (Ảnh: Sputnik/Ramil Sitdikov/Kremlin/REUTERS)

Năng lượng giá rẻ đang ngày càng trở nên đắt đỏ hơn khi Điện Kremlin tăng hóa đơn tiền điện gần 10% vào tháng 7.

Thuế cũng sẽ tăng vào năm tới, dự kiến ​​sẽ tăng thêm 30 tỷ USD vào doanh thu ngân sách năm tới.

Mức thuế thu nhập cố định 13% do ông Putin đưa ra vào năm 2001 sẽ sớm trở thành thang thuế năm bậc, tăng lên tới 22% đối với thu nhập vượt quá 50 triệu rúp (khoảng nửa triệu USD).

Thuế doanh nghiệp của Nga cũng sẽ tăng từ 20% lên 25% vào năm tới, trong khi thuế dầu khí cao hơn cũng giúp tăng doanh thu.

Các biện pháp này đã được ký thành luật mà không có nhiều phản đối. Ông Ekaterina cho biết điều này "không phải vì áp lực đối với công dân Nga, mà vì cải cách thuế này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 3,2% dân số và sẽ buộc những người giàu hơn phải trả nhiều hơn".

Ông nhấn mạnh rằng lãi suất cao hơn đã khuyến khích tiền gửi ngân hàng tăng trưởng hơn 78 tỷ USD trong 7 tháng qua.

Chính phủ ước tính rằng người dân Nga bình thường nắm giữ khoảng 445 tỷ USD tiền tiết kiệm vào cuối năm 2023.

“Số tiền này lớn hơn ngân sách hàng năm của Nga cho năm 2024. Những khoản tiết kiệm này sẽ giúp giảm áp lực lạm phát và cũng cung cấp thêm tiền cho chính quyền Nga”.

Ông Weafer cho biết rõ ràng là kỷ nguyên tăng trưởng thấp sẽ không sớm biến mất: “Tăng trưởng kinh tế đạt đỉnh vào đầu năm nay và tốc độ tăng trưởng trong tương lai sẽ thấp hơn; có thể thấp hơn nhiều so với những gì đã thấy trong năm qua”.

Theo The Telegraph
Chi mạnh tay cho chiến sự, kinh tế Nga lộ dấu hiệu ‘hụt hơi’

Chi mạnh tay cho chiến sự, kinh tế Nga lộ dấu hiệu ‘hụt hơi’

Tài chính quốc tế
(VNF) - Nền kinh tế quá nóng của Nga do Điện Kremlin chi tiêu quá nhiều cho chiến sự tại Ukraine có thể sắp hạ nhiệt mạnh trong bối cảnh các ngành quan trọng vốn thúc đẩy tăng trưởng đang ngày càng bị hạn chế.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.