Đầu tư tiền tỷ cho sạp hàng, tiểu thương lo lắng mất vốn khi dịch Covid-19 quay lại

Bích Thủy - 31/07/2020 15:44 (GMT+7)

(VNF) - Việc dịch Covid-19 đang tái bùng phát trên cả nước đã khiến cả triệu người đang mưu sinh tại 8.539 chợ (theo số liệu Bộ Công Thương) lại thấp thỏm. Cho tới nay chưa có con số nào thống kê được các tổn thương mà giới chủ kinh doanh nhỏ lẻ này phải gánh chịu. Dự báo tình trạng các hộ tiểu thương bán cầm chừng, rồi lần lượt nghỉ bán lại có thể tái diễn.

VNF
Tiểu thương lo lắng mất doanh thu khi Covid-19 quay lại

Theo số liệu của Nielsen, doanh thu kênh chợ và tiệm tạp hóa đang ở mức khoảng 10 tỷ USD mỗi năm.

Với mức giá sang nhượng thấp nhất 2-3 tỷ đồng/sạp và phổ biến ở mức 7- trên 10 tỷ đồng/sạp vị trí đẹp, những tiểu thương chợ Bến Thành từng được xếp vào hàng tiểu thương giàu có, nay đang nín thở khi hay tin Covid-19 quay lại.

Những tháng từ sau Tết đến nay, hấu hết các sạp ở Bến Thành đều buôn bán cầm chừng. Nhiều sạp vị trí đẹp, giá cho thuê trước đây lên đến 60- 80 triệu đồng/tháng, nay rao giá thuê còn 30 triệu tháng cũng không có khách thuê. Có sạp giá cho thuê hiện chỉ còn 10- 15 triệu tháng nhưng vẫn không tìm được chủ kinh doanh có nhu cầu thuê.

Một chủ sạp cho biết đang phải chịu lỗ nặng suốt 5 tháng qua vì đã vay hơn 3 tỷ (trong tổng giá trị 7 tỷ) để sang sạp cách đây 1 năm, cho thuê chưa kịp hoàn vốn thì đã gặp phải tình trạng đóng băng như hiện nay.

Dãy sạp cà ri Anh Hai từng nổi tiếng khắp cả nước, là thương hiệu gia vị cha truyền con nối, buôn bán khá đông khách tại chợ Bến Thành, cũng phải cố gắng cầm cự trong suốt những tháng vừa qua khi lượng khách đến mua giảm trên 50%. Thị trường chưa kịp hồi phục thì dịch bệnh tái bùng phát. Quy định tạm dừng các dịch vụ không cần thiết từ 0 giờ ngày 31/7 ở TP. HCM có thể sẽ khiến các nhà hàng vắng khách, đo đó sẽ ảnh hưởng tới việc tiêu thụ gia vị độc quyền của thương hiệu này.

Lầu 2 chợ An Đông 1 là khu tập trung các sạp bán quà lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ. Do khách du lịch chưa quay lại nên đã 5 tháng nay  các chủ sạp này vẫn chưa kinh doanh trở lại. Mặc dù trong giờ cao điểm kinh doanh nhưng hơn chục sạp vẫn trong tình trạng cửa đóng, then cài. 

Khu chợ thực phẩm 96 Hùng Vương cũng vắng khách. Nhiều sạp kinh doanh hoa, trái cây trước đây hoạt động rất nhộn nhịp, tấp nập, nay thưa thớt vắng lặng. Nhiều sạp treo bảng nghỉ bán, cho thuê sạp trên một năm.

Tại chợ Bà Chiểu, Phạm Văn Hai, Thái Bình…., vốn nằm ở trung tâm kinh doanh sầm uất của các quận ở TP. HCM, nhưng các sạp quần áo, vải vóc, hóa mỹ phẩm… vẫn còn vắng khách. 

TP. HCM có tổng cộng 238 chợ, trong đó 235 chợ truyền thống, hằng ngày cung ứng hàng hóa cho hơn 10 triệu dân thành phố. Hiện 80%-90% tiểu thương các chợ đã trở lại kinh doanh nhưng hầu hết phải chật vật xoay xở vì chợ vắng, ế; khách chỉ mua lương thực, thực phẩm và hàng thiết yếu.

Kênh bán hàng ở các chợ đang giữ doanh số hàng chục tỷ USD mỗi năm trên thị trường nội địa. Nhưng hiện tiểu thương bán hàng ở các chợ đang gánh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự đình trệ của ngành du lịch, từ sự thắt chặt chi tiêu của các gia đình.

Cùng chuyên mục
Tin khác