Thị trường

Dám học hỏi, dám đổi mới - giải pháp khôi phục sau đại dịch của nông dân Bình Thuận

(VNF) - Người nông dân nói chung và bà con các Hợp tác xã (HTX) thanh long sạch tại Bình Thuận nói riêng, từ lâu đã quen với việc canh tác, thu mua nông sản theo đầu mối lớn hoặc xuất khẩu ra nước ngoài.

Dám học hỏi, dám đổi mới - giải pháp khôi phục sau đại dịch của nông dân Bình Thuận

Thành viên các HTX tại Bình Thuận tích cực cùng thực nghiệm livestream (Nguồn: VECOM-UNDP)

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm “sống chung" với Covid, quy trình bán hàng nói trên bị ảnh hưởng đáng kể, gặp rất nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu, cũng như sụt giảm doanh số bán hàng nội địa do thời gian dài đóng cửa biên giới và giãn cách xã hội.

Thấu hiểu khó khăn ấy, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), cùng sự phối hợp của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận đã phát động chiến dịch “Thí điểm ứng dụng công cụ phát trực tiếp (Live streaming) vào kinh doanh sản phẩm thanh long sạch và bền vững tại Bình Thuận”, giúp bà con bán hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng chỉ với một chiếc smartphone.

Bán hàng qua livestream vốn là một hoạt động đã được thử nghiệm ở một số nước và cho thấy thành công. Cụ thể, tại Trung Quốc, có khoảng 13 triệu nông dân đã chuyển sang bán hàng qua mạng, áp dụng livestream khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đem về cho họ doanh số tốt và giá bán cao hơn nhiều so với bán qua thương lái.

Chiến dịch này nằm trong dự án 3 năm giữa UNDP và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhằm thúc đẩy vai trò của khối tư nhân trong việc thực hiện các biện pháp ưu tiên thuộc lĩnh vực Nông nghiệp trong đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Dự án là một phần của Chương trình Hỗ trợ Toàn cầu của UNDP về NDC, với sự tài trợ của Chính phủ Đức và Liên minh Châu Âu.

“Đại dịch Covid đã làm gián đoạn đáng kể tới quá trình tiêu thụ thanh long tại Bình Thuận. Chúng tôi cảm thấy cần phải hỗ trợ những nông dân đang sản xuất theo hướng xanh và bền vững tiếp cận với một cách mới để bán những sản phẩm chất lượng cao, từ đó giúp khôi phục kinh tế cho họ", bà Bùi Việt Hiền, Cán bộ chương trình tại UNDP Việt Nam chia sẻ. “Những kết quả và bài học thu được sau chiến dịch thí điểm này sẽ được các hợp tác xã khác đánh giá kỹ lưỡng để có tiềm năng nhân rộng như một phần trong kế hoạch hỗ trợ “xanh hoá” chuỗi cung ứng thanh long tại Bình Thuận của chúng tôi”.

3 hợp tác xã thanh long Hòa Lệ, Thuận Hòa và Hàm Minh 30 đã được lựa chọn tham gia chiến dịch thí điểm từ 04/02 tới 28/03/2021 dựa trên tiêu chí sản xuất theo hướng xanh, bền vững và các sản phẩm đã được chứng nhận chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Livestream trở thành một hoạt động sôi nổi và tích cực tại các HTX (Nguồn: Fanpage HTX Thanh long sạch Hòa Lệ)

Bà Nguyễn Hoàng Thư Hương - Phó chủ tịch Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ chia sẻ: “Kể từ khi bắt đầu được đào tạo về livestream và thương mại điện tử vào tháng 12/2020, cho tới khi tham gia chiến dịch vào tháng 2/2021, chúng tôi đã nhận thức được ích lợi của hoạt động này. Cho tới nay, livestream vẫn được chúng tôi thực hiện đều đặn 2-3 lần mỗi tuần và tạo ra không khí sôi nổi cho thương hiệu cũng như đem về doanh thu đều đặn cho HTX”.

Đồng hành cùng chương trình, các chuyên gia của IMGroup - thành viên trong Liên minh chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DTS) đã tham gia trực tiếp hỗ trợ và hướng dẫn bà con nông dân tại các hợp tác xã triển khai các hoạt động này. Ông Leon Trương, chủ tịch DTS chia sẻ: "Sử dụng livestream giới thiệu và quảng cáo các sản phẩm hàng tiêu dùng không còn quá xa lạ, nhưng với sản phẩm nông nghiệp và bà công nông dân thì rất mới. Không chỉ với thanh long mà còn nhiều các nông sản khác, DTS đang phối hợp cùng Vecom giúp bà con nông dân từng bước thử nghiệm các hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Những video livestream chân thực trực tiếp từ vườn thanh long đến dây chuyền sản xuất đã giúp bà con chia sẻ những hình ảnh về trái thanh long sạch và các sản phẩm chế biến, đồng thời khẳng định chất lượng đạt chuẩn, minh bạch về lộ trình trồng trọt, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đã đem tới làn gió mới, tạo động lực cho người nông dân và thêm cơ hội tiếp cận với sản phẩm trái cây xanh sạch cho người tiêu dùng Việt Nam.

Với sự cổ vũ động viên mạnh mẽ của người tiêu dùng, sự hỗ trợ của UNDP và VECOM, 3 HTX thanh long Bình Thuận song song với việc livestream cũng đã tiến hành xây dựng kênh bán thông qua website, sàn thương mại điện tử, đạt được hiệu quả bán lẻ đáng khích lệ, minh chứng cho việc chuyển đổi số để đưa thanh long tươi sạch từ vườn tới tay người tiêu dùng là hoàn toàn khả thi.

Tin mới lên