Đại dự án lấn biển Cần Giờ: Bước đột phá mới cho TP. HCM
Lý Tuấn -
30/04/2021 07:22 (GMT+7)
(VNF) - Khu đô thị lấn biển Cần Giờ được các chuyên gia đánh giá sẽ là một trong những dự án tạo ra bước đột phát mới cho huyện Cần Giờ và cả TP. HCM trong việc phát triển kinh tế biển.
Hơn một thập kỷ “đắp chiếu”
Nằm cách trung tâm TP. HCM khoảng 50 km, Cần Giờ là huyện duy nhất của thành phố giáp biển với 23 km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, các cửa sông lớn từ các sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh, với có tổng diện tích tự nhiên hơn 71.300 ha, trong đó trên 70% là rừng ngập mặn và sông rạch. Đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú phát triển các loại hình du lịch sinh thái biển, rừng, sông...
Để giúp nền kinh tế tại huyện Cần Giờ được “lột xác”, cũng như góp phần làm ngành du lịch biển tại TP. HCM chuyển sang một trang mới, từ năm 2004, UBND TP. HCM đã có chủ trương giao cho Công ty CP Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư dự án lấn biển và Khu đô thị Cần Giờ (còn gọi là dự án Saigon Sunbay).
Theo quy hoạch ban đầu, dự án có tổng diện tích 600 ha, trong đó 400 ha là đất xây dựng công trình du lịch và khu dân cư cao cấp; 200 ha là bãi biển nội bộ, với tổng mức đầu tư lên đến 1,5 tỷ USD.
Đến ngày 13/12/2007, chủ đầu tư đã tổ chức lễ khởi công dự án và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015. Nhưng phải đến 5 năm sau tức vào năm 2012, dự án mới được triển khai thi công san lấp (giai đoạn 1 với diện tích 15,5ha) và rồi lại lại rơi vào tình trạng trì trệ do chủ đầu tư không đủ tài chính để thực hiện.
Sau đó, để dự án được tiếp tục thực hiện, vào giữa năm 2015, TP. HCM đã đồng ý cho một tập đoàn tư nhân tham gia làm đối tác chiến lược, với kỳ vọng dự án sẽ được thực hiện nhanh, tạo động lực phát triển cho huyện Cần Giờ. Dù vậy, dự án lại một lần nữa phải “đắp chiếu”.
Đến giữa tháng 6/2020, tức sau 5 năm, dự án lại có động thái mới, khi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký quyết định số 826/QĐ-TTg với nội dung phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Trong đó, điều chỉnh tên dự án từ “Hệ thống công trình lấn biển và Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ” thành “Đầu tư mở rộng dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ”. Theo đó, quy mô dự án cũng được điều chỉnh mở rộng từ 600 ha lên thành 2.870 ha, với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 217.054 tỷ đồng, gồm vốn chủ sở hữu là 32.558 tỷ đồng (chiếm 15% tổng vốn đầu tư) và vốn vay thương mại là 184.496 tỷ đồng (chiếm 85% tổng vốn đầu tư). Thời gian thực hiện dự án là 50 năm đối với phần mở rộng quy mô và mục tiêu xây dựng dự án là trở thành Khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn,...
Sau khi nhận được quyết định nói trên, ông Nguyễn Thiện Nhân, thời điểm đó là Bí thư Thành ủy TP. HCM, đã có buổi tiếp xúc với cử tri huyện Cần Giờ. Tại buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ chắc chắn sẽ được thực hiện dù “có thể làm không nhanh được, phải mất nhiều năm, nhưng phải công bố và có dự kiến tiến độ để thấy được những bước đi của đề án. Trong đề án này, tuyến đường Rừng Sác sẽ được nâng cấp, bố trí lại để không ảnh hưởng đến môi trường”.
