Tiêu điểm

Đại biểu Quốc hội: 'Không giao địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam'

(VNF) - Một số đại biểu Quốc hội chỉ ra rằng, cao tốc Bắc Nam là công trình cấp đặc biệt với tiêu chuẩn cao, đòi hỏi năng lực quản lý, trình độ chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu dự án quan trọng quốc gia với hệ thống tiêu chuẩn thống nhất. Việc giao cho địa phương thực hiện khó đảm bảo được các yêu cầu trên.

Đại biểu Quốc hội: 'Không giao địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam'

Đại biểu Quốc hội: 'Không giao địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam'

Chiều 3/12, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế thẩm tra dự án xây dựng cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Thường trực Ủy ban Kinh tế và các đại biểu tán thành nguyên tắc đầu tư công toàn bộ dự án. Bộ Giao thông Vận tải là đầu mối tổ chức thực hiện đầu tư dự án.

Về đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải giao UBND các tỉnh, thành tổ chức đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc Nam phía đông, một số đại biểu cho rằng đây là dự án lớn, đóng vai trò rất quan trọng đối với phát triển đất nước.

Việc giao cho địa phương sẽ không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện.

Có đại biểu chỉ ra cao tốc Bắc Nam là công trình cấp đặc biệt với tiêu chuẩn cao, đòi hỏi năng lực quản lý, trình độ chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu dự án quan trọng quốc gia với hệ thống tiêu chuẩn thống nhất. Việc giao cho địa phương thực hiện khó đảm bảo được các yêu cầu trên.

Cũng cho rằng các địa phương chưa thể đảm bảo được chất lượng công trình, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải còn chỉ ra với công trình giao thông cấp quốc gia cần đảm bảo tính liên thông các vùng, quản lý thống nhất ở mức độ cao. Bộ Giao thông Vận tải cần chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng đồng đều ở các địa phương tham gia dự án.

Ông Hải cũng đề nghị rà soát kỹ lưỡng, tính toán cụ thể công tác giải phóng mặt bằng vì ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân; đảm bảo các yêu cầu cấp cao của công trình giao thông quan trọng, tránh việc chất lượng công trình không đạt yêu cầu, gây khó khăn trong khai thác sử dụng.

Trước đó, thừa ủy quyền của Chính phủ báo cáo về dự án, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ, tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông có quy mô cơ bản 6 làn xe, cửa ngõ các trung tâm kinh tế, chính trị lớn 8-10 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau 4 làn xe.

Để đảm bảo hiệu quả đầu tư và khả năng cân đối nguồn vốn, Bộ kiến nghị phân kỳ đầu tư theo quy mô 4 làn xe (bề rộng nền đường biên 17 m), giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô quy hoạch được duyệt.

Rút kinh nghiệm từ thực tế triển khai các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020, Chính phủ dự kiến chuẩn bị dự án năm 2021-2022; giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022-2023; khởi công giữa năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tiếp thu các góp ý, tán thành tính cấp thiết của việc đầu tư dự án, đề nghị Chính phủ tiếp tục giải trình, làm rõ một số nội dung về phạm vi, quy mô, phương án thiết kế, hướng tuyến, giải phóng mặt bằng, nguồn vốn... để đảm bảo tính thuyết phục cao.

Ông đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ dự án; Ủy ban Kinh tế sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 12 và trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường cuối năm 2021.

Tin mới lên