'Đã đến lúc nâng tầm chất lượng tư vấn bảo hiểm nhân thọ'
(VNF) - Theo TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch VFCA, nguyên nhân chính cho sự thăng trầm của thị trường bảo hiểm nhân thọ năm 2023-2024 chính là niềm tin bị đánh tráo bởi cả người bán lẫn người mua và người thụ hưởng.
Tại diễn đàn "Hoạch định tài chính cá nhân 2024 – Giải pháp nâng cao chất lượng nhân sự của ngành bảo hiểm nhân thọ", các chuyên gia đã chia sẻ về tầm quan trọng của bảo hiểm nhân thọ, cơ hội, thách thức cũng như giải pháp tháo gỡ cho sản phẩm tài chính này một hậu khủng hoảng niềm tin.
Phát biểu tại sự kiện, TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), cho biết qua nhiều năm hình thành và xây dựng, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã từng bước phát triển, dần thay đổi nhận thức của người dân, các tổ chức đơn vị kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước.
Đến nay, tỷ lệ dân số Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ ngày càng tăng; các hãng bảo hiểm hàng đầu quốc tế đều đã có mặt tại Việt Nam, mạng lưới hoạt động của nhiều tập đoàn bảo hiểm đã phủ khắp 63 tỉnh, thành phố, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ ngày càng đa dạng và phong phú, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của khách hàng, tạo số lượng việc làm lớn cho người lao động, nộp thuế cho ngân sách nhà nước không ngừng tăng lên.
Với dân số trên 100 triệu người, TS Lê Minh Nghĩa cho biết kinh tế Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh suốt hơn 1 thập kỷ vừa qua, thu nhập bình quân đầu người tăng, tỷ lệ tầng lớp trung lưu trở lên trong tổng dân số cũng tăng khá nhanh, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh những năm tới.
“Mặc dù lợi ích của bảo hiểm nhân thọ mang lại cho mỗi cá nhân, gia đình người dân, quốc gia lớn và đã được khẳng định, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đang dần trở thành sản phẩm tài chính thiết yếu của mỗi cá nhân sau cái đói, cái rét, cái thất học, nhưng tại sao ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn không thể phát triển, bứt tốc đúng với tiềm năng?”, Chủ tịch VFCA nói.
Theo ông, có nhiều nguyên nhân để lý giải vấn đề này. Trong đó, nguyên nhân chính cho sự thăng trầm của thị trường bảo hiểm nhân thọ năm 2023-2024 chính là niềm tin bị đánh tráo bởi cả người bán lẫn người mua và người thụ hưởng.
Chính các hãng bảo hiểm cũng nhận định thị trường hiện nay là giai đoạn: ‘Bán hàng phải đi cùng tư vấn tài chính chuẩn’, tức là người bán (nhà tư vấn bảo hiểm nhân thọ) buộc phải nâng cao tính chuyên nghiệp, nâng tầm hiểu biết về hoạch định tài chính cá nhân, tư vấn cho khách hàng lựa chọn giải pháp/sản phẩm phù hợp nhất với bức tranh tài chính toàn diện của khách hàng.
Theo TS Lê Minh Nghĩa, điều này thuộc trách nhiệm của 4 bên: cơ quan quản lý Nhà nước, các hãng bảo hiểm, người hành nghề tư vấn bảo hiểm nhân thọ và dân trí tài chính. Để khơi thông dòng chảy cho các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của các hãng bảo hiểm đến được với cá nhân thụ hưởng, thúc đẩy xã hội phát triển văn minh và bền vững, Chủ tịch VFCA cho rằng đã đến lúc câu chuyện nâng tầm chất lượng tư vấn bảo hiểm nhân thọ đến đúng chuẩn cho khách hàng cần phải được thảo luận và tìm giải pháp tháo gỡ một cách căn cơ và đồng bộ.
Tại sự kiện, đại diện cho cơ quan quản lý, ông Đào Trung Kiên, Phó viện trưởng Viện phát triển bảo hiểm Việt Nam (Cục quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính), cho biết từ góc độ của cơ quan quản lý, giám sát, việc áp dụng hoạch định tài chính cá nhân mang lại nhiều lợi ích trong việc cải thiện năng lực của các tư vấn viên bảo hiểm và đại lý bảo hiểm, cũng là một trong những giải pháp hiệu quả cho thực trạng hiện tại của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.
Theo đó, các tư vấn viên không chỉ cần nâng cao kiến thức chuyên môn về bảo hiểm mà còn cần mở rộng hiểu biết toàn diện về đầu tư, tín dụng, thuế và hưu trí để đưa ra những tư vấn chính xác, phù hợp với tình hình tài chính và nhu cầu thực tế của khách hàng, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường niềm tin của khách hàng vào sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
“Để đảm bảo một thị trường kinh doanh bảo hiểm phát triển lành mạnh, minh bạch và hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan, từ đó góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế”, ông Đào Trung Kiên cho biết.
Theo ông Kiên, Bộ Tài chính đang tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật để răn đe, tăng tính tuân thủ của các doanh nghiệp; thiết lập đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về lĩnh vực bảo hiểm.
Mặt khác, Bộ Tài chính cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc giám sát hoạt động các đại lý bảo hiểm, đặc biệt các đại lý bảo hiểm là các ngân hàng để đảm bảo kênh phân phối này phát triển lành mạnh, đúng hướng, trong đó có ký kết quy chế phối hợp công tác giữa Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm) và Ngân hàng Nhà nước.
Từng bước phục hồi ngành bảo hiểm nhân thọ
Tầm quan trọng của hoạch định tài chính cá nhân cho người hành nghề tư vấn bảo hiểm
Thiếu thông tin, người dân dễ hiểu lầm về bảo hiểm
- Bảo hiểm nhân thọ FWD khẳng định không liên quan công ty bà Trương Mỹ Lan 11/06/2024 07:15
- 82% phần vốn góp tại Bảo hiểm FWD Việt Nam bị kê biên trong vụ Vạn Thịnh Phát 10/06/2024 06:50
- Vốn ngoại đổ vào DN bảo hiểm: 20 năm mòn mỏi và ‘người đến, kẻ đi’ 10/06/2024 08:00
- Vốn ngoại vào DN bảo hiểm phi nhân thọ: Hai mảng màu trên thị trường 2,8 tỷ USD 07/06/2024 09:30
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.