Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Năm 2009, cả nước có 19 sân golf đi vào hoạt động và quy hoạch đến năm 2020 có thêm 70 sân golf nữa. 5 năm sau đó, theo quy hoạch sân golf Việt Nam điều chỉnh, đến năm 2020 cả nước có 96 sân golf. Số sân golf này được cấp phép xây dựng tại 37 địa phương. Đáng chú ý không chỉ những địa phương kinh tế phát triển, nhiều tiềm năng lợi thế du lịch muốn cấp phép đầu tư sân golf mà ngay cả địa phương ít thế mạnh về du lịch cũng đang nhảy vào cuộc đua.
Cuộc đua ngày ngày càng sôi động hơn khi Nghị định 52/2020/NĐ-CP về đầu tư kinh doanh sân golf được Chính phủ ban hành. Theo đó, kinh doanh sân golf chính thức trở thành ngành kinh doanh có điều kiện, chứ không phải được quản bởi “vòng kim cô” quy hoạch như trước đây. Cũng theo nghị định này, sẽ không có quy hoạch sân golf quốc gia giai đoạn sau năm 2020, đồng nghĩa với việc địa phương được cấp phép đầu tư sân golf theo nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của mỗi tỉnh.
Thống kê của Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA) cho biết toàn quốc hiện có 80 sân golf đang hoạt động. Số sân golf dự kiến sẽ đạt con số 100 vào cuối năm nay và sẽ tiến tới mốc 200 vào năm 2025. Con số này dự báo còn tăng khi hàng loạt dự án sân golf đang được các địa phương đưa vào quy hoạch.
Đơn cử, tỉnh Hòa Bình vừa đặt mục tiêu trở thành “thủ phủ golf” khi muốn phát triển gần 40 sân golf từ nay đến năm 2050. Hiện Hòa Bình mới có 2 sân golf đang hoạt động và 3 sân khác đã được cấp chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, tỉnh này đã bổ sung vào quy hoạch 16 sân golf với tổng diện tích 1.755ha. Định hướng đến năm 2050, Hòa Bình sẽ có thêm 17 dự án sân golf. Như vậy, nếu thực hiện đúng kế hoạch phát triển trên, Hòa Bình có thể sở hữu gần 40 sân golf.
Đến thời điểm hiện tại, Hòa Bình là một trong những địa phương có kế hoạch phát triển sân golf cao nhất cả nước. Dù vậy, tỉnh này cũng nhận được một số góp ý về việc có cần thiết phải phát triển đến 40 sân golf, cần đánh giá kỹ hiệu quả kinh tế, cũng như như tác động đến môi trường.
Trước các ý kiến này, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cho biết định hướng phấn đấu trở thành thủ phủ sân golf quốc gia đã được tham vấn các bộ, ngành, cũng như có cân nhắc đến các yếu tố quỹ đất, khả năng huy động nguồn vốn để phân kỳ đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh này cũng khẳng định định hướng phát triển sân golf không gây ảnh hưởng đến chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng và quỹ đất cho các hoạt động kinh tế khác. Trong quá trình đánh giá, phê duyệt các dự án, các yêu cầu liên quan đến môi trường sẽ được tỉnh đặc biệt chú trọng, giám sát để đảm bảo tuân thủ pháp luật về việc sử dụng đất rừng, đảm bảo an ninh quốc phòng, giảm thiểu các tác động tiêu cực.
Tương tự, trong quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc cũng dự kiến làm 40 dự án dịch vụ, du lịch, sân golf chủ yếu tại TP. Phúc Yên và huyện Tam Đảo. Hay như Quảng Ninh mong muốn trở thành trung tâm du lịch sân golf của phía Bắc, khi địa phương quy hoạch 22 sân golf. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 3 sân đã đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động, 2 sân đang đầu tư xây dựng, 1 sân đang triển khai thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; 16 sân phát triển mới đang thu hút các nhà đầu tư nghiên cứu, chưa triển khai đầu tư.
Là địa phương không có thế mạnh về du lịch, song Bắc Giang cũng đang nhảy vào cuộc đua này. Trong thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, địa phương phấn đấu thành trung tâm golf khi quy hoạch 13 sân golf. Trong một lần trả lời với báo chí về lý do tỉnh quy hoạch tới 13 sân golf, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang ông Dương Văn Thái, cho biết sau quá trình thu hút đầu tư, hiện số lượng người nước ngoài trên địa bàn tỉnh rất nhiều, với khoảng hơn 10.000 chuyên gia; Bắc Ninh là tỉnh nhỏ bên cạnh Bắc Giang, không có sân golf và cũng có khoảng 10.000 chuyên gia nước ngoài. Như vậy, 2 tỉnh hiện có khoảng hơn 20.000 chuyên gia nước ngoài, họ rất cần dịch vụ sân golf.
Ngoài ra, theo lãnh đạo địa phương này, lợi thế gần sân bay quốc tế Nội Bài nên Bắc Giang cũng có thể phát triển sân golf để đón các “golf tour” từ Hàn Quốc, Nhật Bản. “Hơn nữa, về quy hoạch có thể khẳng định sân golf chính là đất để dành, là đất dự trữ. Chúng ta cho nhà đầu tư thuê 50 năm và đất sân golf trong tương lai có thể chuyển đổi thành đất khu công nghiệp, khu đô thị”, ông Dương Văn Thái cho hay.
Thái Nguyên cũng đang xây dựng kế hoạch phấn đấu đến năm 2030 sẽ có 13 sân golf. Mặc dù có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định nhưng đến năm 2009, tỉnh Thái Nguyên mới quy hoạch sân golf đầu tiên. Đến nay, địa phương vẫn chỉ có 3 quy hoạch phân khu với khu vực vui chơi thể dục thể thao có đề cập, định hướng tới việc xây dựng sân golf.
Theo KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Hội Kiến trúc sư Hà Nội, tiềm năng du lịch golf của Việt Nam là có nhưng không thể nói suông mà phải có số liệu chính xác các sân golf đóng góp thuế hàng năm cho địa phương là bao nhiêu, tạo được bao nhiêu việc làm cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương ra sao. Do vậy, các địa phương cần rà soát và xem lại hiệu quả kinh doanh các sân golf, vì hiện nay nhiều sân ế, hoặc kinh doanh bất động sản cũng không ăn thua.
Vị kiến trúc sư cũng kiến nghị lãnh đạo các địa phương khi đề xuất xây dựng sân golf cần cân nhắc kỹ xem tỉnh mình cần làm gì trước, cần gì sau, cái gì còn thiếu và đầu tư vào cái gì sẽ mang lại lợi ích và hiệu quả lâu dài, bền vững. “Trước khi cấp cái mới, chúng ta phải có thống kê xem những dự án sân golf cũ họ làm ra sao, tác động như thế nào đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, thổ nhưỡng… Hơn nữa, để đầu tư duy trì sân golf tốn rất nhiều nước để tưới cỏ, hóa chất để diệt sâu, bảo vệ cỏ… cho nên cần phải có báo cáo ghi nhận sự thu gom, xử lý nước tưới cỏ ngấm xuống hay chảy đi đâu”, ông Ánh nêu.
Trong khi đó ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), cho hay về mục tiêu chiến lược, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã xác định du lịch phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nên việc đầu tư sân golf là cần thiết, song Việt Nam cần tránh đi vào vết xe đổ. Ông cho rằng các địa phương khi quy hoạch số lượng sân golf phải phù hợp với từng địa bàn và phải phải ngăn chặn tình trạng phát triển sân golf gắn liền với dự án bất động sản.
Theo Luật Đất đai, Chủ tịch HoREA cho biết đất xây dựng sân golf gồm hai phần: đất dịch vụ trồng cây xanh và đất dịch vụ xây dựng các công trình tiện ích khác như nhà hàng, khu vui chơi giải chí, khu vực khách sạn nghỉ dưỡng. Khi đầu tư sân golf, các chủ dự án thường tính tới tổng thể là một quần thể du lịch nghỉ dưỡng có sân golf.
Tuy nhiên, nhiều chủ dự án sân golf lợi dụng việc đầu tư sân golf, tận dụng quỹ đất dịch vụ để xây khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng để bán, cho thuê… “Hiện nay có những sân golf không phù hợp nữa thì phải chuyển đổi mục đích, song chuyển đổi này phải đi đôi với phát triển sản xuất để tạo việc làm, sinh kế cho người dân chứ không phải giữ quỹ đất sân golf để chuyển thành một dự án kinh doanh bất động sản thuần túy”, ông Châu nhấn mạnh.
Tọa đàm Đầu tư ngành golf Việt Nam và ra mắt ấn phẩm "Toàn cảnh Đầu tư ngành golf Việt Nam sẽ diễn ra tại Hà Nội vào sáng thứ 5 (12/10) nhân kỷ niệm 19 năm Ngày doanh nhân Việt Nam với sự tham dự của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nhân và golf thủ. Bạn đọc quan tâm đến chủ đề này, vui lòng liên hệ Tòa soạn.
Ấn phẩm "Toàn cảnh Đầu tư ngành golf Việt Nam" dày 300 trang, giá bán 198 ngàn đồng. Liên hệ mua ấn phẩm: Cô Thu Trang, điện thoại: 0989631133. Email: [email protected]. |
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.