Đại chiến quảng cáo Milo-Ovaltine: Ai là ‘nhà vô địch’?
Chu La -
26/09/2018 10:28 (GMT+7)
(VNF) - Từ ngày 10/9, những hình ảnh đầu tiên trong album "Chẳng cần vô địch, chỉ cần con thích" được đăng tải trên Fanpage của Ovaltine Việt Nam. Chiến dịch của Ovaltine được tung ra ngay sau chiến dịch “nhà vô địch” của Milo, đúng vào thời điểm tựu trường.
Mới đây, cư dân mạng thích thú chia sẻ tấm ảnh chụp tại một ngã tư ở Quận 3 TP. HCM với điểm nhấn là hai pano quảng cáo ngoài trời của hai thương hiệu đồ uống này.
Trong khi tấm biển quảng cáo sản phẩm sữa Milo có slogan ''Nhà vô địch làm từ Milo'' màu xanh lá thì ngay phía đối diện, thương hiệu sữa Ovaltine với tấm biển quảng cáo to hơn màu đỏ có in hình hai mẹ con chỉ tay sang phía "đối thủ" kèm theo dòng chữ ''Chẳng cần vô địch, chỉ cần con thích''.
Chiến dịch quảng cáo ''Nhà vô địch làm từ Milo''.
Pano quảng cáo chỉ là một trong những công cụ Ovaltine sử dụng trong chiến dịch truyền thông mới nhất.
Từ ngày 10/9, những hình ảnh đầu tiên trong album "Chẳng cần vô địch, chỉ cần con thích" được đăng tải trên Fanpage của Ovaltine Việt Nam. Xuyên suốt những hình ảnh này là cảnh đối lập của 2 team "xanh - đỏ".
Chiến dịch của Ovaltine được tung ra ngay sau chiến dịch “nhà vô địch” của Milo, đúng vào thời điểm tựu trường.
Mới đây, Nestle Việt Nam đã có công văn gửi Cục Văn hóa cơ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Bộ Công Thương để đề nghị xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm luật quảng cáo.
Chiến dịch quảng cáo "Chẳng cần vô địch, chỉ cần con thích" của Ovaltine.
Nestle cho rằng, Công ty FrieslandCampina (sở hữu thương hiệu Ovaltine) không chỉ sao chép trái phép ý tưởng của Nestle mà còn gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, bằng việc đánh đồng các thông điệp của chiến dịch Milo với "bệnh thành tích".
Cụ thể, Nestle tố cáo FrieslandCampina vi phạm quyền tác giả của Nestle, khi có rất nhiều yếu tố trong chiến dịch Ovaltine lấy ý tưởng từ các sản phẩm thương mại của chiến dịch Milo. Các sao chép này bao gồm việc sử dụng thông điệp "nhà vô địch", hình nền trong các ảnh, tư thế chụp hình, các môn thể thao được lựa chọn để làm hình/clip và một số các câu nói khác.
Trong từng poster quảng cáo của Ovaltine đều cảm nhận được bóng dáng của "nhà vô địch Milo".
Nestle nhận định rằng, các yếu tố sao chép này đã gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, khiến họ hiểu lầm rằng chiến dịch Ovaltine có liên hệ đến chiến dịch Milo và điều này đã được thể hiện qua rất nhiều phản ứng từ người tiêu dùng trên mạng xã hội.
Theo Nestle, chiến dịch Milo là một phần trong việc thực hiện Chiến lược Dinh Dưỡng Quốc Gia của Chính phủ, để cải thiện thể chất của trẻ và khuyến khích trẻ chơi thể thao cũng như tập luyện thể dục nhiều hơn. Tuy nhiên, Nestle cho rằng, chiến dịch Ovaltine đã cố tình đặt những thông điệp của chiến dịch Milo theo một góc độ rất tiêu cực.
Cụ thể, Ovaltine đã sử dụng chuỗi ảnh các bé thắc mắc câu hỏi "bố mẹ có hết thương con không?" với các yếu tố đặc trưng của Milo (hình ảnh, màu sắc, phông nền của ảnh, câu nói...), các poster này ngầm ám chỉ và đánh đồng thông điệp thể thao của Milo với "bệnh thành tích".
Nestle cho rằng, do chiến dịch Ovaltine vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nên cũng có nghĩa là FrieslandCampina đã thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo. Ngoài ra, chiến dịch Ovaltine còn chứa đựng yếu tố cạnh tranh không lành mạnh, theo các quy định về cạnh tranh của Việt Nam.
Cụ thể, phần lớn các posters được liên hệ với màu xanh đậm, màu đặc trưng của Milo và các hình ảnh xuyên suốt posters nếu được đặt cạnh các hình ảnh của Milo sẽ tạo thành một câu chuyện mới. Điều này đẫn đến việc nhầm lẫn của rất nhiều người tiêu dùng.
Chuyện “xưa như trái đất”
Chuyện các thương hiệu lớn có những chiêu trò chế giễu đối thủ một cách công khai trong các chiến dịch truyền thông là chuyện “xưa như trái đất” trên thế giới.
Không một cuộc chiến nào trong làng quảng cáo căng thẳng như giữa hai nhãn hiệu nước giải khát hàng đầu thế giới, Coca Cola và Pepsi. Hai đại gia này công khai tuyên chiến với nhau trên cả báo, tạp chí lẫn truyền hình...
Khi Coca thuê tầng hai của một văn phòng tại đây làm trụ sở thì họ có đặt tấm biển quảng cáo với dòng chữ mang ý nghĩa là chúng tôi ở tầng hai. Ngay lập tức, Pepsi thuê đặt biển quảng cáo ở phía dưới với dòng chữ "chúng tôi ở mọi nơi".
Một lần khác, Pepsi tung ảnh poster nhân dịp Halloween (ảnh bên trái) với dòng chữ "Chúc bạn một Halloween đáng sợ!". Hình ảnh trên poster là một lon Pepsi hóa trang lon Coca Cola.
Và Coca Cola đã lập tức đáp trả. Vẫn là tấm poster ấy, chỉ thay đổi dòng chữ: "Ai cũng muốn trở thành anh hùng!"
Hoặc trận chiến "ván cờ dang dở" giữa Audi và BMW. Audi nổ súng khiêu chiến khi tung ra billboard quảng cáo A4 đi kèm với thông điệp “Tới lượt anh, BMW”. Lập tức BMW đáp bằng cách dựng một bảng quảng cáo to tướng ngay kế bên tất cả các bảng quảng cáo A4 của Audi bằng một quảng cáo dòng Series 3 với dòng thông điệp cực kỳ tự tin “Chiếu tướng”.
Jet Airways dựng một biển quảng cáo với dòng chữ “Chúng tôi đã thay đổi” để quảng bá cho chiến lược thương hiệu của họ. Và ngay sau đó, hãng hàng không Kingfisher Airlines làm một biển quảng cáo khác với dòng chữ “Chúng tôi khiến họ thay đổi”.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone