Giá xăng dầu: Nói cho doanh nghiệp tự quyết, vẫn cố giữ trần để quản?
(VNF) - Bộ Công thương vừa gửi Bộ tư pháp thẩm định dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu. Một trong những nội dung nội bật trong lần sửa đổi này là “để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu” thay vì nhà nước định giá như hiện nay.
Đầu vào theo thị trường, đầu ra nhà nước quản lý
Cụ thể, theo dự thảo nghị định, doanh nghiệp được quyết định giá xăng dầu nhưng không cao hơn mức trần (quy định tại Điều 34).
Theo đó, giá trần được tính nguyên tắc chi phí cộng gồm chi phí tạo nguồn, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức và thuế. Như vậy, theo cơ chế được đề xuất, cơ quan nhà nước sẽ công bố các chi phí thành phần, rồi doanh nghiệp tự tính ra giá trần, thay vì như hiện nay là cơ quan nhà nước công bố giá trần.
Nói về cơ chế định giá xăng dầu, đại diện một doanh nghiệp xăng dầu cho hay, thị trường xăng dầu vận hành theo hành lang pháp lý: Từ QĐ 187/2003/QĐ-TTg ký ngày 15/9/2003 và NĐ 55/2007/MĐ-CP ký ngày 04/06/2007 trở về trước các doanh nghiệp kinh doanh theo giá nhà nước ấn định và nhà nước thực hiện bù giá (nếu bị lỗ dưới giá nhập).
Tuy nhiên, từ giữa năm 2008 đến nay, nhà nước bỏ cơ chế bù giá cho xăng dầu và NĐ84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009; NĐ 83/2014/NĐ-CP ngày 03/09/2014; NĐ 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 sửa đổi bổ sung NĐ 83; NĐ 80/2023/NĐ-CP ngày 17/11/2023 sửa đổi bổ sung NĐ 95 và NĐ 83 lần lượt được ban hành đề điều chỉnh hành vi hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Đại diện DN này nhận xét: Thực trạng thị trường xăng dầu của Việt Nam hiện nay là: Đầu vào là thị trường xăng dầu cạnh tranh hoàn hảo theo thị trường xăng dầu thế giới, cụ thể giá mua vào là giá platt tại thị trường Châu Á Thái Bình Dương, phương thức mua bán theo incoterm 2020, đồng tiền thanh toán là USD với phương thức UCP600, giao nhận ngoại thương, bảo hiểm P&I Club, phương thức vận tải theo phương thức quốc tế. Tóm lại, tất cả các yếu tố mua xăng dầu về phân phối là theo thị trường quốc tế cạnh tranh hoàn hảo.
Ngược lại thị trường xăng dầu trong nước đầu ra (tiêu thụ trong nước) theo yếu tố do nhà nước quản lý thông qua nghị định, thông tư, là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, là các DN kinh doanh xăng dầu bán buôn, bán lẻ có điều kiện để thoả mãn các điều kiện và cơ sở vận chuyển tại thông tư và nghị định và giá bán theo công thức tính giá cơ sở để xác định, điều hành giá bán lẻ tối đa.Tóm lại, đầu ra của xăng dầu theo hành lang pháp lý do Liên bộ quy định tại nghị định/thông tư.
