'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Ngày 12/5, GEX đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Đại hội đã thông qua tất cả tờ trình của HĐQT.
Báo cáo đại hội, HĐQT GEX cho biết năm 2021, tập đoàn đã đạt được bước tiến quan trọng về tái cấu trúc.
Theo đó, toàn bộ cổ phiếu VGC của Viglacera do Gelex và Gelex Electric nắm giữ được chuyển sang cho Gelex Hạ tầng. Trong khi đó, một số công ty phát điện từ Gelex Hạ tầng được chuyển sang Gelex Electric.
Gelex Electric hoàn tất tăng vốn điều lệ công ty, trong đó thu hút một số cổ đông chiến lược có gắn bó lợi ích lâu dài.
Như vậy sau tái cấu trúc, Gelex sở hữu hai Sub-holdings là Gelex Electric (vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng) chuyên về sản xuất công nghiệp (chủ yếu là công nghiệp điện) và Gelex Hạ tầng (vốn điều lệ 7.900 tỷ đồng) chuyên đầu tư, kinh doanh mảng hạ tầng (khu công nghiệp, bất động sản thương mại, điện, nước sạch).
Các Sub-holdings cũng được định hướng đại chúng hóa: Gelex Electric hoàn tất đăng kí công ty đại chúng vào tháng 12/2021, đăng kí giao dịch trên UPCoM và có phiên giao dịch đầu tiên ngày 8/3/2022; Gelex Hạ tầng dự kiến đại chúng hóa và tiến hành niêm yết hoặc đăng kí giao dịch UPCoM trong năm 2022 trên cơ sở Gelex vẫn giữ tỷ lệ chi phối.
Báo cáo của ban tổng giám đốc cho biết việc hợp nhất Viglacera đã đóng góp quan trọng vào kết quả sản xuất kinh doanh của Gelex. Theo đó, năm 2021, Gelex đạt doanh thu thuần hợp nhất 28.578 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch và tăng 59% so với năm trước; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.057 tỷ đồng, vượt 60% kế hoạch, tăng 72% so với năm trước.
Xét từng lĩnh vực, mảng sản xuất công nghiệp, đứng đầu là Gelex Electric, quản lý phần: thiết bị điện và nguồn phát điện. Về thiết bị điện, năm 2021 ghi nhận doanh thu 18.539 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước. Nguồn phát điện tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận so với năm trước và kế hoạch, đóng góp 608 tỷ đồng cho doanh thu hệ thống, tăng 67% so với năm 2020.
Mảng hạ tầng, đứng đầu là Hạ tầng Gelex, quản lý các đơn vị thành viên hoạt động trong: bất động sản, công nghiệp năng lượng, vật liệu xây dựng, cơ sở hạ tầng nước. Quý II/20221, Gelex sở hữu VGC, qua đó nâng tỷ trọng đóng góp của mảng hạ tầng vào kết quả chung. Cụ thể, bán và cho thuê bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp đóng góp 2.937 tỷ đồng, vật liệu xây dựng đóng góp 5.806 tỷ đồng vào doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn. Nước sạch đóng góp 525 tỷ đồng vào doanh thu hợp nhất, suy giảm nhẹ do ảnh hưởng Covid-19.
Về hoạt động đầu tư, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Gelex hoàn thành cơ bản đầu tư dự án nhà máy sản xuất máy biến áp phân phối tại khu công nghiệp Long Đức của THIBIDI, nhà máy sản xuất dây đồng tại Công ty Dây đồng Việt Nam CFT, dự án tòa nhà trụ sở CADIVI, góp thêm vốn vào Gelex Electric 183 tỷ đồng, CFT 190 tỷ đồng…
Trong lĩnh vực hạ tầng, Gelex hoàn thành đầu tư cụm 5 dự án điện gió tại Hướng Hóa, Quảng Trị; trong lĩnh vực nước sạch là tiếp tục triển khai dự án nước sông Đà giai đoạn II; trong lĩnh vực bất động sản là đã khởi công, thi công theo tiến độ dự án tại số 10 Trần Nguyên Hãn và 27 – 29 Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội); trong lĩnh vực vật liệu xây dựng là mua lại nhà máy Bạch Mã, đầu tư bổ sung cho dự án nhà máy Viglacera Eurotile…
Năm 2022, Gelex đặt mục tiêu tổng doanh thu thuần hợp nhất là 36.000 tỷ đồng, lãi trước thuế hợp nhất 2.618 tỷ đồng.
