Đề xuất phạt tới 500 triệu nếu ngân hàng gắn bảo hiểm không bắt buộc với khoản vay
(VNF) - Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 400-500 triệu đồng với vi phạm về gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có tờ trình Chính phủ về việc ban hành nghị định thay thế Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
NHNN cho biết, Nghị định số 88/2019/NĐ-CP được nghiên cứu, xây dựng căn cứ Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD) ngày 16/6/2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD ngày 20/11/2017, Luật Phòng, chống rửa tiền ngày 18/6/2012. Song những văn bản này đã được thay thế. Do vậy, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định cho phù hợp với các quy định hiện hành.
Dự thảo Nghị định bổ sung nhiều chế tài xử phạt, tăng mức phạt vi phạm hành chính. Trong đó, mức xử phạt nặng nhất có thể lên đến 500 triệu đồng.
Cụ thể, Điều 7 Dự thảo Nghị định quy định phạt tiền từ 400-500 triệu đồng đối với một trong ba hành vi vi phạm sau đây:
Thứ nhất, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thứ hai, thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng.
Thứ ba, vi phạm quy định về gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.
Thứ 4, vi phạm quy định về sử dụng từ ngữ liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, Điều 47 Dự thảo Nghị định quy định phạt tiền từ 150- 200 triệu đồng đối với hành vi không xây dựng quy trình quản lý rủi ro, không phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro hoặc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro không đúng quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Phòng, chống khủng bố và pháp luật về phòng, chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (căn cứ quy định tại Điều 16 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, Điều 4 Thông tư 09/2023/TT-NHNN ngày 28/7/2023 hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền 2022).
Điều 48 Dự thảo Nghị định quy định phạt tiền từ 150-200 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định liên quan đến khách hàng là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền (căn cứ Điều 17 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022).
Khoản 1 Điều 49 Dự thảo Nghị định quy định phạt tiền từ 150-200 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định liên quan đến ngân hàng đại lý khi thiết lập quan hệ với ngân hàng đối tác để cung cấp sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, thanh toán và các dịch vụ khác cho ngân hàng đối tác theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định liên quan đến trách nhiệm của đối tượng báo cáo khi cung cấp sản phẩm, dịch vụ mới, sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền.
Ngoài ra, Khoản 2 Điều 49 dự thảo Nghị định quy định phạt tiền từ 200-300 triệu đồng đối với hành vi không giám sát một số giao dịch đặc biệt theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền (căn cứ Điều 18, 19, 20 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022).
Vay vốn vẫn bị ép mua bảo hiểm, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng
- Người gửi tiền có cần nộp phí bảo hiểm tiền gửi? 10/11/2024 08:30
- Bancassurance: Ngân hàng và bảo hiểm, đến lúc 'ai về nhà nấy'? 15/10/2024 03:00
- Ngân hàng giở chiêu: 'Bảo hiểm hóa' phí bôi trơn, người vay nghẹn lòng chấp nhận 25/11/2023 12:54
Toàn cảnh Sân vận động Chi Lăng đang thế chấp ngân hàng vay nghìn tỷ
(VNF) - Đà Nẵng sẽ điều chỉnh sân vận động Chi Lăng từ đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ và đấu giá toàn bộ dự án để thi hành án.