DN đứng sau cơn sốt 'Đào, phở và piano' khiến web đặt vé 'sập' do quá tải

Tiểu An - 23/02/2024 00:15 (GMT+7)

(VNF) - Những ngày này, bộ phim 'Đào, Phở và Piano' bất ngờ trở thành 'hiện tượng phòng vé'. Có thể nói, đây là một tín hiệu tích cực giúp Công ty cổ phần Phim truyện I gây tiếng vang trở lại trên thị trường điện ảnh Việt Nam.

VNF
Poster phim 'Đào, phở và piano' của đạo diễn Phi Tiến Sơn

'Cơn sốt' trên mạng xã hội

Phim chiếu rạp 'Đào, phở và piano' đang trở thành hiện tượng phòng vé trong những ngày này, sau khi được nhiều khán giả săn đón. Ban đầu, rạp duy nhất đang công chiếu bộ phim là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội).

Bộ phim chính thức được công chiếu từ ngày 10/2 (mùng 1 Tết Giáp Thìn) với 3 suất chiếu/ngày. Sau những bài review tích cực trên mạng xã hội về bộ phim, lượng khán giả kéo đến rạp tăng đột biến, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đã liên tục tăng suất chiếu nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của người xem. 

Cùng với đó, hệ thống bán vé online (trực tuyến) gặp sự cố do số lượng khách truy cập đặt mua vé quá đông, do đó, bộ phim này chỉ được bán vé trực tiếp tại quầy.

Đại diện Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cho biết, Trung tâm đã phải giảm 50% suất chiếu phim 'Mai' để chuyển sang chiếu 'Đào, phở và piano'.

Chia sẻ với báo chí, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết, phim được cấp kinh phí 20 tỷ đồng phân bổ cho 2 năm là 2022 - 2023. Theo số liệu của Box Office Việt Nam, đơn vị thống kê độc lập, tính đến hết ngày 21/2, Đào, phở và piano ghi nhận mức doanh thu 1 tỷ đồng.

Bảng thông báo của Trung tâm chiếu phim Quốc gia. 

Đơn vị cổ phần hóa đầu tiên trong ngành điện ảnh

'Đào, Phở và Piano' là bộ phim lịch sử được thực hiện bởi đạo diễn Phi Tiến Sơn, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh đặt hàng và Công ty cổ phần Phim truyện I là đơn vị sản xuất.

Bộ phim tái hiện cuộc chiến 60 ngày đêm (19/12/1946 – 17/2/1947) bảo vệ Thủ đô. Trước khi phát hành vào dịp Tết Nguyên đán, bộ phim này từng đoạt giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 tổ chức hồi tháng 11/2023.

Theo giới thiệu trên website, Công ty Phim truyện I tiền thân là Hãng Phim truyện I, có trụ sở chính tại số 151 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội. Hãng phim được thành lập từ năm 1990, tức đến nay đã được 34 năm. Năm 2010, Hãng phim truyện I là đơn vị sản xuất phim đầu tiên trong ngành điện ảnh chuyển đổi thành công ty cổ phần với gần 60% vốn của Nhà nước.

Hiện tại, vốn điều lệ của doanh nghiệp này là hơn 14 tỷ đồng, thuộc sở hữu của 3 cổ đông là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), ông Trần Như Hưng – Phụ trách HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc và bà Nguyễn Hồng Phương Lan với tỷ lệ lần lượt là 59,95%, 15,54% và 5,31%.

Hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất phim điện ảnh, phim video và các chương trình truyền hình, Hãng phim truyện I được biết tới thông qua các tác phẩm: Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi, Lưới trời, Lính chiến, Phượng cháy, Miền núi và hải đảo, Tình yêu vô tình,…

Đáng nói, trong giai đoạn 2020 – 2022, mặc dù giành được không ít giải thưởng ở cả trong và ngoài nước nhưng cả hai phim truyện 'Tình yêu vô tình' và 'Phượng cháy' lại không thu hút được quá nhiều sự quan tâm từ phía khán giả. Có thể nói, đã rất lâu sau 'Chuyện của Pao' và 'Sống trong sợ hãi', Hãng phim truyện I mới gây tiếng vang trở lại.

Cùng chuyên mục
Tin khác