Điểm tên loạt dự án nghỉ dưỡng ‘đắp chiếu’ ven biển Đà Nẵng
Khánh Hồng -
13/08/2024 08:00 (GMT+7)
(VNF) - Được cấp giấy chứng nhận đầu tư hơn chục năm trời nhưng nhiều dự án du lịch ven biển Đà Nẵng vẫn chưa triển khai hoặc xây dựng dang dở rồi bỏ hoang.
Những bãi cỏ triệu USD
Các dự án ven biển Đà Nẵng đều sở hữu vị trí tuyệt đẹp, từng được giới thiệu là khu du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp, quy mô lớn. Tuy nhiên, sau khi “rình rang” làm lễ động thổ hoặc xây dựng một phần, các chủ dự án xây dựng tường rào rồi để đó.
Đầu tiên phải kể đến là dự án khu du lịch ven biển Hòn Ngọc Á Châu của Công ty Cổ phần Hòn Ngọc Á Châu nằm trên đường Võ Nguyên Giáp (quận Ngũ Hành Sơn).
Dự án được UBND TP. Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 25/7/2009, với tổng diện tích 17ha, vốn đầu tư ban đầu hơn 1.550 tỷ đồng. Đầu năm 2010, chủ đầu tư đã làm lễ khởi công giai đoạn 1 của dự án.
Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án sẽ triển khai các hạng mục chính gồm biệt thự, căn hộ cao cấp, khu tổ chức hội nghị, hội thảo, nhà hàng... trong thời gian hai năm. Hai năm tiếp theo sẽ xây dựng các khách sạn, khu thương mại, khu bán lẻ...
Tuy nhiên, sau nhiều năm, dự án mới xây được tường bao quanh và một số công trình nhỏ để trông coi phần đất được cấp.
Ngay bên cạnh Hòn Ngọc Á Châu là dự án khu du lịch biển The Song Đà Nẵng nằm trên đường Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn), chủ đầu tư là Công ty cổ phần Phát triển đô thị du lịch Quảng An Đà Nẵng.
Theo giới thiệu, dự án có diện tích 12ha, gồm: 1 tòa tháp Sky Villas, 1 tháp khách sạn và 48 căn thự nghỉ dưỡng có diện tích từ 650 – 1.150m2. Tổng vốn đầu tư dự án là 110 triệu USD.
Dự án được Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cấp giấy phép ngày 10/8/2011 xây 37 căn biệt thự có quy mô 2 tầng. Ngày 13/9/2017, UBND TP. Đà Nẵng ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 đối với dự án trên. Theo quy hoạch mới này, tại khu vực đã xây dựng theo giấy phép đã cấp nêu trên được quy hoạch thành 19 căn biệt thự có quy mô 3 tầng.
Qua kiểm tra, chính quyền địa phương phát hiện chủ đầu tư xây dựng không đúng nội dung giấy phép xây dựng được cấp và đã chỉ đạo lực lượng chức năng lập biên bản ngừng thi công, xử phạt vi phạm hành chính. Sau đó, chủ đầu tư đã chấp hành quyết định của cơ quan chức năng và cho tháo dỡ phần công trình vi phạm.
Nhiều năm nay, dự án không tiếp tục triển khai và bỏ các công trình đang xây dựng dang dở xuống cấp nghiêm trọng.
Cũng nằm trên tuyến đường Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn) là dự án khu du lịch ven biển I.V.C (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) Công ty TNHH I.V.C.
Dự án được UBND TP. Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 8/2014, có diện tích 31.588m2. Hiện dự án vẫn là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm, xung quanh được xây hàng rào.
Vừa qua, UBND TP. Đà Nẵng cho biết, thành phố được Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội giao thu hồi nhiều cơ sở nhà, đất và dự án liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ, trong đó có dự án này.
Tuy nhiên, theo UBND TP. Đà Nẵng, dự án này được thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư và giao đất, cho thuê đất. Theo quy định Điều 48 Luật Đầu tư không quy định thu hồi dự án, chỉ chấm dứt hoạt động dự án đầu tư, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai.
Vì vậy, UBND TP. Đà Nẵng báo cáo Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xem xét, đính chính bản án: Giao UBND TP. Đà Nẵng thu hồi đất, chấm dứt hoạt động của dự án.
Tiếp nữa là Tổ hợp dự án Khu du lịch biển DAP - DAP1 - DAP2 Việt Nam do Công ty TNHH DAP - DAP1 - DAP2 làm chủ đầu tư, tọa lạc trên đường Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn).
Dự án có quy mô tới 39 ha, tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, được giao UBND TP. Đà Nẵng giao đất năm 2009.
Khu du lịch biển DAP - DAP1 - DAP2 được kỳ vọng sẽ trở thành khu du lịch biển quy mô, mang đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chỉ là bãi đất trống. Những ngày này, dự án đang triển khai làm đường bên trong dự án.
Xử lý nghiêm
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, các dự án Khu du lịch biển DAP - DAP1 - DAP2, Khu du lịch ven biển Hòn Ngọc Á Châu, Khu du lịch biển I.V.C… là những dự án được UBND TP. Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đầu tư/quyết định chủ trương đầu tư trước năm 2016 nhưng chậm triển khai.
Nguyên nhân khiến các dự án chậm triển khai là do năng lực năng lực tài chính của một số chủ đầu tư còn hạn chế, quá trình triển khai dự án kéo dài, có dự án tạm dừng triển khai…
Trong 2 năm 2020, 2021 dịch bệnh Covid-19, quá trình thực hiện các thủ tục triển khai dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giãn cách xã hội, kinh tế khó khăn, nguồn nguyên nhiên vật liệu, lao động bị đứt gãy.
Tiếp sau dịch bệnh, kinh tế toàn cầu và Việt Nam tiếp tục gặp thêm nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình chính trị trên thế giới, làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất, thu nhập, tiêu dùng của người dân, nguồn tài chính của doanh nghiệp ngày càng eo hẹp, do vậy nhiều doanh nghiệp phải xây dựng lại phương án hoạt động sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp cũng như nhu cầu thị trường, theo đó có nhiều dự án chậm tiến độ thực hiện hơn so với dự kiến ban đầu.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng cho biết, đối với dự án đang triển khai chậm tiến độ hoặc hết tiến độ nhưng chưa triển khai xây dựng (nguyên nhân từ nhà đầu tư), thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện kiểm tra tiến độ sử dụng đất, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra việc chậm tiến độ dự án.
Qua đó, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để báo cáo UBND thành phố các giải pháp tháo gỡ cho phù hợp. Với các trường hợp chủ đầu tư không triển khai dự án theo quy định sẽ xử lý nghiêm.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.