Đề xuất doanh nghiệp được tự quyết giá xăng dầu

Minh Anh - 22/11/2024 16:27 (GMT+7)

(VNF) - Ở dự thảo nghị định xăng dầu mới, Bộ Công Thương sẽ trình thêm phương án thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán lẫn nhau và doanh nghiệp được tự quyết giá xăng dầu.

Bộ Công Thương được giao xây dựng nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu hiện nay. Song nhiều đề xuất mới từ dự thảo nghị định không nhận được đồng thuận từ phía bộ ngành, chuyên gia và cả doanh nghiệp.

Đặc biệt là quy định mới "thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau".

Trước băn khoăn của dư luận, ngày 22/11, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã thông tin về những vấn đề đang có những quan điểm khác nhau trong dự thảo nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu trình Thủ tướng Chính phủ.

Vụ Thị trường trong nước cho biết: nhằm giảm tầng nấc trung gian trong khâu phân phối xăng dầu, dự thảo nghị định thiết kế theo hướng "bỏ quy định mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau, loại bỏ số liệu "ảo" về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường".

Điều này sẽ giúp cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tính toán chính xác được lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước để mua từ các nhà sản xuất trong nước, nước ngoài phục vụ cho tiêu thụ trong nước; cơ quan quản lý Nhà nước xác định được chính xác nhu cầu tiêu thụ trong nước để thực hiện phân giao tổng nguồn hàng năm…

Nhưng qua quá trình lấy ý kiến, nhiều thương nhân phân phối cho rằng: bỏ quy định mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau là hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ, là phân biệt đối xử, tạo lợi thế kinh doanh cho các doanh nghiệp có vị thế độc quyền…

Vì thế, các thương nhân phân phối xăng dầu đề nghị tiếp tục quy định thương nhân phân phối xăng dầu được quyền mua bán xăng dầu với nhau như hiện tại. Bởi quy định này sẽ tạo thêm nguồn hàng cung ứng cho các thương nhân phân phối xăng dầu khác và thương nhân bán lẻ trong trường hợp nguồn cung xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu gặp sự cố đột ngột, trong khi lượng xăng dầu của thương nhân phân phối đã mua còn tồn nhiều, ngoài ra còn tạo điều kiện đa dạng hóa hệ thống phân phối, đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường.

Ở dự thảo mới, Bộ Công Thương trình Chính phủ hai phương án: Phương án 1, doanh nghiệp phân phối chỉ được lấy xăng dầu từ đầu mối, không được mua bán chéo của nhau. Phương án 2 giữ như hiện tại, tức là họ được mua bán lẫn nhau.

Tuy nhiên, theo nhà điều hành, việc thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau không tạo ra nguồn cung mới cho thị trường. Bởi việc đảm bảo nguồn cung thuộc về thương nhân đầu mối. Trong khi đó, việc cấm mua bán lẫn nhau không làm mất đi tính cạnh tranh trên thị trường.

Qua các phân tích nêu trên, Vụ Thị trường trong nước khẳng định, điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường là vấn đề lớn. Xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, ảnh hưởng tới an ninh kinh tế, năng lượng. Nhà nước vẫn cần công cụ kiểm soát mặt hàng này. Việc thực hiện giá bán ngay theo cơ chế thị trường cần xem xét kỹ lưỡng và có lộ trình.

Vụ Thị trường trong nước cũng thông tin về cơ chế điều hành giá xăng dầu. Theo đó, dự thảo nghị định mới sẽ đề xuất hai phương án.

Phương án 1: Nhà nước công bố công thức tính, giá sản phẩm xăng dầu thế giới bình quân 7 ngày/lần và chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, các chi phí về thuế, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố đầu vào do Nhà nước công bố tự tính toán và công bố giá bán xăng dầu trên thị trường.

Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường không được vượt quá giá được tính toán theo công thức quy định.

Phương án 2: Nhà nước công bố công thức tính giá, mức giá tham chiếu quốc tế và premium bình quân; không công bố chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức.

Căn cứ công thức tính giá và mức giá tham chiếu nhà nước công bố, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán buôn, giá bán lẻ và thời điểm điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường. Thương nhân kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm làm thủ tục kê khai và công bố giá do mình quyết định theo quy định của pháp luật.

Trường hợp thị trường xăng dầu diễn biến bất ổn, có quyết định bình ổn giá thì thực hiện theo nguyên tắc điều chỉnh giá xăng dầu như quy định tại dự thảo nghị định.

Cơ chế kinh doanh xăng dầu: Cần bỏ tư duy 'không quản được thì cấm'

Cơ chế kinh doanh xăng dầu: Cần bỏ tư duy 'không quản được thì cấm'

Thị trường
(VNF) - Những nội dung mới được đề xuất ở dự thảo nghị định xăng dầu đang được Bộ Công thương lấy ý kiến đang khiến giới doanh nghiệp lo lắng, việc sửa đổi dường như vẫn đang đi theo hướng áp đặt, không quản được thì cấm.
Cùng chuyên mục
Tin khác