Đặt mục tiêu 100%, 9 tháng giải ngân đầu tư công đạt dưới 50%
Minh Sơn -
20/10/2022 15:58 (GMT+7)
(VNF) - Báo cáo về thực hiện đầu tư công 2022 và dự kiến 2023 của Chính phủ cho biết tốc độ giải ngân vốn ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn còn chậm. Điều này ảnh hưởng đến động lực và tốc độ tăng trưởng kinh tế chung.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, ước giải ngân đầu tư vốn NSNN đến 30/9/2022 là 253.148 tỷ đồng, đạt 46.7% kế hoạch, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2021 (cùng kỳ 2021 đat 47,38%). Tuy nhiên, khi so sánh số vốn giải ngân cùng kỳ năm 2022 cao hơn so với 2021 là 34.597 tỷ đồng, tăng khoảng 16%.
Đến hết 9 tháng năm 2022 có 39/51 bộ ngành và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có 14 bộ ngành và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch.
Báo cáo của Chính phủ nhận định, tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến động lực và tốc độ tăng trưởng kinh tế chung.
Tình trạng giải ngân chậm vốn đầu tư công, nhất là những tháng đầu năm đã kéo dài trong nhiều năm, chuyển biến chưa đáng kể, nhất là các dự án sử dụng ODA.
Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân đầu tư công 9 tháng đầu năm chưa đạt kết quả như mong muốn là khó khăn rất lớn đối với kế hoạch 2022 vì theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, thời gian giải ngân kế hoạch hằng năm là 1 năm. Số vốn kế hoạch 2021 của các bộ ngành và địa phương không giải ngân hết và không thuộc các trường hợp được kéo dài sẽ bị huỷ dự toán và trừ tương ứng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng nhưng theo Chính phủ, điều này cũng đã phản ánh tính đặc thù của vốn đầu tư, đó là công tác thanh toán chỉ được đẩy mạnh sau khi đã tích luỹ được khối lượng thi công hoàn thành. Theo đó, kết thúc 8 tháng, tỷ lệ giải ngân của cả nước mới đạt 39,15% kế hoạch nhưng sang tháng 9, chỉ trong 1 tháng, tiến độ giải ngân tháng 9 đạt 40.920 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với mức giải ngân trung bình 1 tháng của 8 tháng đầu năm là 26.528 tỷ đồng.
Báo cáo Chính phủ thừa nhận nhiệm vụ đầu tư công 2022 còn rất nặng nề, lượng vốn cần giải ngân trong năm 2022 cao hơn khoảng 118 nghìn tỷ đồng so với năm 2021. Bên cạnh đó, do khó khăn đặc thù của 2022 là năm thứ 2 của của Kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng thực chất là năm đầu tiên thực hiện do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021. Vì thế, Chính phủ yêu cầu coi giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2022, chuẩn bị sớm tất cả các điều kiện để khởi công, thực hiện ngay các dự án ngay từ đầu 2023.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ đã có NQ 124/NQ-CP đặt ra mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách 2022 phải đạt 95 – 100% kế hoạch đề ra. Thủ tướng cũng đã thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, kiểm tra giải ngân vốn đầu tư công tại một số bộ ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước.
Chính phủ xác định, nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nếu không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công thì phải kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone