Tiêu điểm

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: ‘Chúng ta có thể giảm cho doanh nghiệp 30.000 tỷ tiền thuế’

(VNF) – Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, ông Lưu Bình Nhưỡng, cho rằng chính phủ có thể giảm thuế cho các doanh nghiệp tới 40% - 50% chứ không chỉ 30% như dự thảo nghị quyết.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: ‘Chúng ta có thể giảm cho doanh nghiệp 30.000 tỷ tiền thuế’

Ông Lưu Bình Nhưỡng

Ngày 16/6, Quốc hội đã thảo luận về nghị quyết về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, các đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Theo dự thảo, chính phủ sẽ giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp có doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.

Theo tính toán, việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ khiến ngân sách giảm thu từ 15.840 tỷ đồng (nếu áp dụng cho riêng doanh nghiệp nhỏ) đến 22.440 tỷ đồng (nếu áp dụng cho cả doanh nghiệp vừa).

Bình luận về dự thảo này, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng con số giảm thu ngân sách nói trên không phải là lớn so với ngân sách cũng như so với các khoản thu nhập khác.

“Đặc biệt là nếu chúng ta so với tiền lãi cũng như tiền khấu hao vô hình cũng như khấu hao hữu hình của 12 dự án thua lỗ thì con số này càng nhỏ”, ông Nhưỡng nói.

Do đó, ông Nhưỡng cho rằng Chính phủ có thể nới tỷ lệ giảm thuế lên tới 40% - 50%. “Chúng ta có thể giảm cho doanh nghiệp đến 30.000 tỷ đồng, tôi nghĩ vẫn có thể hợp lý bởi vì chúng ta không chịu thiệt về vấn đề này”.

“Nếu chúng ta tăng thêm phần này cho doanh nghiệp thì khác hẳn với gói 62.000 tỷ đầu tư cho an sinh. Gói an sinh, chúng ta chỉ giải quyết đời sống, còn nếu giải quyết cho doanh nghiệp thì có nghĩa là doanh nghiệp còn đưa vào đầu tư, đỡ khó khăn hơn, làm lợi thêm nhiều cho Đảng, Nhà nước, nhân dân, cho nền kinh tế - xã hội, cho nên số này tôi nghĩ cũng không nên khắt khe”, ông Nhưỡng nêu quan điểm.

Cần giảm thuế cho cả doanh nghiệp vừa

Nhận định về tiêu chuẩn xét giảm thuế (doanh thu không quá 50 tỷ đồng, lao động có bảo hiểm không quá 100 người) của dự thảo nghị quyết, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng tiêu chuẩn này sẽ tạo ra chính sách cào bằng chung, “cá mè một lứa”, không công bằng với tình hình thực tế khác nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Tạo nhấn mạnh Chính phủ cần đánh giá và thẩm định đầy đủ, rõ ràng từng doanh nghiệp, từng ngành hàng dịch vụ sản xuất kinh doanh, về doanh thu, về lao động cụ thể và thiệt hại thực tế. Trên cơ sở đó. Chính phủ xác định đối tượng được thụ hưởng một cách khoa học và chặt chẽ hơn, với những thủ tục hành chính hợp lý, hợp tình hơn.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) phân tích thêm rằng tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam là doanh nghiệp có doanh thu không quá 100 tỷ đồng, số lao động có bảo hiểm không quá 50 người.

“Như vậy nghị quyết trên chỉ dành cho một nửa số doanh nghiệp nhỏ. Nếu doanh nghiệp có doanh thu trên 50 tỷ đồng mà không được hưởng nghị quyết này thì tôi không đồng ý”, ông Thân nói.

Tương tự với chỉ tiêu doanh thu là chỉ tiêu lao động có bảo hiểm. Ông Thân nhấn mạnh: “Một doanh nghiệp có doanh thu 50 tỷ đồng mà lao động nhiều hơn 100 người thì càng được hưởng chứ sao lại không? Vấn đề này, tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại, vì tính khuyến khích và động viên không có. Tiêu chí này mâu thuẫn nhau lắm”.

Góp ý thêm về đối tượng được thụ hưởng chính sách giảm thuế, ông Thân chỉ ra: doanh nghiệp nhỏ chiếm 93% tổng số doanh nghiệp hiện hữu, số doanh nghiệp vừa chiếm 4%.

“Doanh nghiệp vừa là loại doanh nghiệp nòng cốt, có giá trị, tạo rất nhiều việc làm, kết nối rất mạnh trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là một lực lượng vô cùng quan trọng, có thể nói nó như là một hạt nhân trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

“Mà nó chỉ chiếm 4%, như vậy là chưa đến 30.000 doanh nghiệp, tôi nghĩ là nếu bỏ họ ra khỏi khu vực giảm thuế thì không hay. Trong tờ trình nói là nếu giảm cho cả doanh nghiệp vừa là ta giảm tới 97% số doanh nghiệp cả nước, như vậy là giảm hết. Nhưng tại sao chúng ta cứ nghĩ hết mà không giảm 97%? Tôi nghĩ là 4% doanh nghiệp vừa này cũng phải đưa vào”, ông Thân nói.

Ông Thân cũng nêu quan điểm rằng năm 2020, có rất ít doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp lớn) có doanh thu, có lãi lại càng khó. Vì vậy việc giảm 30% thuế cho doanh nghiệp có lãi năm 2020 là không hiệu quả và không giải quyết được vấn đề gì cho doanh nghiệp.

“Năm 2020 mà giữ được là tốt rồi. Doanh nghiệp chưa có lãi mà ta lại giảm thuế cho thành phần có lãi thì tôi nghĩ doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó tiếp nhận được ưu đãi này.

“Tôi đề nghị chuyển ưu đãi (từ lãi - PV) sang doanh thu và ưu đãi cho phần lãi của năm 2019”, ông Thân gợi mở.

Tin mới lên