Thực trạng trên cho thấy sự bất cập giữa hai thị thị trường mua vào và bán ra đối nghịch lẫn nhau. Điều đó rất khó cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ chế quản lý của Nhà nước cho tương ứng với biến động của thị trường thế giới để đảm bảo nguồn cung luôn ổn định và dồi dào, thị trường bán buôn có sự cạnh tranh lẫn nhau giữa các doanh nghiệp đã tham gia ngành, giá bán lẻ tối đa (qui định cứng) theo công thức tính Liên bộ kiểm soát giá để đảm bảo hoài hoà lợi ích 3 nhà: Nhà nước, Người tiêu dùng và Doanh nghiệp tham gia nghành.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay chưa bảo đảm thực hiện theo cơ chế thị trường theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2007 của Bộ Chính trị khóa X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó ghi rõ là: áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng; xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp…
Chỉ thay đổi về hình thức, không thay đổi bản chất
Trọng dự thảo quy định mới, cơ chế giá đã có những điểm đổi mới theo hướng thị trường hơn. Tuy nhiên, điều đó lại đang gây ra những bất cập khiến các thương nhân xăng dầu lo lắng trao quyền quá lớn cho một số đầu mối xăng dầu chiếm thị phần lớn. Điều này chẳng khác nào đang từ tay nhà nước điều tiết, vô hình chung trao quyền cho 1 nhóm DN tạo luật chơi mới trên thị trường.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, cơ chế này chỉ thay đổi về hình thức, chứ không thay đổi về bản chất việc quản lý giá xăng dầu.
Theo đó, công thức tính giá và các chi phí thành phần cũng không có sự thay đổi đáng kể so với hiện hành. Nếu thực hiện theo cơ chế này, giá trần sẽ rất sát với giá thành toàn bộ của việc cung ứng xăng dầu. Vì thế đại đa số doanh nghiệp vẫn sẽ phải bán theo giá trần, chứ khó có khả năng bán với giá thấp hơn để cạnh tranh với doanh nghiệp khác. Như vậy, cơ chế mới này không có khác biệt trên thực tế so với hiện hành.
Trong khi đó, dự thảo bổ sung quy định doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục kê khai giá bán xăng dầu với cơ quan nhà nước. Theo phân tích trên, trong trường hợp đại đa số các doanh nghiệp bán xăng dầu với giá trần, thủ tục kê khai giá này không mang lại ý nghĩa quản lý. Nhiều doanh nghiệp lo ngại cơ chế này sẽ tăng thêm thủ tục hành chính không cần thiết cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Mỗi doanh nghiệp sẽ phải kê khai giá từng tuần khi cơ quan nhà nước công bố chi phí tạo nguồn mới, dẫn đến số lượt làm thủ tục rất lớn.
Chính vì thế, các DN đề xuất cơ quan soạn thảo cân nhắc theo hai phương án.
Thứ nhất, cho phép doanh nghiệp tự quyết định giá bán (không có giá trần), đi kèm với các quy định về công khai, minh bạch giá để người tiêu dùng lựa chọn như: niêm yết giá ở vị trí cao, to rộng, rõ ràng để người đi đường có thể nhìn rõ mà chưa cần phải chuyển hướng rẽ vào cây xăng; kê khai giá trên một cổng thông tin chung và được công khai ngay lập tức để người tiêu dùng có thể so sánh giá giữa các cây xăng một cách trực tuyến.
Thêm vào đó, cơ quan nhà nước theo dõi diễn biến thị trường thường xuyên để phát hiện các trường hợp vi phạm Luật Cạnh tranh như lạm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh (giá bán cao bất hợp lý, Điều 27 Luật Cạnh tranh) hoặc thoả thuận hạn chế cạnh tranh (bắt tay làm giá, Điều 11 Luật Cạnh tranh).
Thứ 2, bỏ thủ tục kê khai giá, hoặc miễn thủ tục này khi doanh nghiệp bán hàng đúng bằng giá trần theo quy định tại Điều 34 của Nghị định này.
Bộ Công thương muốn bỏ quỹ bình ổn, DN tự quyết giá xăng dầu
- ‘DN tự quyết giá xăng dầu nhưng không cao hơn giá công thức quy định’ 29/03/2024 10:18
- Đề xuất để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu 15 ngày/lần 28/03/2024 10:29
- Năm trả giá của các đại gia xăng dầu 09/02/2024 04:23
Cảnh đìu hiu ở Chợ trung tâm Móng Cái chuyên bán hàng Trung Quốc
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone