Để doanh nghiệp, khu vực tư nhân thực sự lớn mạnh?
(VNF) - Đằng sau những thống kê về tăng trưởng và phát triển của một quốc gia chính là câu chuyện doanh nghiệp. Thắng, thua, thành bại cũng ở doanh nghiệp.
Trong một nền kinh tế thị trường hội nhập, khu vực đầu tư nước ngoài, nhất là FDI, có thể đóng vai trò rất quan trọng, song nhìn về dài hạn, sự phát triển không thể bền vững, đất nước không thể hùng cường nếu thiếu vắng lực lượng kinh tế tư nhân cùng sự trưởng thành của các doanh nghiệp và doanh nhân đất nước. Việt Nam chính là đất nước như vậy.
Xây nhà từ móng – Tạo dựng cột kèo
Sau gần 40 năm Đổi mới, một trong những thành tựu nổi bật nhất của cải cách kinh tế ở Việt Nam là sự nổi lên của một khu vực tư nhân năng động. Nguồn lực sẽ không thể phân bổ hiệu quả nếu thiếu cơ chế thị trường và hạt nhân của kinh tế thị trường chính là cạnh tranh cùng hoạt động của khu vực tư nhân. Vai trò kinh tế tư nhân ngày càng được nhìn nhận đầy đủ hơn, thực chất hơn.
Hội nghị 5 BCH TW Đảng lần thứ XII năm 2017 đã ban hành một Nghị quyết riêng về kinh tế tư nhân, khẳng định kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nghị quyết 41-NQ/TW năm 2023 của Bộ Chính trị nhấn mạnh: Đội ngũ doanh nhân là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; và cùng với đó, có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp.
Tuy nhiên, đây không phải là một quá trình trơn tru trong quá trình Đổi mới. Sự phức tạp và “gồ ghề” của nó được phản ánh qua cách sử dụng các thuật ngữ, từ điều gọi là “nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần”, đến “cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước”, chuyển sang “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” cùng vai trò chủ đạo của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), rồi của kinh tế nhà nước.
Và đến nay, chúng ta vẫn đau đáu với câu hỏi: Làm sao để khu vực tư nhân ngày càng trưởng thành, có sức cạnh tranh cao, và nhất là làm thế nào để Việt Nam thực sự có được các công ty/tập đoàn tư nhân lớn mạnh?
Kinh tế tư nhân: Có “lớn” nhưng chưa “lớn mạnh”
Cùng với Đổi mới, và nhất là từ khi có Luật Doanh nghiệp năm 1999, khu vực tư nhân đã có sự phát triển mạnh mẽ. Trong gần 20 năm lại đây, trung bình hàng năm có trên 100.000 doanh nghiệp đăng ký ra đời. Hiện có tới 900.000 doanh nghiêp tư nhân hoạt động cùng hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
Tinh thần khởi nghiệp sáng tạo cũng dâng cao. Số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startups) tăng đáng kể, từ con số khá khiêm tốn là 400 vào năm 2012 đã tăng lên khoảng 3.800 năm 2023; trong đó, 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD. Việt Nam hiện đứng thứ 3 Đông Nam Á về số các thương vụ đầu tư cho startups, sau Indonesia và Singapore.
Cùng với đó, số lượng các công ty/tập đoàn tư nhân quy mô lớn đang tăng lên. Hàng năm, Bảng xếp hạng VNR500 công bố danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, không ít trong đó là doanh nghiệp tư nhân với doanh thu, tổng tài sản chục nghìn/trăm nghìn tỷ VNĐ, hàng nghìn/chục nghìn lao động, và nhiều nghìn tỷ VNĐ lợi nhuận sau thuế.
Uy tín và giá trị thương hiệu Việt Nam và nhiều tập đoàn, công ty Việt Nam cũng được quốc tế thừa nhận. Theo Brand Finance năm 2018, Việt Nam xếp ở vị trí số 43/100 thương hiệu quốc gia có giá trị nhất trên thế giới được xếp hạng, với giá trị thương hiệu quốc gia đạt 235 tỷ USD. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng 102% trong giai đoạn 2019 – 2023, đạt tới 498 tỷ USD, xếp thứ 33/121 thương hiệu quốc gia có giá trị nhất trên thế giới được xếp hạng.
