Đại biểu Quốc hội: ‘Triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế còn chậm, nhiều thủ tục rườm rà’

Anh Hùng - 27/10/2022 09:30 (GMT+7)

(VNF) - Theo đại biểu Quốc hội đoàn Tây Ninh Huỳnh Thanh Phương, việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế còn chậm, nhiều thủ tục còn rườm rà, làm hạn chế khả năng tiếp cận của người dân. Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công còn chậm, kỷ luật, kỷ cương giải ngân chưa được đảm bảo. Tiền lương chậm được điều chỉnh, làm xảy ra hiện tượng cán bộ, công chức chuyển sang khu vực tư.

VNF
Đại biểu Quốc hội đoàn Tây Ninh Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.

Sáng 27/10, Quốc hội khoá XV tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4 với nội dung thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Phát biểu tại buổi họp, đại biểu Quốc hội đoàn Tây Ninh Huỳnh Thanh Phương cho biết về đánh giá kết quả nổi bật trong năm 2022, đại dịch được đẩy lùi, kinh tế tăng trưởng ổn định, vốn đầu tư nước ngoài tăng cao, xuất khẩu tăng nhanh, đời sống người dân, an sinh xã hội được bảo đảm. Tuy còn khó khăn hạn chế, nhưng ngành giáo dục, y tế cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng được đảm bảo.

Về những hạn chế, đại biểu đặc biệt đánh giá việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế còn chậm, nhiều thủ tục còn rườm rà, làm hạn chế khả năng tiếp cận của người dân.

Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công còn chậm, kỷ luật, kỷ cương giải ngân chưa được đảm bảo. Tiền lương chậm được điều chỉnh, làm xảy ra hiện tượng cán bộ, công chức chuyển sang khu vực tư.

Về phương hướng cho năm 2023, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị cần thực hiện một số giải pháp như: tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19 với các biến thể mới và các bệnh dịch khác nhằm đảm bảo an toàn xã hội, ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá các mặt hàng.

Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị cần theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế và thị trường tài chính thế giới để thực hiện một cách linh hoạt trong quá trình kết hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Công khai, minh bạch các thông tin về điều hành giá, không điều chỉnh tăng giá bất hợp lý. 

Theo đại biểu, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong quản lý để đẩy nhanh tốc độ đầu tư công. Các địa phương cần chủ động tháo gỡ vướng mắc, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo hiệu quả công tác này.

Ngoài ra, đại biểu Phương cũng đề nghị trong thời gian tới cần phát huy và làm tốt hơn nữa vai trò của kinh tế đối ngoại để giữ vững sự phát triển ổn định của kinh tế trong nước, cần bám sát thực tế để chủ động có sự thích ứng linh hoạt để đảm bảo nền kinh tế nước ta độc lập tự chủ trong giai đoạn hội nhập tới; tập trung khai thác các hiệp định thương mại; quan tâm đến vấn đề xuất nhập khẩu; nâng cao tính sáng tạo, chủ động linh hoạt trong công tác quản lý nhà nước.

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm nay đến ngày 2/9, đã giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc chương trình sơ bộ đạt 55.500 tỷ đồng. Trong đó, các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.073 tỷ đồng. Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt 3.045 tỷ đồng cho gần 4,54 triệu lao động.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ 2% lãi suất đạt 13,5 tỷ đồng. Giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng đến ngày 26/8 là 34.970 tỷ đồng. Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6 là 7.400 tỷ đồng. Cùng với đó, gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52.000 tỷ đồng.

Việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện chưa được như kỳ vọng do chênh lệch số liệu khi xây dựng chính sách và triển khai thực tế, thủ tục còn phức tạp và chính quyền một số địa phương triển khai chưa quyết liệt; việc hỗ trợ lãi suất 2% còn hạn chế.

Cùng chuyên mục
Tin khác