Tiêu điểm

Đại án PVN - PVC: Các bị cáo phủ nhận cơ sở pháp lý của việc giám định thiệt hại

(VNF) – Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc PVN) cho rằng Điều 72 Luật Doanh nghiệp, Nghị định 48, Nghị định 142 không phải là căn cứ để tính thiệt hại của việc PVN chuyển khoản tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng cho PVC.

Đại án PVN - PVC: Các bị cáo phủ nhận cơ sở pháp lý của việc giám định thiệt hại

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại phiên tòa xét xử vụ án PVN - PVC

Ngày 10/1, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 bị cáo trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế và Tham ô tài sản xảy ra ở PVN và PVC" tiếp tục với phần hỏi của các luật sư.

Điểm nhấn của phiên xử là phần giám định thiệt hại trong việc PVN chuyển tiền tạm ứng cho PVC để thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Theo cáo trạng, giám định viên Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kết luận, thiệt hại do việc PVN và Ban Quản lý dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng là hơn 51,6 tỷ đồng.

Thiệt hại trực tiếp do việc PVC sử dụng sai mục đích số tiền 1.115 tỷ đồng (trong tổng số tiền tạm ứng trên) gây ra với PVN là số tiền lãi suất được xác định phát sinh từ tháng 10/2011 (thời điểm đủ điều kiện tạm ứng) đến 3/2012 (thời điểm PVN đòi tiền PVC) là hơn 68 tỷ đồng. Tổng cộng thiệt hại là 119,6 tỷ đồng.

Giám định viên khẳng định: "Chúng tôi giám định trên cơ sở trưng cầu của cơ quan điều tra. Các giám định thực hiện theo đúng luật giám định. Việc xác định thiệt hại việc chi và sử dụng tiền tạm ứng trong nội dung trưng cầu giám định được giám định viên trả lời, vi phạm Điều 72 Luật Doanh nghiệp và Nghị định 48, được thể hiện trong kết luận giám định thành phần và giám định chung".

Luật sư Phạm Công Hùng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh và Lương Văn Hòa) đã đặt câu hỏi cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (cựu Phó tổng giám đốc PVN) về cơ sở pháp lý của việc giám định này.

Ông Hùng hỏi: "Bản giám định áp dụng Điều 72 Luật Doanh nghiệp quy định quyền của giám đốc, tổng giám đốc thì có phải là căn cứ tính thiệt hại?"

Ông Sơn đáp: "Không phải là căn cứ".

Ông Hùng hỏi tiếp: "Bản giám định căn cứ Khoản 5 Nghị định 142 quy định việc sử dụng vốn phải đúng quy định pháp luật, đó có phải căn cứ tính ra con số thiệt hại".

Ông Sơn nói ngắn gọn: "Không tính được".

Ông Hùng tiếp tục hỏi: "Bản giám định dẫn Khoản 6, Điều 17 Nghị định 48 về trường hợp tạm ứng và thu hồi thì có được coi là căn cứ để tính ra được giá trị thiệt hại không?"

Một lần nữa, ông Sơn đáp: "Không".

Khi luật sư nói bản giám định này chỉ xác định phạm vi chịu trách nhiệm của phó tổng giám đốc và kế toán trưởng mà không xác định đến thành tố khác, ông Sơn trả lời: "Nếu là trách nhiệm thì không chỉ riêng ai".

Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh với cùng câu hỏi đã nói "Đồng ý với ý kiến của anh Sơn".

Ông Đinh La Thăng cũng trả lời: "Tôi hoàn toàn đồng tình với câu trả lời của bị cáo Sơn và Khánh".

Trước đó, tại phiên xét xử hôm qua (9/1), luật sư Nguyễn Huy Thiệp cũng đã đặt câu hỏi cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn về kết quả giám định thiệt hại.

Luật sư Thiệp hỏi ông Sơn, số tiền trước khi chuyển cho PVC để trong tài khoản nào? Ông Sơn đáp tiền này để trong tài khoản thanh toán chứ không phải tài khoản tiền gửi.

Bị cáo Sơn cũng khẳng định tài khoản thanh toán thì lãi suất thấp hơn rất nhiều so với lãi suất tài khoản tiền gửi. Cụ thể, lãi suất với đồng USD là khoảng 0,2% còn tiền Việt Nam là 2%. Trong khi đó lãi suất tiền gửi là từ 12% trở lên.

Luật sư cũng hỏi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn về kết luận của giám định viên rằng việc tài khoản thanh toán có được coi là tài khoản tiền gửi không, có phù hợp với tư duy kinh doanh không, ông Sơn nói kết luận như vậy không đúng bản chất về kinh tế.

Tin mới lên