Vốn ngoại đổ vào DN bảo hiểm: 20 năm mòn mỏi và ‘người đến, kẻ đi’

Xuân Thạch - 10/06/2024 08:00 (GMT+7)

(VNF) - Kỳ vọng thị trường nhiều tiềm năng phát triển, từ đầu những năm 2000, các nhà đầu tư ngoại đã “dòm ngó” DN bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, bên cạnh những trường hợp thất bại “người đến, kẻ đi”, vẫn còn những ông lớn mòn mỏi chờ đợi nhưng những ví dụ thành công vẫn còn quá ít

Hơn 20 năm: Đến rồi đi trong thất bại

Nhà đầu tư ngoại được xem là đầu tiên đặt chân vào thị trường bảo hiểm Việt Nam vào năm 2001, được cấp phép vào năm 2005, Công ty TNHH Bảo hiểm Tổng hợp Groupama Việt Nam với sự hậu thuẫn từ Groupama Assurances Mutuelles - một tập đoàn bảo hiểm danh tiếng của Pháp có định hướng là phát triển DN bảo hiểm phi nhân thọ có vị trí vững chắc và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Đây là DN sở hữu thương hiệu lớn, có uy tín trên phạm vi toàn cầu. Điều này đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Việc là chi nhánh 100% vốn của Groupama S.A giúp cho công ty có khả năng huy động các nguồn lực từ công ty mẹ khi cần thiết cũng như sở hữu kinh nghiệm về quản lý, điều hành.

Tuy nhiên, đến tháng 09/2022, Bộ Tài chính vừa có công văn chấp thuận cho Tasco được nhận chuyển nhượng 100% phần vốn góp của Công ty TNHH Bảo hiểm Tổng hợp Groupama Việt Nam. Việc này đánh dấu sau gần 20 năm hiện diện, Groupama chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam mà không để lại dấu ấn nào.

Tương tự, vào tháng 5/2012, Tập đoàn bảo hiểm hàng đầu của Úc IAG đã hoàn tất việc mua 30% cổ phần của Công ty cổ phần bảo hiểm AAA. Khi ấy, Giám đốc điều hành của IAG, ông Mike Wilkins cho biết, khoản đầu tư này có giá trị tương đương 16 triệu USD – đánh dấu một bước đi của IAG trong chiến lược tăng cường sự hiện diện tại châu Á.

Chưa đầy 1 năm sau, chính tập đoàn này đã tăng tỉ lệ cổ phần nắm giữ tại Bảo hiểm AAA lên 60,9%, sau khi mua lại toàn bộ số cổ phần của bà Đỗ Thị Kim Liên – người sáng lập ra thương hiệu bảo hiểm AAA.

Sau gần 10 năm nắm giữ, đến cuối 2021 Bộ Tài chính phê duyệt cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital và BCG Financial mua lại 80,64% cổ phần của IAG, thay thế IAG trở thành cổ đông lớn nhất của AAA. Và đầy có thể xem là một thương vụ không mấy thánh công của AIG.

Shark Liên chính là nhà sáng lập thương hiệu Bảo hiểm AAA

Trước đó, năm 2011, Tập đoàn Bảo hiểm ERGO (Đức) đã mua 10 triệu cổ phần và trở thành đối tác chiến lược của Công ty Bảo hiểm Toàn cầu (GIC), sở hữu 25% cổ phần. Thời điểm đó, ông Hồ Nam Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị GIC, nói rằng thỏa thuận hợp tác này sẽ giúp nâng cao vị trí của GIC trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, thông qua việc nhận chuyển giao các kỹ thuật và nghiệp vụ bảo hiểm từ đối tác chiến lược mới.

Trái ngược với những kỳ vọng của ERGO, sau hơn 10 năm tham gia rót vốn vào GIC, nhà đầu tư này không thể hiện được nhiều vai trò, GIC vẫn chiếm một thị phần khá nhỏ trong thị trường phi nhân thọ. Cụ thể 4 năm gần nhất, thị phần 2019 là 2,6% nhưng đến cuối 2023, con số này giảm chỉ còn 2,2%.

Cũng tương tự ERGO, AFC Vietnam Fund (AFC VF Limited) quỹ đầu tư đến từ Cayman Islands là cổ đông vốn ngoại của Bảo hiểm nông nghiệp ABIC hơn 10 năm nay, từ tháng 12/2013. Trong suốt thời gian này, giá cổ phiếu của ABI đã tăng hơn 12 lần và giúp quỹ thắng đậm.

Tuy vậy, AFC VF Limited ,sau rất nhiều năm có cổ đông ngoại, công ty bảo hiểm này vẫn nằm ở nhóm cuối, thậm chí thị phần từ 2019 đến nay còn có xu hướng giảm từ 3,3% xuống còn 2,8%.

Có thể thấy, một điểm chung của các thương vụ nêu trên là nhà đầu tư ngoại gia nhập từ khá sớm, tiềm lực tài chính mạnh mẽ từ tập đoàn mẹ, có kinh nghiệm hàng trăm năm trên thế giới, thị trường Việt Nam rất tiềm năng… nhưng sau nhiều năm kinh doanh tại Việt Nam, đa số đều phải có lựa chọn mới không vui vẻ đó là: rút khỏi thị trường hoặc chấp nhận mòn mỏi chờ thêm cơ hội mới. Những trường hợp may mắn cũng không thể hiện được nhiều trong vai trò chiến lược nhưng đổi lại chấp nhân ‘’nằm im” hưởng lợi khi chấp nhận xu hướng 'khoản đầu tư tài chính'.

