Tài chính

ĐHCĐ Hòa Phát: Xem xét niêm yết tại Singapore hoặc Hong Kong trong tương lai

(VNF) - ĐHCĐ thường niên năm 2022 của Công ty Cổ phần Hoà Phát (HoSE: HPG) diễn ra sáng nay (24/5) đã thông qua tất cả tờ trình với nhiều nội dung quan trọng như kế hoạch kinh doanh, cổ tức…

ĐHCĐ Hòa Phát: Xem xét niêm yết tại Singapore hoặc Hong Kong trong tương lai

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hoà Phát

Cổ đông của Hoà Phát đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu tăng trưởng gần 7% so với mức thực hiện năm 2021, dự kiến đạt 160.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt hoảng 25.000 - 30.000 tỷ đồng, giảm tương ứng 13 - 28% so với năm 2021.

Kế hoạch lợi nhuận đi lùi được ban lãnh đạo Hoà Phát lý giải do sự khó khăn của ngành thép, sẽ được thể hiện rõ bằng kết quả kinh doanh quý II, quý II và cả năm.

Theo Chủ tịch Hoà Phát Trần Đình Long, sản lượng của tập đoàn chỉ có thể tăng khoảng 3% do các nhà máy đã đến mức giới hạn và phải đợi nhà máy Dung Quất 2 đi vào hoạt động để tăng sản lượng sản xuất.

Với việc đi vào hoạt động cả nhà máy Dung Quất 2 và Dung Quất 3, tổng công suất của Hoà Phát sẽ được nâng lên mức ngang với nhu cầu tiêu thụ thép hiện tại của Việt Nam.

Hiện sản lượng xuất khẩu thép của Hoà Phát đang chiếm 30% tổng sản lượng và dự kiến đưa về mức 10-15% để tránh phụ thuộc vào bên ngoài.

Đại hội của Hoà Phát cũng thông qua tỷ lệ cổ tức 35%, trong đó 5% bằng tiền mặt, 30% bằng cổ phiếu. Dù lượng tiền mặt của tập đoàn được duy trì ở mức cao (hơn 40.000 tỷ đồng), ban lãnh đạo Hoà Phát cho biết tập đoàn cần nhiều vốn để đầu tư cho các dự án.

Hoà Phát hiện đang đầu tư khoảng 63.000 tỷ đồng vào các công ty con và cần khoảng 75.000 tỷ đồng để đầu tư vào Dung Quất. Ban lãnh đạo tập đoàn cho biết có thể phải tăng vay nợ sau khi chia cổ tức bằng tiền mặt.

Về mảng bất động sản, Hoà Phát cho biết tham vọng của tập đoàn là lọt top 3 doanh nghiệp bất động sản lớn nhất thị trường. Thay vì đi theo cách làm mua đất, mua dự án như trước đây, chiến lược của Hoà Phát đi về các địa phương và xin tham gia đấu thầu các chương trình phát triển đô thị, sau đó là phát triển dự án.

Dự án khu đô thị Hoà Phát ở Phố Nối (Hưng Yên) bị chậm tiến độ do chưa giải quyết xong thủ tục pháp lý và cần thêm thời gian để hoàn thành.

Về mảng điên máy gia dụng, Hoà Phát đã tăng vốn cho doanh nghiệp mảng này và dự kiến sẽ dần thay thế các sản phẩm của quốc gia khác. Doanh thu mục tiêu của công ty điện máy thương hiệu Hoà Phát là 1 tỷ USD, nhưng sẽ phát triển thận trọng.

Với các câu hỏi về nhà máy container, ban lãnh đạo Hoà Phát cho biết nhà máy đã chậm tiến độ 4 tháng và sẽ tiến hành lắp máy vào ngày 1/6 tới đây. Các sản phẩm đầu tiên của nhà máy dự kiến ra mắt vào tháng 11/2022 và chạy toàn bộ công suất trong năm 2023.

Theo các cổ đông, Hoà Phát sẽ trở thành công ty quốc tế trong tương lai và đặt câu hỏi về việc niêm yết thị trường quốc tế. Ban lãnh đạo tập đoàn tiết lộ tại đại hội sẽ xem xét việc niêm yết tại Singgapore hoặc Hong Kong trong tương lai. 

Về vấn đề nhân sự, Hoà Phát mới đây đã bị phạt 125 triệu đồng vì không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên HĐQT độc lập.

Theo quy định, số lượng thành viên HĐQT độc lập của công ty niêm yết phải đảm bảo quy định có tối thiểu 2 thành viên độc lập trong trường hợp công ty có số thành viên HĐQT từ 6 đến 8 thành viên.

Tính đến cuối quý I/2022, HĐQT của Hòa Phát có tổng cộng 7 thành viên. Trong đó chủ tịch là ông Trần Đình Long, 3 phó chủ tịch là ông Trần Tuấn Dương, ông Nguyễn Mạnh Tuấn và ông Doãn Gia Cường, 2 thành viên là ông Hoàng Quang Việt và ông Nguyễn Việt Thắng.

Ban lãnh đạo công ty cho biết vẫn đang xem xét các ứng cử viên để bầu bổ sung vào ĐHCĐ năm sau.

Tin mới lên