Dân vẫn khó mua vàng: 'Giá đã tạm ổn nhưng nguồn cung thì chưa'

Khánh Tú - 25/07/2024 15:00 (GMT+7)

(VNF) - Trong những ngày gần đây, nhiều người liên tục phản ánh việc khó mua vàng tại các cơ sở kinh doanh vàng. Trong khi đó, NHNN vẫn đang nghiên cứu, tìm ra giải pháp căn cơ để bình ổn thị trường vàng trong dài hạn.

Vẫn ‘điệp khúc’ mua vàng khó

Sáng 25/7, khi liên hệ đến cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu ở Trần Nhân Tông, Hà Nội, chị Thu Hoài (Hà Nội) vẫn nhận được câu trả lời “trăm lần như một”: “Hiện cửa hàng đang hết vàng miếng SJC và vàng nhẫn, chưa rõ ngày có vàng. Phiền chị vui lòng liên hệ lại sau”.

Những ngày gần đây, do muốn mua 5 chỉ vàng nhẫn để làm quà mừng cưới bạn thân, chị Thu Hoài đã tìm đến nhiều cửa hàng bán vàng trên địa bàn Hà Nội nhưng vẫn chưa thể mua được. “Nơi nào cũng báo hết vàng và hẹn quay lại sau”, chị Hoài nói.

Không riêng vàng nhẫn, vàng miếng SJC cũng rơi vào tình trạng khan hiếm. Nếu như vàng nhẫn mới chỉ khan hiếm ít ngày gần đây thì vàng miếng SJC đã rơi vào tình trạng “cháy hàng” trong cả tháng nay tại nhiều nhà vàng. Nhiều người dân tỏ ra bất lực vì "giá vàng đã bình ổn nhưng nguồn cung vàng thì chưa".

Trong khi đó, phát biểu tại họp báo thường kỳ 6 tháng 2024 của NHNN, Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN) cho biết: “Theo phản ánh từ các đơn vị trong những ngày gần đây thì đã có những người đặt lệnh mua mà không đến lấy vàng. Như vậy, có thể thấy rằng nhu cầu của thị trường đạt đến một mức độ nhất định”.

Chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính, chuyên gia vàng Trần Duy Phương nhận định nhu cầu vàng ở trong dân vẫn còn cao và việc người dân đặt mua vàng tại các ngân hàng nhưng không đến lấy có thể chỉ là số ít.

“Đa phần những người đã đăng ký mua vàng tức là những người có nhu cầu và họ sẽ đến lấy khi đặt mua thành công”, ông nói. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng có những người không muốn mua vàng khi giá vàng thế giới giảm trong những ngày qua.

Liên quan đến vấn đề khan hiếm tại các nhà vàng, ông Phương cho rằng không có chuyện các nhà vàng cố tình “ém hàng”.

“Các đơn vị như PNJ, Bảo Tín Minh Châu,…không thuộc đối tượng được NHNN bán vàng với giá bình ổn nên việc cháy hàng là điều đễ hiểu khi nhu cầu mua vàng của người dân vẫn còn. Trong khi đó, ở cầu mua vào, nhiều người dân, thay vì các nhà vàng để bán vàng, lại lựa chọn bán vàng cho các cửa hàng vàng ‘không phép’ để có giá cao hơn. Vừa không có nguồn cung từ phía NHNN, vừa không mua được nhiều từ phía người dân nên các nhà vàng dễ khan hiếm vàng”, ông nói.

Trước đó, NHNN công bố quyết định thanh tra hoạt động kinh doanh vàng của 4 "ông lớn" trong ngành vàng, gồm Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu và hai ngân hàng là Ngân hàng TMCP Tiên Phong và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam trong vòng 45 ngày.

Tuy nhiên, đến nay, dù đã quá 45 ngày nhưng NHNN vẫn chưa công bố kết quả thanh tra.

Mở hướng đi mới cho thị trường vàng

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, qua thời gian bán vàng bình ổn, thị trường vàng trong nước về cơ bản đã ổn định, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới được thu hẹp đáng kể.

Song, chính Phó Thống đốc cũng khẳng định việc bán vàng bình ổn qua các ngân hàng thương mại và công ty SJC chỉ là giải pháp tình thế.

“Việc tìm ra giải pháp căn cơ, phù hợp trong dài hạn là vấn đề khó. Hiện NHNN đang cùng các bộ ngành khác nghiên cứu để có chính sách hợp lý trong thời gian tới nhằm quản lý thị trường vàng. Những cái nào thuộc vai trò quản lý nhà nước thì dứt khoát tiếp tục quản lý, những gì thuộc về thị trường thì tạo điều kiện cho thị trường được thông thoáng”, ông Tú nói.

Đồng thời, NHNN cũng đang sửa đổi Nghị định 24 để phát huy vai trò của quản lý Nhà nước một cách hiệu quả song vẫn đảm bảo sự thông thoáng cho nền kinh tế, ngăn chặn tiêu cực trong thị trường vàng.

NHNN đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24.

Ông Trần Duy Phương cũng cho rằng sửa đổi Nghị định 24 là giải pháp căn cơ để quản lý và bình ổn thị trường vàng. Theo chuyên gia vàng này, nên nghiên cứu xóa bỏ độc quyền vàng miếng để các đơn vị khác như PNJ, Bảo Tín Minh Châu, DOJI,… có thể cùng tham gia thị trường này. “Khi đó, cung vàng miếng tăng, sự phụ thuộc vào vàng miếng SJC giảm, giá vàng miếng theo đó cũng sẽ được bình ổn”, ông nói.

Bên cạnh đó, ông Phương cũng cho rằng NHNN hiện mới chỉ đang chú trọng đến việc bình ổn vàng miếng SJC mà chưa tập trung nhiều cho vàng nhẫn dù đây cũng là mặt hàng được nhiều người dân tìm mua. Song, theo ông Phương, không cần đưa vàng nhẫn vào quản lý vì giá vàng nhẫn luôn biến động theo sát giá vàng thế giới. “Điều cần làm ở đây là mở cửa cho các doanh nghiệp nhập khẩu thêm vàng nguyên liệu để các doanh nghiệp này có thể chế tác thêm nữ trang, tránh để thị trường rơi vào cảnh khan vàng, ‘cháy’ vàng”, ông nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác