Cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng tiếp tục bị đề nghị truy tố

Khánh Hồng - 21/09/2022 21:18 (GMT+7)

(VNF) - Do thời hạn điều tra bổ sung đã hết nhưng vẫn chưa đủ căn cứ để kết luận các nội dung liên quan, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục thu thập chứng cứ và kết luận đề nghị xử lý tại giai đoạn tiếp theo của vụ án.

VNF
Ông Nguyễn Chiến Thắng - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Khánh Hòa vừa có kết luận điều tra bổ sung vụ vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở khu tổ hợp khách sạn, căn hộ du lịch cao cấp Nha Trang Golden Gate (dự án Nha Trang Golden Gate) ở 28E Trần Phú, TP Nha Trang.

Trước đó, tháng 6/2022, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa có quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Theo đó, bên cạnh các hành vi phạm tội của các bị can Nguyễn Chiến Thắng - cựu Chủ tịch UBND tỉnh, Đào Công Thiên - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Võ Tấn Thái - cựu giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cựu giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Viện Kiểm sát yêu cầu làm rõ sai phạm của các cá nhân liên quan trong việc trực tiếp tham mưu, ban hành các quyết định trái pháp luật trong vụ án.

Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra cũng xác định bên cạnh các hành vi phạm tội của các bị can trên, còn có sai phạm của một số cá nhân liên quan trong việc trực tiếp tham mưu, ban hành các quyết định trái pháp luật tại dự án cần phải tiến hành điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Tuy nhiên, thời hạn điều tra bổ sung đã hết nhưng vẫn chưa đủ căn cứ để kết luận các nội dung liên quan. Do vậy, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục thu thập, củng cố chứng cứ và sẽ kết luận đề nghị xử lý tại giai đoạn tiếp theo của vụ án.

Cơ quan điều tra tiếp tục đề nghị truy tố các bị can Nguyễn Chiến Thắng, Đào Công Thiên, Võ Tấn Thái về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Hành vi của các đối tượng liên trong việc tham mưu lãnh đạo cơ quan chuyên môn và UBND tỉnh Khánh Hòa giao đất trái quy định pháp luật cho Công ty Đỉnh Vàng sẽ tiếp tục điều tra và xử lý ở giai đoạn tiếp theo của vụ án.

Theo điều tra, tháng 1/2013, Công ty Đỉnh Vàng có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa xin thỏa thuận địa điểm đầu tư khách sạn, căn hộ du lịch cao cấp trên khu đất 14.000 m2, số 28E đường Trần Phú.  Khu đất này thời điểm đó do Công ty CP Điện lực Khánh Hòa quản lý, sử dụng.

Đến tháng 3/2013, UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn thông báo ý kiến của ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý về chủ trương thỏa thuận địa điểm đầu tư khách sạn, căn hộ du lịch cao cấp cho Công ty Đỉnh Vàng tại 28E Trần Phú.

Đề xuất của Công ty Đỉnh Vàng và các văn bản trước đó của UBND tỉnh đều thể hiện chủ trương, quyết định theo hướng doanh nghiệp này có trách nhiệm làm việc với người sử dụng đất để thống nhất phương án bồi thường.

Tuy nhiên sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa lại thực hiện quy trình thu hồi đất, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; ấn định mức bồi thường, hỗ trợ cho Công ty CP Điện lực Khánh Hòa và Trung tâm điều dưỡng Tổng Công ty Điện lực Miền Trung.

Đến tháng 2/2016, Công ty Đỉnh Vàng được giao đất, cho thuê hơn 2,1 ha đất. Sau đó vào tháng 9/2016, ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định phê duyệt giá đất thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Tháng 8/2017, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định điều chỉnh hơn 7.200 m2 đất sử dụng vào mục đích công cộng, không kinh doanh thành diện tích cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm.

Cơ quan điều tra xác định dự án Nha Trang Golden Gate hoàn toàn không được thể hiện trong quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Do đó, theo Luật Đất đai 2003, dự án này không thuộc diện dự án phát triển kinh tế quan trọng quy định để Nhà nước thu hồi đất, giao cho chủ đầu tư.

Khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, dự án trên cũng không thuộc vào diện các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế.

Việc UBND tỉnh thu hồi đất của Công ty CP Điện lực Khánh Hòa đang sử dụng rồi giao cho Công ty Đỉnh Vàng là trái quy định pháp luật.

UBND tỉnh Khánh Hòa còn có các vi phạm như không thực hiện đấu thầu dự án, không áp dụng pháp luật nhà ở để lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án.

Cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, thỏa thuận phương án - kiến trúc quy hoạch dự án trái với quy hoạch. UBND tỉnh đã giao đất, cho thuê đất không đúng hình thức, không đúng đối tượng.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.