Mới đây, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, Bộ Công Thương vừa xây dựng xong dự thảo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 – 2030, đưa ra lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, dự kiến sẽ trình Chính phủ vào tháng 11/2024.
Dự thảo kế hoạch đề xuất nhiều mục tiêu như: 70% dân số mua sắm trực tuyến đạt; 70% doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử (khoảng 500.000 doanh nghiệp); 100% giao dịch có hóa đơn điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt đạt 80%; 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử; 1 triệu lượt học viên tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử...
Trong đó, có nhiều mục tiêu khá khó như: chi phí trung bình cho giao hàng chặng cuối chiếm khoảng 8 – 15% doanh thu; các địa phương ngoài Hà Nội, TP. HCM chiếm 60% giao dịch điện tử B2C,…
Ông Hoàng Ninh, Trưởng phòng Chính phủ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) chỉ ra nhiều tồn tại, thách thức trong việc phát triển thương mại điện tử trong nước như: thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu sự đồng bộ trong quá trình triển khai các chính sách, hạ tầng công nghệ chưa đồng đều, khó khăn trong quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới và đặc biệt là vấn đề niềm tin của người tiêu dùng vào bảo mật thông tin.
Đóng góp ý kiến về phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử xuyên biên giới, ông Trịnh Khắc Toàn - Giám đốc khu vực miền Bắc của Amazon Global Selling cho biết, doanh nghiệp này đang phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đào tạo khoảng 10.000 nhân lực cho các doanh nghiệp về TMĐT xuyên biên giới trong vòng 5 năm. Đồng thời, cung cấp các giải pháp để doanh nghiệp có thể đăng ký và bảo hộ được thương hiệu cũng như có những công cụ giúp doanh nghiệp phát triển thương hiệu ngay trên nền tảng này.
Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đặt mục tiêu tới năm 2025: 55% dân số mua sắm trực tuyến; doanh số thương mại điện tử B2C đạt 35 tỷ USD; thanh toán không dùng tiền mặt đạt 50%...
Dự kiến tới năm 2025 sẽ đạt được những kết quả đáng chú ý: 61% dân số mua sắm trực tuyến (cao hơn mục tiêu đề ra – 55%); giá trị mua hàng hóa, dịch vụ trực tuyến trung bình 475 USD/người/năm (thấp hơn so với mục tiêu – 600 USD/người/năm); doanh thu thương mại điện tử đạt 10% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước…