Để thị trường bay cao, chỉ gỡ rào là chưa đủ

Lệ Chi - 01/08/2024 14:00 (GMT+7)

(VNF) - Để thị trường bất động sản Việt Nam thực sự ổn định và phát triển rực rỡ như giai đoạn trước đây, rất cần một chữ “thông”, trong đó đặc biệt cần thiết phải “thông cầu, thông cung” để cung và cầu bất động sản có thể gặp nhau, như vậy thị trường mới “đổi sắc”.

Ngày 29/6, Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, với 404/469 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành. Theo dự án Luật mới được thông qua, Quốc hội cho phép 3 luật này có hiệu lực từ 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với thời điểm đã được quyết định trước đó là 1/1/2025.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo sát sao công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của các bộ, ngành, địa phương; không để xảy ra vướng mắc do thiếu hoặc chậm ban hành văn bản cụ thể hóa, không để xảy ra tình trạng thông tư “chờ” nghị định, văn bản của địa phương “chờ” văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn của trung ương, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành các Luật từ ngày 1/8/2024.

“Phá rào cản” cho thị trường

Đánh giá về các tác động của ba đạo luật trên, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho rằng các đạo luật mới chắc chắn sẽ có tạo ra hiệu ứng tích cực, góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản. Bởi lẽ các bộ luật được soạn thảo trong bối cảnh thị trường đang gặp khó khăn nên có mục tiêu hướng đến giải quyết triệt để các vướng mắc.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nhận định việc đẩy nhanh thời hạn có hiệu lực chính thức của ba đạo luật sẽ rút ngắn thời gian tháo gỡ các vướng mắc liên quan tới định giá đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thực hiện đề án nhà ở xã hội, từ đó tạo động lực cho sự phát triển của thị trường bất động sản.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cũng cho rằng các đạo luật khi có hiệu lực sớm sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bởi lĩnh vực đất đai đóng góp 12-14% GDP quốc gia. Việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản chính là tháo gỡ rào cản cho quá trình phục hồi kinh tế.

“Cả 3 đạo luật khi chính thức có hiệu lực sẽ tạo hành lang pháp lý mới, giải tỏa hầu hết nút thắt cho thị trường khi 70-80% các vướng mắc đang tồn tại là do pháp lý. Đồng thời, các đạo luật tạo nền tảng cho thị trường bất động sản phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả trong quá trình thực thi, cần đẩy nhanh việc hoàn thành các nghị định trên cơ sở đảm bảo nội dung chất lượng, bám sát thị trường”, ông nhấn mạnh.

TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Phó vụ trưởng, Phó Ban tuyên truyền lý luận - Báo Nhân dân, cũng nhìn nhận các đạo luật sẽ tạo điều kiện tháo gỡ pháp lý, góp phần đẩy nhanh thỏa thuận giữa doanh nghiệp với người dân về giải phóng mặt bằng. Đồng thời, các quy định mới trong luật cũng góp phần tạo sân chơi rộng hơn, minh bạch hơn.

Tuy nhiên, ông cho rằng có hai vấn đề cần hết sức lưu ý đó là có thể giá bất động sản sẽ tăng lên vì các quy định tính giá đất theo giá thị trường, điều này khiến cho việc tiếp cận bất động sản của người dân gặp khó khăn hơn. “Chắc chắn sẽ phát sinh những điểm trống, bất cập cần lưu ý để giải quyết”, ông nói.

Cần thêm trợ lực nào để thị trường thăng hoa trở lại?

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, để thị trường bất động sản Việt Nam thực sự ổn định và phát triển rực rỡ như giai đoạn trước đây, rất cần một chữ “thông”, trong đó đặc biệt cần thiết phải “thông cầu, thông cung” để cung và cầu bất động sản có thể gặp nhau, như vậy thị trường mới “đổi sắc”.

Theo ông Thiên, có mấy việc cần phải làm, cấp bách đúng nghĩa. Một là các vướng mắc thể chế phải được giải quyết nhanh và dứt điểm, để không kìm hãm nhịp phục hồi của thị trường. Hai là thông các nguồn lực và có biện pháp thúc đẩy, tạo cơ hội để cả doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và khách hàng/nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận nguồn vốn thuận lợi với mức lãi suất thật sự hỗ trợ, tạo động cơ tăng trưởng và phát triển mới.

Ba là xem xét các giải pháp cải thiện mức lương tối thiểu để người dân có cơ hội tăng thu nhập, từ đó cầu cũng tăng lên. Bốn là tiếp tục thực hiện các giải pháp thu hút dòng đầu tư để duy trì và thúc đẩy phân khúc bất động sản công nghiệp, thương mại và du lịch, nghỉ dưỡng. Quan trọng nhất là cần lưu ý các giải pháp cần được thực hiện một cách đồng bộ, nút thắt nào có cơ hội được giải tỏa thì giải tỏa ngay để tránh mất đà phục hồi của thị trường. Khơi thông vốn cho thị trường bất động sản chính là khâu trọng yếu đó.

Còn theo ý kiến của TS. Cấn Văn Lực, Chính phủ và các cấp cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết luật để đảm bảo các quy định này sớm đi vào thực tế, có như vậy việc đẩy sớm thời gian có hiệu lực của các đạo luật mới thực sự có ý nghĩa. Bên cạnh đó, cần sớm có giải pháp phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm giảm áp lực về tài chính cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; sớm có giải pháp phát triển nhà ở xã hội như chỉ đạo của Ban Bí thư; sớm bắt tay xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin để đảm bảo có đủ căn cứ định giá đất và các hoạt động liên quan khác...

Về vấn đề này, TS Võ Trí Thành cũng cho rằng, cần phải hoàn thiện pháp lý với quy trình, thủ tục tinh giản, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể hoạt động trên thị trường tiếp cận nhưng vẫn đảm bảo là công cụ để quản lý, giám sát hoạt động của thị trường.

Ngoài ra, đối với các chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ đang chưa được như kỳ vọng, đặc biệt, hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, cần được phân bổ công bằng cho các lĩnh vực kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường. Doanh nghiệp cần nỗ lực tái cấu trúc, phát triển sản phẩm hợp túi tiền, nhu cầu của người dân. Đối với phân khúc nhà ở xã hội, cần có cái nhìn nhận mới, theo hướng là kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia.

Cuối cùng, để các đạo luật vừa được thông qua thực sự đem lại tác động tích cực cho thị trường bất động sản Việt Nam, TS Nguyễn Minh Phong lưu ý, các văn bản hướng dẫn luật phải thật sự “chất lượng”, cụ thể, chi tiết, đảm bảo thuận lợi để các đối tượng tiếp cận và thực hiện theo; các cơ quan chức năng cần hiểu đúng để có thể vận dụng chính xác trong quá trình thực hiện; cần đảm bảo sự công khai, tính minh bạch trong quá trình triển khai; tiếp tục đón nhận các ý kiến phản biện từ các đối tượng để hoàn thiện nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong quá trình thực thi; cần nghiêm minh, nếu phát hiện sai phạm phải xử lý đúng và kịp thời; có chính sách hỗ trợ tốt hơn với phân khúc nhà ở xã hội...

Bất động sản ấm lên, đẩy tín dụng vào đà tăng mạnh

Bất động sản ấm lên, đẩy tín dụng vào đà tăng mạnh

Ngân hàng
(VNF) - Bất động sản đang là kênh đẩy vốn quan trọng nhất của các ngân hàng, là “cứu tinh” cho tăng trưởng tín dụng của nhiều nhà băng. Tín dụng đang tăng lên khi bất động sản (BĐS) ấm dần.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.