Bước đột phá để phát triển kinh tế biển
Tại hội thảo “TP. HCM - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế” (diễn ra vào ngày 30/3/2021), ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM từng nhấn mạnh, kinh tế biển là nội dung quan trọng hàng đầu trong chiến lược biển của các quốc gia. Với TP. HCM, phát triển về hướng biển là mong muốn, ý chí của các thế hệ lãnh đạo và người dân thành phố trong nhiều năm qua. Do đó, yêu cầu cấp thiết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. HCM là xác định được chiến lược để thành phố có kinh tế biển và có chuỗi đô thị biển kết nối với quốc tế và khu vực.
Ông Hoan cho rằng, mô hình phát triển trong tương lai của TP. HCM cần đặt ra định hướng kết nối vùng một cách quyết liệt, đầy đủ hơn nữa để tận dụng và phát triển kinh tế biển, cảng biển gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm vóc quốc tế trong phần đất và biển của thành phố.
“Khu vực Cần Giờ chính là lợi thế để tạo ra bước ngoặt, thay đổi phương thức và mô hình phát triển của TP. HCM và vùng thành phố, chuyển từ phát triển chủ yếu dựa vào đất đai sang phát triển dựa vào biển. Hy vọng đây sẽ là bước đột phá cho TP. HCM và vùng thành phố trong hành trình vươn ra biển lớn và hội nhập phát triển với các đô thị khác”, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM nhận định.
Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Đại Phúc Land cho rằng, với chiến lược phát triển của TP. HCM ra biển, trong đó, khu vực huyện Cần Giờ chính là lợi thế giúp thúc đẩy kinh tế biển phát triển, đặc biệt đối với ngành du lịch nghỉ dưỡng, trong vòng bán kính từ 40 - 50 km sẽ rất thuận lợi.
Bên cạnh đó, khi dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ được thực hiện sẽ góp phần thay đổi bộ mặt của huyện Cần giờ, hình thành nên một khu vực hiện đại, với nhiều tiện ích đi kèm, cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp. Mặt khác, dự án cũng được kỳ vọng sẽ giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Đại Phúc Land cũng đề cập đến một số thách thức, trong đó, vấn đề “e ngại” nhất chính là sẽ tác động đến môi trường khi hình thành các khu đô thị. Do đó, đòi hỏi các chuyên gia, nhà khoa học cần có sự tính toán kỹ lưỡng và có những cơ sở chắc chắn khi thực hiện dự án. “Khi các khu đô thị được hình thành, phải làm sao cho đến vài trăm năm sau vẫn có sự phát triển bền vững, không để ảnh hưởng đến môi trường, bởi Cần Giờ hiện là lá phổi xanh của TP. HCM”, bà Nguyễn Hương nói.
Ngoài ra, theo nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500 vừa được UBND TP. HCM phê duyệt, Khu đô thị lấn biển Cần giờ sẽ có 5 phân khu với tổng diện tích là 2.870 ha. Trong đó, phân khu A sẽ có quy mô khoảng 771,05 ha, là khu vui chơi, giải trí, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu ở (nhà ở liên kế, biệt thự, chung cư), thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn, khu sử dụng hỗn hợp và an ninh quốc phòng... Quy mô dân số tối đa 65.113 người.
Phân khu B sẽ có quy mô 586,88 ha, là khu ở, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công trình dịch vụ - công cộng đô thị (y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan hành chính,…), khu cây xanh đô thị và khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo định hướng đô thị hiện đại và thông minh. Về quy mô dân số dự báo 71.268 người.
Đối với phân khu C, có quy mô 303,47 ha, là khu trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại dịch vụ, văn phòng và bến cảng, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu đô thị hiện đại gồm các khu ở hiện đại, văn minh. Quy mô dân số khoảng 26.246 người. Trong khi đó, phân khu D, E sẽ có diện tích khu vực quy hoạch là 1.208,60 ha, là khu trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng cao cấp, đô thị hiện đại gồm các khu ở. Bố trí đồng bộ và đầy đủ các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Quy mô dân số tối đa 65.879 người.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone