Đầu tư hàng tỷ USD cho hàng hải, ‘câu thần chú’ của Ấn Độ là gì?

Hải Đăng - 17/10/2023 23:32 (GMT+7)

(VNF) - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 17/10 đã thông báo về các dự án trị giá hơn 230 tỷ rupee (2,7 tỷ USD), một phần trong kế hoạch dài hơi nhằm thúc đẩy ngành hàng hải của đất nước. New Delhi đang đặt mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng “đáng tin cậy và vững chắc” sau khi bị gián đoạn do đại dịch Covid-19 và chính sách trừng phạt của các quốc gia phương Tây.

VNF
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Hàng hải Ấn Độ 2023 ngày 17/10, ông Modi kêu gọi các nhà đầu tư “đến Ấn Độ, đồng hành cùng chúng tôi trên con đường hướng tới phát triển”.

“Một trật tự thế giới mới đang hình thành và toàn cầu đang hướng về Ấn Độ với những kỳ vọng mới. Ngày không xa Ấn Độ sẽ được coi là một trong ba nền kinh tế hàng đầu thế giới”, Thủ tướng Ấn độ nêu rõ.

Nhấn mạnh rằng năng lực hàng hải của Ấn Độ luôn “mang lại lợi ích cho thế giới”, ông Modi cho biết chính phủ nước này luôn nỗ lực củng cố lĩnh vực này trong 9 năm qua.

Theo nhà lãnh đạo Ấn Độ, điều này bao gồm tăng gấp đôi công suất của các cảng lớn, giảm thời gian quay vòng cho các tàu lớn, xây dựng đường đi mới để tăng cường kết nối cảng và tăng cường cơ sở hạ tầng ven biển theo sáng kiến ​​SagarMala”, một sáng kiến nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của ngành logistics của nước này.

Ấn Độ đặt mục tiêu trở thành một cường quốc hàng hải toàn cầu vào năm 2030.

Ông Modi cũng nhấn mạnh “tác động mang tính biến đổi” của Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Châu Âu (IMEC) hiện đang được đề xuất, ý tưởng này đã được công bố trong hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 ở New Delhi (Ấn Độ) vào tháng 9.

Kế hoạch IMEC nhằm tạo ra hàng lang kinh tế nối liền châu Âu, Trung Đông và Ấn Độ, thúc đẩy quan hệ thương mại với những tác động địa chính trị trên phạm vi rộng.

Dự án sẽ bao gồm hai hành lang vận tải riêng biệt. Một hành lang nối Ấn Độ bằng đường biển với vịnh Ba Tư ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và hành lang còn lại nối vịnh Ba Tư từ UAE bằng đường bộ qua Saudi Arab, Jordan và Israel, sau đó bằng đường biển tới Hy Lạp.

Theo một tài liệu của Ủy ban châu Âu (EC), dự án trên sẽ kết nối các tuyến đường sắt và cảng biển, đồng thời tạo ra mạng lưới cáp điện, cáp truyền dữ liệu tốc độ cao, đường ống dẫn khí hydro. Do vậy, dự án này còn được EC gọi là “cây cầu xanh và kỹ thuật số xuyên qua các lục địa và nền văn minh”.

Dự án trên có khả năng tăng cường trao đổi thương mại giữa Ấn Độ và châu Âu lên tới 40%. Các bên ký kết hy vọng kế hoạch này sẽ giúp hội nhập thị trường rộng lớn 1,4 tỷ dân của Ấn Độ với các quốc gia phía Tây, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế Trung Đông và thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia Arab ở vùng Vịnh.

“Hành lang này sẽ thay đổi bức tranh thương mại khu vực và toàn cầu”, ông Modi nói, đồng thời gợi ý rằng nó sẽ giúp “giảm chi phí kinh doanh, tăng hiệu quả hậu cần, giảm thiệt hại cho môi trường và tạo ra số lượng lớn việc làm.

Trong khi đó, các chuyên gia nhấn mạnh những thách thức mà IMEC có thể gặp phải, chủ yếu là do sự phức tạp về địa chính trị trong khu vực và sự leo thang của xung đột Israel-Palestine, triển vọng ngắn hạn của sáng kiến ​​này vẫn chưa rõ ràng.

Câu thần chú của Ấn Độ

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Hàng hải Ấn Độ 2023, ông Modi lưu ý sự tập trung của chính phủ vào lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu, đồng thời dự đoán rằng “Ấn Độ sẽ trở thành một trong 5 quốc gia đóng tàu hàng đầu trong thập kỷ tới".

"Câu thần chú của chúng tôi là Sản xuất tại Ấn Độ - Sản xuất cho thế giới”, Thủ tướng Modi nhấn mạnh thêm.

Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng chỉ ra những nỗ lực của đất nước ông trong việc thúc đẩy du lịch hàng hải như một phương tiện để tạo thêm doanh thu.

“Ấn Độ có đường bờ biển dài, di sản biển và di sản văn hóa phong phú. Những điều này mang đến cho chúng tôi khả năng đẩy  mạnh phát triển du lịch hàng hải”, ông Modi cho hay đồng thời nhấn mạnh thêm rằng với việc phát triển các dự án du lịch biển mới, Ấn Độ đang nhanh chóng hướng tới việc trở thành một “trung tâm du lịch toàn cầu”.

Đáng chú ý, Ấn Độ và Sri Lanka hồi cuối tuần trước đã khởi động dịch vụ phà qua eo biển Palk. Tuyến này dự kiến ​​sẽ thúc đẩy du lịch và thương mại với Kankesanthurai, cảng Sri Lanka nằm gần các cảng nhất trên bờ biển phía đông Ấn Độ.

Ông Sarbananda Sonowal, Bộ trưởng Cảng, vận tải và đường thủy Ấn Độ, cho hay New Delhi dự kiến ​​sẽ tạo ra khoản đầu tư lên tới 10 nghìn tỷ rupee (120 tỷ USD) và ký kết hơn 300 thỏa thuận sau sự kiện này.

Trong một bài báo do ông Sonowal viết trước sự kiện này, ông cho biết những cải cách chính sách trong lĩnh vực vận tải biển và hậu cần đã mở ra một làn sóng đầu tư mới, kinh doanh dễ dàng hơn và tăng trưởng kinh tế theo cấp số nhân dọc theo các tuyến đường thủy quốc gia.

Tổng cộng, 111 tuyến nội địa trải dài trên 20.000km đã được chính phủ Ấn Độ xác định có tiềm năng vận chuyển hàng hóa và hành khách.

Chính phủ Ấn Độ cho biết trong một thông cáo báo chí rằng Hội nghị thượng đỉnh Hàng hải Ấn Độ đầu tiên được tổ chức vào năm 2016 tại Mumbai đã mang lại các thỏa thuận trị giá gần 10 tỷ USD, đóng vai trò quan trọng trong việc nêu bật sự phát triển dựa vào cảng để tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và bền vững”.

Trọng tâm của sự kiện năm nay là “Tầm nhìn Hàng hải Ấn Độ 2030”, một kế hoạch chi tiết 10 năm với mục đích cải tiến ngành hàng hải Ấn Độ. Kế hoạch này đã xác định hơn 150 sáng kiến ​​trong các tiểu ngành cảng, vận tải và đường thủy, sẽ thúc đẩy ngành hàng hải Ấn Độ đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Xem thêm >> Các thương hiệu Trung Quốc ‘làm mưa làm gió’ tại Nga

Theo RT
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.