Tập đoàn xác định phát triển có chọn lọc, giải ngân đầu tư theo từng giai đoạn để phát triển dự án trong danh mục các dự án chuẩn bị đầu tư như: cụm điện gió ngoài khơi Vĩnh Hải (800MW), điện gió Gia Lai (100MW), điện gió Đak-Lak (200MW), điện mặt trời trang trại Bình Phước 1,2 (480MW), LNG Long Sơn và các dự án tiềm năng khác.
Năm 2022, tập đoàn cũng dự kiến tìm kiếm các cơ hội M&A dự án năng lượng tái tạo, đồng thời tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án năng lượng sạch khác như thủy điện, điện sinh khối, phù hợp với định hướng kinh doanh.
Với mảng nước sạch, tập đoàn tiếp tục triển khai đầu tư các hạng mục còn lại giai đoạn 2 nhà máy nước sông Đà lên 600.000m3/ngày đêm, mục tiêu hoàn thành, đưa vào sử dụng vào quý IV/2024.
Với mảng bất động sản khu công nghiệp, Gelex tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật/dịch vụ tại các khu công nghiệp đang triển khai; khởi công, đầu tư khu công nghiệp mới; triển khai các công việc chuẩn bị đầu tư gần 1.900ha các khu công nghiệp mới; khảo sát, nghiên cứu một số địa điểm để phát triển khoảng 4.300ha khu công nghiệp/tổ hợp khu công nghiệp-dịch vụ-đô thị mới tại các địa phương có lợi thế về hạ tầng, thu hút d đầu tư và kinh doanh.
Với mảng bất động sản thương mại, tập đoàn sẽ hoàn thiện thủ tục pháp lí, nghiên cứu phương án chuyển đổi công năng một số khu đất hiện có; phát triển nhà ở xã hội, bất động sản thương mại cho người thu nhập thấp, các khu đô thị, khu dịch vụ - đô thị và nhà ở xã hội; tìm kiếm quỹ đất mới.
Với mảng vật liệu xây dựng, tập đoàn tiếp tục triển khai các bước thoái vốn tại một số đơn vị không hiệu quả (gạch ngói đất sét nung).
Về M&A, tập đoàn sẽ tiến hành niêm yết hoặc đăng kí giao dịch đối với cổ phần tại Gelex Hạ tầng và tăng vốn, đăng kí niêm yết đối với cổ phần Gelex Electric khi cần thiết trên cơ sở Gelex vẫn nắm giữ tỷ lệ chi phối.
Về nhân sự, ĐHĐCĐ Gelex đã đồng thuận miễn nhiệm thành viên HĐQT Võ Anh Linh và bầu ông Lê Bá Thọ thay thế.
Thảo luận
Gần đây báo chí đăng thông tin nợ Gelex tăng mạnh, công ty giải thích tại sao và cho biết chi tiết?
Về con số tuyệt đối, giá trị nợ tăng, cụ thể tại 31/12/2020, nợ khoảng 19.000 tỷ đồng, tại 31/12/2021 là 41.000 tỷ đồng, tăng khoảng 22.000 tỷ đồng, do một số nguyên nhân như: hợp nhất VGC, giá trị nợ hợp nhất vào hệ thống khoảng 13.000 tỷ đồng; hoàn thành 2 dự án điện gió tại Quảng Trị với tổng mức đầu tư trước thuế khoảng trên 5.000 tỷ đồng, trong đó giá trị nợ khoảng 3.200 tỷ đồng – là khoản vay huy động từ ngân hàng LBBW của Đức và ngân hàng BIDV.
Ngoài ra, có 3.000 tỷ đồng nợ đến từ chủ trương của HĐQT cho tái cấu trúc khoản vay, để huy động được nguồn vốn dài hơn, lãi suất hợp lý hơn để phục vụ các hoạt động đầu tư trong năm 2022.