Chờ đợi nhưng khó có đột biến

Trao đổi với VietnamFinance, Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán, có 20 năm trong lĩnh vực Tài chính – Bảo hiểm cho biết, các DN nước ngoài khó “thành công” với thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, phải tìm kiếm cơ hội mới ở các công ty khác hoặc rút khỏi thị trường.

Một trong những nguyên nhân được chuyên gia chỉ ra là sự khác biệt về ‘văn hoá’ kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ tại Viêt Nam

“Do đó, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài không thể học theo cách kinh doanh rất đặc thù này của một số doanh nghiệp tại Việt Nam”, ông Đán cho biết thêm.

Còn theo TS. Lê Bá Chí Nhân, yếu tố đang cản trở sự đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường bảo hiểm phi nhân thọ là khung pháp lý.

Theo đó, dù Luật Kinh doanh Bảo hiểm đã được sửa đổi và thông qua vào năm 2022, có hiệu lực vào năm 2023 nhưng sau khi ban hành 1-2 năm, diễn biến thị trường trên thế giới đã thay đổi và Việt Nam cần tiếp tục sửa luật để bắt kịp với nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ghi nhận của VietnamFinance, ngoài những nhà đầu tư rút khỏi thị trường Việt Nam như IAG, Groupama, ERGO… vẫn có những doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, dù đã đầu tư cả thập kỷ ở Viêt Nam nhưng vẫn chưa thành công và đang loay hoay tìm kiếm các cơ hội mới.

Điển hình như ông lớn bảo hiểm của Hàn Quốc DB Insurance, sau khi chọn PTI tại thị trường Việt Nam là đối tác chiến lược với việc sở hữu gần 37% cổ phần vào năm 2015. Bất giờ đến 2023, DB lại tiến hành mua lại 75% vốn điều lệ của 2 công ty bảo hiểm khác là Tổng Công ty bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) và Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không (VNI).

Hành động này được cho là gây ra sự quan ngại đối với ban lãnh đạo và cổ đông của bảo hiểm PTI. Cụ thể, giữa năm 2023 tại ĐHCĐ, Chủ tịch HĐQT PTI Phạm Minh Hương cho biết rất ngạc nhiên với chiến lược kinh doanh của cổ đông Hàn Quốc.

“Khi mời DB vào thì chúng tôi kỳ vọng rất nhiều, là một cổ đông sở hữu 37% sẽ tham gia và xây dựng được năng lực kinh doanh cho PTI. Rất là đáng tiếc những điều DB nói trong 8 năm vừa qua chúng ta chưa làm tý nào”, bà Phạm Minh Hương phát biểu trước cổ đông.

DB Insurance được cho là đang loay hoay tìm kiếm những cơ hội mới tại thị trường Bảo hiểm Phi nhân thọ Việt Nam

Theo các chuyên gia đầu tư nhận định, sau quãng thời gian đầu tư, rót vốn vào thị trường Việt Nam với rất nhiều kỳ vọng, tuy nhiên kết quả nhận được lại rất trái ngược. Không chỉ ở các doanh nghiệp nhóm cuối như ABIC, GIC, AAA mà các doanh nghiệp nhóm giữa như BIC, PJIC... vẫn còn rất xa so với mong đợi của những ngày dầu 'kết hôn'. Thậm chí, có nhiều các nhà đầu tư ngoại còn đang bị “thua” trên cả 2 phương hiện là bài toàn đầu tư tài chính và chiến lược mở rộng thị trường, thương hiệu toàn cầu của tập đoàn mẹ.

“Thị trường Việt Nam tiềm năng, nhưng không dễ như các nhà đầu tư đánh giá bởi những nguyên nhân chủ yếu đến từ yếu tố về văn hoá và con người. Việc các nhà đầu tư phải làm bây giờ sẽ có 2 lựa chọn, một tiếp tục rót vốn để có thể gia tăng thị phần, tham gia vào việc vận hành, quản trị để cạnh tranh với nhóm dẫn đầu, hai là bán lại cổ phần cho các doanh nghiệp khác để tìm kiếm cơ hội mới. Tương lai của các thương vụ đầu tư này xem ra vẫn còn rất thách thức, nếu như không có cách làm mới”, một vị chuyên gia đầu tư tài chính nhận định.

  Vốn ngoại vào DN bảo hiểm phi nhân thọ: Hai mảng màu trên thị trường 2,8 tỷ USD

Vốn ngoại vào DN bảo hiểm phi nhân thọ: Hai mảng màu trên thị trường 2,8 tỷ USD

Tài chính
(VNF) - Bảo hiểm phi nhân thọ được đánh giá là thị trường tiềm năng với quy mô hiện khoảng 2,8 tỷ USD, dự báo đến 2030 đạt gấp 10 lần, với độ thâm nhập thị trường ở mức 1% GDP. Chính vì thế, thị trường này nhận nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại. Các DN nước ngoài tìm đến đầu tư vào các DN bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam khá sớm và đông đảo. Tuy nhiên, câu chuyện thành công lại không phải là phổ biến.
Cùng chuyên mục
Tin khác