Năm 2018, 40 thương hiệu đắt giá nhất Việt Nam có tổng giá trị hơn 8,1 tỷ USD. Năm 2023, chỉ riêng giá trị thương hiệu Viettel (dẫn đầu trong suốt 9 năm liền từ 2015) đã là 8,9 tỷ USD. Trong TOP 100, bên cạnh các DNNN, đã xuất hiện nhiều các tập đoàn/công ty tư nhân. Lưu ý là nhiều doanh nghiệp phi tài chính có giá trị thương hiệu cao thuộc các lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như viễn thông, công nghệ số và thực phẩm. Hơn nữa, các tập đoàn/công ty tư nhân thường có tốc độ tăng giá trị thương hiệu nhanh nhất.
Điều đáng nói hơn, nhiều công ty/tập đoàn tư nhân đã có bước đi mạnh mẽ trong chuyển hướng chiến lược sản xuất kinh doanh, sang các lĩnh vực gắn nhiều hơn với công nghệ và sáng tạo (nông nghiệp thông minh; sản xuất “xanh”, công nghiệp ô tô, điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)...). Đã xuất hiện những công trình tầm vóc, phức hợp, đòi hỏi năng lực quản trị, thi công và làm chủ công nghệ cao (sân bay, đường hầm, cầu, …) được các công ty/tập đoàn tư nhân hoàn thành có chất lượng, trong thời gian ngắn. Một số công ty/tập đoàn đã quan tâm hơn đến nghiên cứu & phát triển (R&D), kể cả thiết lập các viện/trung tâm phục vụ cho công tác này.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể khu vực tư nhân vẫn là “lượng nhiều, chất yếu”. Phần lớn (trên 97%) các doanh nghiệp là nhỏ và vừa (SMEs). Điều đó là bình thường, song không bình thường là đại đa số doanh nghiệp đăng ký đều có quy mô rất nhỏ dưới 10 lao động và vốn đăng ký dưới 5 tỷ VNĐ (70%). Sự thiếu vắng ngày càng rõ các doanh nghiệp quy mô trung bình, nhất là trong công nghiệp chế tác, đang cản trở tăng năng suất, chuyên môn hóa và chuyển giao công nghệ. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu song có vị thế yếu trong chuỗi giá trị. Nhiều hộ kinh doanh từ chối đăng ký làm doanh nghiệp chính thức do sợ “gánh nặng” quan liêu và cách thức quản lý của nhà nước, làm tăng chi phí giao dịch. Thực tế cũng cho thấy các doanh nghiệp tư nhân đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, với tỷ lệ thua lỗ, phải dừng sản xuất kinh doanh, chờ thủ tục giải thể và giải thể ở mức cao, trung bình là 45% trong giai đoạn 2007- 2017 và lên tới trên 70% năm 2018. Tỷ lệ này vẫn cao cả sau đại dịch Covid-19; năm 2023 và 8 tháng đầu năm 2024 lên tới trên dưới 80%.
Những doanh nghiệp tư nhân lớn nhìn chung chưa thể hiện được vai trò dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo và tăng trưởng. Khu vực doanh nghiệp tư nhân hiện vẫn đóng góp chỉ trên dưới 10% GDP; R&D vẫn còn mờ nhạt (Hiệu quả của khu vực doanh nghiệp nhà nước nói chung lại thấp). Giá trị thương hiệu Việt Nam vẫn “thua” các nước trong khu vực Đông Nam Á là Singapore, Malaysia, Thái Lan, và Indonesia.
Việt Nam không chỉ đạt nhiều thành tựu trong giảm nghèo và tạo cơ hội phát triển tấng lớp trung lưu, mà còn được xem là quốc gia có số người giàu/siêu giàu gia tăng nhanh chóng, trong số đó có rất nhiều doanh nhân. “Tích sản” nhanh có thể là tốt nếu được chuyển hóa thành nguồn lực phát triển bền vững, thích ứng với bối cảnh mới và có hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Đã có những tín hiệu tích cực theo xu hướng này và được đánh giá cao. Song cái nhìn của xã hội đối với hiện tượng “giàu/siêu giàu” và “tích sản” nhanh vẫn có không ít nghi ngờ về tính liêm chính và tài năng thật sự của không ít doanh nhân Việt. Cách nói “ông trùm” (“tycoon”) hay đại gia hàm chứa cả những ẩn ý thiếu tích cực, thiếu thiện cảm.
Tất cả những điều đó chứng tỏ khu vực tư nhân còn phải đối mặt với rất nhiều trở ngại, cả về chính sách, cả nằm trong chính bản thân doanh nghiệp, và cả từ cách nhìn nhận xã hội. Doanh nghiệp tư nhân đã trưởng thành, có “lớn” những chưa đủ “lớn mạnh” để thực sự có thể trở thành một động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế và sự phát triển bền vững của Việt Nam. Có hai vấn đề cơ bản cần tập trung xử lý; đó là: Xây nhà từ móng (thúc đẩy phát triển SMEs và startups); Tạo dựng cột kèo (chuyển đổi chiến lược các công ty/tập đoàn tư nhân).
Con đường đến đích “khu vực tư nhân thực sự lớn mạnh” còn dài, còn nhiều gian nan, thử thách, nhất là trong bối cảnh con tàu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã nhổ neo và Việt Nam – một đất nước hội nhập sâu rộng, đang nỗ lực chuyển sang giai đoạn phát triển mới, có tính bước ngoặt, với giá trị gia tăng tạo ra phải dựa nhiều vào tăng năng suất và đổi mới sáng tạo.
Xây nhà từ móng: Thúc đẩy phát triển SMEs và startups
Sẽ không có một khu vực tư nhân năng động cũng như các doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh nếu thiếu sự phát triển lành mạnh của SMEs và startups. Chính SMEs là khu vực đóng góp lớn nhất cho cạnh tranh trên thị trường; không có cạnh tranh thì không còn thị trường. Cùng với startups, họ còn là khởi nguồn của tinh thần kinh doanh.
Động lực chính cho phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam trong Đổi mới chính là sự khẳng định của Nhà nước về vai trò to lớn của khu vực này, là việc thừa nhận quyền sở hữu tư nhân và quyền tự do kinh doanh. Nghị quyết Hội nghi TW 5 và Nghị quyết 41-NQ/TW xem kinh tế tư nhân và cả doanh nhân như một điều kiện tiên quyết cho sự phát triển đất nước đã tái khẳng định cam kết của Việt Nam là tạo xung lực vững chắc cho khu vực tư nhân lớn mạnh. Nó giúp tạo thêm niềm tin cho thị trường vào nỗ lực cải cách của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là một quá trình không chỉ cần cách tiếp cận nhất quán của Chính phủ, mà cả việc triển khai trên thực tế, khẳng định Việt Nam “chơi thật”.
Có nhiều trở ngại cho sự phát triển còn xa so với kỳ vọng của khu vực tư nhân. Đó là những yếu kém trong đảm bảo quyền tài sản, “sân chơi” không công bằng, sự méo mó của các thị trường nhân tố sản xuất, khả năng tiếp cận nguồn lực khó khăn, và chi phí giao dịch cao. Đó cũng chính là dư địa để cải thiện không gian và môi trường cho khu vực tư nhân phát triển.
Trọng tâm cải cách cần tập trung vào năm vấn đề:
Một là cải cách bộ máy nhà nước theo hướng minh bạch, có khả năng giải trình, hiệu lực, hiệu quả; đấu tranh chống nạn quan liệu và tệ tham nhũng; “lợi ích nhóm với doanh nghiệp thân hữu”. Một điều kiện tiên quyết không thể thiếu là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, có thể tiên liệu được.
Hai là tăng cường nền tảng kinh tế vi mô của nền kinh tế thị trường, đặc biệt là bảo hộ quyền tài sản và thực thi chính sách cạnh tranh, giảm thiểu méo mó trên các thị trường nhân tố sản xuất (thị trường vốn, đất đai, lao động).
Ba là cải tổ toàn diện khu vực doanh nghiệp nhà nước; đặt các doanh nghiệp nhà nước đối mặt với áp lực cạnh tranh và tuân thủ nguyên tắc “ngân sách cứng”; nâng cao đòi hỏi đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về kế toán, kiểm toán; định rõ và hợp lý hóa chức năng sở hữu và quản lý nhà nước, tăng tính chuyển nghiệp của bộ máy quản lý doanh nghiệp.
Bốn là tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo định hướng thị trường, thương mại hóa với hai thay đổi lớn. Trước hết là chuyển đổi nông nghiệp gắn với cơ giới hóa, tích tụ đất đai, tổ chức lại dịch vụ nông nghiệp. Cùng với đó là tập trung hiện đại hóa và thương mại hóa toàn bộ quá trình tạo sản phẩm theo chuối giá trị (từ đầu vào, sản xuất, chế biến đến phân phối thương mại và thực thi các tiêu chuẩn về an toàn).
Năm là cải thiện tính kết nối giữa các doanh nghiệp đầu đàn/doanh nghiệp tiên phong (trong nước và FDI) với các nhà cung ứng trong nước. Việc thiết lập các cụm liên kết ngành để doanh nghiệp tư nhân có vị trí kinh doanh thuận lợi sẽ giúp tăng năng suất, thúc đẩy xuất khẩu và khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Song đó là chưa đủ. Điểm không thể không nói tới là việc bắt nhịp với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), đặc biệt là chuyển đổi số, và cùng với đó là chuyển đổi xanh. Tạo dựng một khung khổ pháp lý, hạ tầng và chính sách hỗ trợ thích hợp cùng với sự quyết liệt thực thi, đặc biệt liên quan đến các vấn đề như chuyển giao công nghệ, tài chính và đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quyền sở hữu trí tuệ,… là trọng tâm cần ưu tiên. Thiết lập hệ thống sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo làm trung tâm chính là đòn bẩy cho công cuộc này.
ASEAN có chiến lược cải thiện môi trường kinh doanh để các doanh nghiệp nhỏ và vừa trở nên cạnh tranh, sáng tạo và năng động hơn. Chiến lược đó dựa trên tám khía cạnh chính sách, đo lường theo Chỉ số Chính sách SME (1. Khung khổ thể chế; 2. Tiếp cận dịch vụ hỗ trợ; 3. Những điều tiết thuận lợi cho khởi nghiệp và SMEs; 4. Tiếp cận tài chính; 5. Công nghệ và chuyển giao công nghệ; 6. Mở rộng thị trường quốc tế; 7. Thúc đẩy giáo dục kinh doanh; 8. Hiệu lực đại diện lợi ích). Theo đánh giá năm 2018 và đến gần đây, Việt Nam chỉ có vị trí trung bình về Chỉ số Chính sách SME trong ASEAN. Điều đó có nghĩa rằng Việt Nam còn rất nhiều dư địa để hoàn thiện không gian và môi trường cho khu vực tư nhân phát triển.
CMCN 4.0 là chất xúc tác hết sức mạnh mẽ cho khởi nghiệp/khởi nghiệp sáng tạo. Suy cho cùng, sáng tạo luôn gắn với cá nhân, và trong nhiều trường hợp bắt nguồn từ chính SMEs và startups, nhất là với CMCN 4.0, cùng xu thế tích tụ còn là xu thể “cá thể hóa” trong kinh doanh.
Tinh thần kinh doanh vô cùng quan trọng, nhưng rất cần một hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả. Trong đó đặc biệt lưu ý đến vai trò then chốt của vốn đầu tư mạo hiểm cùng điều kiện rút vốn, tư vấn có kinh nghiệm và những “vườn ươm công nghệ”/trung tâm sáng tạo kết nối tốt bộ ba: hỗ trợ tài chính, R&D và thiết lập mạng lưới hợp tác. Cùng với đó là việc thiết lập những quy chế điều tiết tạo thuận lợi cho sáng tạo.
Trở ngại còn nằm ở chính những yếu kém của bản thân doanh nghiệp, cả về hiểu biết phát luật và thị trường, xây dựng kế hoạch phát triển và đặc biệt là khả năng kết nối, hợp tác trong sản xuất kinh doanh. Theo 1tach.com (6/11/2017), có 9 yếu tố người khởi nghiệp sáng tạo cần phải có, đó là: (1) năng lực sáng tạo; (2) vốn kinh doanh; (3) sự kiên trì và đam mê; (4) kiến thức nền tảng và chuyên môn; (5) kỹ năng nghiên cứu thị trường; (6) kỹ năng quản lý tài chính; (7) kỹ năng ủy quyền; (8) kỹ năng hoạch định chiến lược; và (9) kỹ năng mềm. Đây cũng chính là những “yếu huyệt” mà chính sách cần hướng tới trong hỗ trợ SMEs và startups.
Tạo dựng cột kèo: Chuyển đổi chiến lược công ty/tập đoàn tư nhân
Như đã nói ở trên, một tín hiệu tích cực cho sự chuyển đổi của kinh tế đất nước là nhiều công ty/tập đoàn tư nhân đã và đang chuyển nguồn lực đầu tư mạnh cho công nghệ và “chất xám” cùng kỹ năng mới. Dù không ít trắc trở, song cũng là xu hướng chung của thế giới, là việc ứng phó với vấn đề “to be or not to be”.
Như thời gian đã chỉ ra, tuổi thọ trung bình của 500 doanh nghiệp tên tuổi nhất thế giới đã giảm từ 60 năm xuống còn 15 năm. Nếu không thay đổi, không thích ứng, không đổi mới, thì ngay các doanh nghiệp tên tuổi cũng có thể “chết yểu”. Hơn thế, cơ hội “lớn lên” là cho tất cả những ai dám đón nhận và biết “tư duy lại, thiết kế lại, và xây dựng lại”.
Các công ty/tập đoàn ít nhiều đã có nguồn lực nên có điều kiện hơn để “đi tắt đón đầu” làm chủ công nghệ và sáng tạo và có thể bắt kịp, tiến cùng xu hướng thời đại. Song để họ thực sự “lớn mạnh” là cả một câu chuyện đầy thách thức.
“Lớn mạnh” là phải làm chủ công nghệ và có năng lực sáng tạo cao; phải có thương hiệu đầy sức cuốn hút, (dần) được thế giới ghi nhận; phải tạo ra những sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn của công cuộc chuyển đổi xanh và cuộc cách mạng tiêu dùng mới (xanh, an toàn; thuận tiện/thông minh; nhân văn; và cá tính/biểu tượng người dùng); và tốt nữa, có thể chi phối được mạng phân phối. “Lớn mạnh” chưa hẳn lệ thuộc vào qui mô dù qui mô là một nhân tố quan trọng cần tính đến.
Cụm liên kết ngành Hình thành các cụm liên kết ngành (CLKN-industrial clusters) là một hướng đi chính sách cần đặc biệt quan tâm. Nhiều nghiên cứu về CLKN cho thấy các nhân tố tạo ra sự phát triển CLKN bao gồm : môi trường thể chế chuyên nghiệp và thân thiện, thu dụng được nhân tài và một lực lượng lao động có kỹ năng; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; sự có mặt của các doanh nghiệp đầu đàn; và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thuận lợi. Đồng thời, cần thận trọng với can thiệp nhà nước. CLKN nảy sinh một cách “tự nhiên” và phát triển dưới tác động của thị trường. Chính vì vậy, can thiệp chính sách thường có ích nhất trong giai đoạn đầu của chu kỳ phát triển CLKN. Khéo léo cân bằng giữa chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tiên phong, tập đoàn đa quốc gia và cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo, R&D cũng là một nội dung quan trọng. Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Để trở nên “lớn mạnh”, họ phải thực sự có khát vọng, sự dấn thân. Tầm nhìn toàn cầu, bản lĩnh, sự chuyên nghiệp và khôn khéo cùng cạnh tranh thật bằng sản phẩm, thành quả thật cũng là những đòi hỏi đối với các nhà lãnh đạo công ty/tập đoàn lớn. “Lớn mạnh” còn là sự tiên phong trong đột phá phát triển và đầu đàn trong tạo dựng mạng liên kết sản xuất kinh doanh, nhất là với SMEs. Và chính vì vậy, họ phải tạo được khả năng thu hút những người tài/những kỹ năng tốt nhất trên toàn cầu. Khi đó giá trị, đóng góp và hình ảnh, thương hiệu của họ sẽ tăng lên nhiều lần. Chuyển đổi chiến lược từ “lớn” sang “lớn mạnh”, về bản chất là chuyển đổi giá trị của công ty/tập đoàn và tổng hợp lại là cả sự chuyển đổi nâng tầm giá trị của đất nước.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là đối với các công ty/tập đoàn lớn, một trào lưu mới đang nổi lên mạnh mẽ: đó là sự chuyển đồi chiến lược thông qua chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhằm tạo ra bước nhảy vượt bậc về năng lực quản trị, trải nghiệm khách hàng và mô hình kinh doanh. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã và đang làm thay đổi bản đồ năng lực cạnh tranh của các tập đoàn/công ty lớn trên thế giới, trở thành một ưu tiên mang tính sống còn, là chính yêu cầu phát triển tự thân của họ.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng không nằm ngoài bối cảnh và tiến trình đó. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam ở hầu khắp các lĩnh vực (thương mại, tài chính ngân hàng, giáo dục, y tế, du lịch, logistics, công nghiệp chế tác,..) đã bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Một số công ty/tập đoàn Việt tuyên bố và nỗ lực để thực sự trở thành doanh nghiệp số, doanh nghiệp phát triển bền vững.
Có nhiều định nghĩa và cách hiểu. Song tựu trung lại, có thể nói đó là sự thay đổi, chuyển biến có tính đột phá nhờ đổi mới đổi tư duy, thay đổi quản trị, phát triển kỹ năng và thúc đẩy sáng tạo trong tất cả các hoạt động của doanh nghiệp. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là một tiến trình đầy gian lao. Cũng không có đáp án sẵn cho mọi doanh nghiệp. Song những đúc rút từ kinh nghiệm thực tế về cách tiếp cận, cách xử lý những vấn đề trọng tâm, và việc hình thành, triền khai thực thi chiến lược chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là rất đáng tham khảo.
Có bốn bài học lớn nhất ở đây.
Một là “gắn bó chuyển đổi số, chuyển đổi xanh với chiến lược sản xuất kinh doanh của công ty”. Cần hết sức coi trọng mối quan hệ mật thiết giữa các công cuộc chuyển đổi này với chiến lược công ty. Không ít khảo sát cho thấy, thành công đến từ sự gắn kết rất chặt chẽ với chiến lược sản xuất kinh doanh cùng sự sẵn sàng điều chỉnh phù hợp.
Hai là thay đổi thực chất và căn bản cách thức quản trị doanh nghiệp. Các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị) phải được tích hợp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nguyên tắc định hướng quản trị mới là phải đủ nhanh, đủ linh hoạt, có thể thử nghiệm -học hỏi và lặp lại, tính đầy đủ tới các bên liên quan cùng sự cởi mở để hợp tác. Chúng khác nhiều so với cách tiếp cận quản trị truyền thống - thường tương đối tuyến tính, tốn kém thời gian và từ trên xuống.
Ba là “nghĩ lớn, làm cụ thể”. Tầm nhìn chiến lược phải đủ dài, đủ sâu, song cần bắt đầu thực thi quyết liệt từ những việc “nhỏ”, có tính sáng tạo, thiết thực và mức độ lan tỏa cao.
Bốn là “lãnh đạo phải đi tiên phong”. Lãnh đạo, giám đốc điều hành và giám đốc công nghệ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong chuyển đổi số, chuyển đối xanh. Chính họ là những người phải đối mặt nhiều nhất công việc/qui trình liên quan đến kiến thức số, kiến thức xanh, các xu hướng chuyển đổi, cũng như phải tham vấn với các bộ phận công nghệ của doanh nghiệp.
Chuyển đổi “kép” (số và xanh) với những bước đi cụ thể, thiết thực sẽ giúp tăng năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh và giá trị thương hiệu doanh nghiệp, qua đó tạo thuận lợi trong kết nối đối tác, tiếp cận thị trường cũng như thu hút vốn và tài chính xanh, tăng cường khả năng chống chịu trong một thế giới nhiều rủi ro, bất định.
Trong bối cảnh mới, nỗ lực tự thân của công ty/tập đoàn có ý nghĩa quyết định để “lớn mạnh”. Những hỗ trợ thích hợp, thiết thực của Nhà nước cũng rất cần thiết cho quá trình đó. Đảm bảo cạnh tranh thị trường và cam kết quốc tế, nhất là trong các Hiệp đinh thương mại tự do (FTAs) Việt Nam tham gia là nguyên tắc trước hết cần tôn trọng. Cạnh tranh sẽ hạn chế độc quyền/quyền chi phối thị trường (điều mà công ty/tập đoàn lớn dễ lạm dụng) và do đó, khuyến khích sáng tạo.
Phát triển hệ thống sáng tạo quốc gia, hỗ trợ R&D và chuyển giao công nghệ, và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (kể cả qua đổi mới hệ thống giáo dục dào tạo) là các biện pháp hết sức quan trọng.
Cũng có thể có các hỗ trợ tài chính trực tiếp và gián tiếp phù hợp (như giảm thuế thu nhập cho các lao động kỹ năng cao, hay các biện pháp hỗ trợ đào tạo, phát triển hạ tầng, R&D và cung cấp vốn cho các doanh nghiệp có trải nghiệm tốt về sáng tạo được chứng thực). Cách hỗ trợ các tập đoàn, công ty như vậy phải là “hỗ trợ người thắng cuộc” (qua kết quả thị trường phản ánh) chứ không phải là “lựa chọn người thắng cuộc”.
Những công ty/tập đoàn tốt nhất cũng có thể nhận các đơn đặt hàng của Nhà nước qua một quá trình đánh giá, thẩm định có tính cạnh tranh và đo lường được.
*. *. *
Dòng chảy của những năm Đổi mới phản ánh bức tranh bươn chải, trưởng thành của hàng trăm nghìn doanh nghiệp và ba, bốn thế hệ doanh nhân Việt Nam. DOANH NHÂN là biểu tượng của khát vọng, sự dấn thân làm giàu cho mình, cho doanh nghiệp và cho đất nước. Một khu vực tư nhân năng động và có năng lực cạnh tranh cao là một bảo đảm vững chắc cho sự thịnh vượng của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới và bối cảnh thế giới mới.
Xây dựng và phát triển các công ty/tập đoàn tư nhân lớn mạnh là yêu cầu của bản thân doanh nghiệp và cả đất nước. Chúng ta có những tiền đề quan trọng để hiện thực hóa tiến trình đó, từ ý chí quyết tâm đến hành động trên thực tế của Nhà nước và doanh nghiệp. Không chỉ tạo dựng các công ty/tập đoàn tư nhân lớn trở nên lớn mạnh mà căn cơ hơn, cần tạo dựng nền móng tốt nhất cho SMEs và startup ra đời và phát triển. Đây chính là những hạt mầm cho sự hình thành các doanh nghiệp có khả năng sáng tạo, có thương hiệu toàn cầu và đi đầu trong tương lai. Đây cũng chính là thời cơ thể hiện bản lĩnh, ý chí vươn lên, bắt kịp và đi cùng thời đại của Việt Nam. Đất nước, con người và doanh nhân Việt Nam xứng đáng có những doanh nghiệp như vậy.
Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân 2024 có độ dày 300 trang, in khổ 21x28cm trên giấy couche 4 màu. Giá bán: 198.000 đồng/cuốn. Liên hệ đặt mua: Chị Thu Trang, điện thoại: 0989631133. Email: [email protected].
Sắp ra mắt Đặc san Toàn cảnh Kinh tế tư nhân
- Đưa kinh tế tư nhân thành động lực hàng đầu 08/02/2024 04:34
- Chủ tịch Deloitte Hà Thu Thanh là thành viên Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân 12/10/2022 09:05
- Khơi dòng chảy tài chính qua kinh tế tư nhân 10/08/2022 03:01
Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.