Việc tăng này song hành với chất lượng các khoản nợ. Các hệ số nợ của Gelex và Gexlex Electric đã được thể hiện trên báo cáo tài chính công bố. Riêng Gelex Hạ tầng chưa niêm yết thì nợ còn 2.200 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu 7.900 tỷ đồng, tuy giá trị tuyệt đối tăng nhưng song hành với quy mô tăng của tổng tài sản. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của tập đoàn chỉ khoảng hơn 1, tổng nợ phải trả/tổng tài sản chỉ xấp xỉ là 0.65. Đây là những hệ số nợ rất tốt khi so sánh với các doanh nghiệp hằng đầu như Massan, Hòa Phát, REE…
Chất lượng nợ của VGC cũng rất tốt, trong 13.000 tỷ đồng của VGC có khoảng 6.500 tỷ đồng là doanh thu chưa thực hiện, ứng trước khách hàng. Như vậy nợ của VGC chỉ còn lại khoảng 5.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của VGC là 4.480 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ của VGC thấp chỉ khoảng 0,6 lần và hệ số nợ/tổng tài sản chỉ khoảng 0,2 lần, nợ thuần của VGC mẹ chỉ khoảng 1.066 tỷ đồng, so với tổng tài sản thì hệ số này rất thấp.
Như vậy mặc dù VGC đóng góp 13.000 tỷ đồng giá trị tuyệt đối vào nợ tập đoàn nhưng tình hình tài chính của Tập đoàn còn mạnh hơn.
Trên báo cáo tài chính năm 2021, dự phòng hàng tồn kho và dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng mạnh so với năm trước, lý do là gì và khả năng thu hồi tới đâu?
Như trên đã nói, năm 2021, tập đoàn đã sở hữu VGC, do vậy khoản phải thu ngắn hạn của năm 2021 tăng so với năm 2020. Về khả năng thu hồi của khoản này, báo cáo cổ đông, chúng ta tuân thủ quy định của nhà nước nhưng việc trích lập không có nghĩa là ta mất khoản này, các đơn vị thuộc Gelex vẫn đang nỗ lực đòi nợ. Tất nhiên, những khoản trích lập thì có nghĩa là khó đòi, có những khoản có thể thu chậm hoặc có những khoản sẽ mất, nhưng không có nghĩa là ta mất cả.
Quy trình phát hành trái phiếu, mua lại doanh nghiệp nhà nước của tập đoàn có đúng không?
Về việc mua lại cổ phần doanh nghiệp nhà nước, khi Chính phủ có chủ trương thoái vốn, Gelex tham gia đấu giá, chào mua công khai, giao dịch theo phương thức khớp lệnh/thỏa thuận trên sàn theo đúng luật chứng khoán.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, việc đầu tư nắm giữ cổ phần tại Tổng công ty Viglacera – CTCP (Viglacera) được Gelex và các đơn vị thành viên triển khai từ năm 2019 đến 2021. Trước khi tham gia đấu giá cổ phiếu VGC thuộc sở hữu của Bộ Xây dựng tại đợt đấu giá tháng 3/2019, GELEX và các đơn vị sở hữu 9,8% vốn điều lệ Viglacera. Tại đợt đấu giá này, Bộ Xây dựng triển khai đấu giá 80.579.262 cổ phần VGC. Sau khi trúng đấu giá 64 triệu cổ phiếu VGC (trên tổng số 69 triệu cổ phiếu bán được tại đợt đấu giá), Gelex và các đơn vị nâng tỷ lệ sở hữu lên 24,96% vốn điều lệ VGC. Tháng 10/2020, GELEX thực hiện chào mua công khai, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Viglacera 46,06%. Từ tháng 3 - 4/2021, tập đoàn thực hiện giao dịch trên thị trường với các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài qua sàn giao dịch chứng khoán, nâng tỷ lệ sở hữu lên 50,21% tại đơn vị này. |
Gelex có kế hoạch gì cho việc giảm các khoản nợ xuống không?
Các chỉ số nợ của tập đoàn tại 31/12/2021: hệ số nợ thuần/EBITDA chỉ là 1,8 lần, đối với các định chế tài chính khi cho vay là tối đa khoảng 3,5 lần, như vậy hệ số nợ thuần/EBITDA của tập đoàn rất tốt.
Hệ số tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn chỉ là 1,3 lần, tổng nợ/vốn chủ sở hữu chỉ quanh khoảng 1. Như vậy các hệ số này rất tốt, thậm chí còn cao hơn một số doanh nghiệp lớn khác.
Hệ số của Gelex rất an toàn, các khoản vay có chi phí hợp lý, đồng thời Gelex có kế hoạch tăng trưởng và phát triển trong thời gian tới nên HĐQT sẽ vẫn duy trì các khoản nợ này phục vụ cho kế hoạch kinh doanh, trừ các khoản trái phiếu đến hạn, các khoản trái chủ đề nghị mua lại trước hạn theo yêu cầu thì Gelex sẵn sàng giảm.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.