Tài chính

Doanh nghiệp bán lẻ 'giảm tốc'

(VNF) - Các doanh nghiệp bán lẻ công bố kết quả kinh doanh khá trái chiều quý II/2022, song điểm chung là tốc độ tăng trưởng đã có dấu hiệu chững lại, cho thấy những áp lực lớn.

Doanh nghiệp bán lẻ 'giảm tốc'

Trong quý II/2022, người tiêu dùng ưu tiên chi tiền cho hoạt động vui chơi, giải trí hơn là mua sắm đồ công nghệ

Đối đầu với nhiều áp lực

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) gần đây công bố doanh thu quý II/2022 đạt 34.337 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.131 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu chỉ tăng 8% và lợi nhuận giảm 6,6% so với quý II/2021.

Trước đó, trong quý đầu của năm 2022, MWG ghi nhận mức doanh thu đạt kỷ lục 36.467 tỷ đồng, tăng tới 18% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế quý này tăng 8% so với nền rất cao của quý I/2021 và là mức cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động.

Bên cạnh đó, tăng trưởng doanh thu từ mảng công nghệ thông tin (ICT & CE) trong tháng 5 của MWG chỉ ở mức 2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 20% - 22% từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2022.

Lý giải về việc tiêu thụ laptop giảm trong quý vừa qua, lãnh đạo công ty cho rằng nguyên nhân có thể do quý II là quý đầu tiên Việt Nam mở cửa nên người dân tập trung vào các dịch vụ du lịch, giải trí nhiều hơn mua sắm sản phẩm điện tử.

Ngoài ra, trong cơ cấu doanh thu, doanh số của chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh vẫn tăng 12% nhưng chuỗi Bách Hóa Xanh giảm 8% so với kết quả của cùng kỳ năm trước. Kết quả này được cho là ảnh hưởng từ việc gỡ bỏ giãn cách xã hội, chợ truyền thống hoạt động lại khiến doanh thu bình quân mỗi cửa hàng giảm theo. Cùng với đó là ảnh hưởng từ việc đóng bớt các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả, thay đổi layout mới theo kế hoạch đã được HĐQT MWG đề ra trước đó.

Cũng trong bối cảnh cao điểm của dịch bệnh năm ngoái, FPT Retail (FRT), Digiworld (DGW) ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực nhờ hưởng lợi từ nhu cầu điện thoại, laptop tăng cao cho làm việc, học tập tại nhà thì mới đây, DGW lại công bố lợi nhuận ròng quý II/2022 chỉ tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này chậm hơn nhiều so với mức tăng trưởng trên 97% so với cùng kỳ trong quý I/2022.

Sau thời gian tăng trưởng mạnh mẽ suốt năm 2020 – 2021, đặc biệt là quý IV/2021 và quý I/2022, quý II này, DGW ghi nhận sự tăng trưởng chậm lại của ngành hàng thiết bị công nghệ (ICT). Về nguyên nhân, theo DGW là do người tiêu dùng không còn nhu cầu mạnh mẽ với các mặt hàng công nghệ khi hầu hết đã phát sinh nhu cầu và quyết định mua trong mùa dịch.

Lãnh đạo DGW cũng chỉ ra quý II hàng năm thường là mùa thấp điểm vì không có các dịp đặc biệt cần mua sắm như Tết Nguyên đán, mùa tựu trường… thay vào đó, người dân lại tập trung nhiều hơn vào các hoạt động giải trí, du lịch. Việc ưu tiên chi tiêu cho giải trí du lịch lại càng nhiều hơn vì quý II/2022 nhiều nơi đã gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch sau 2 năm giãn cách nhiều cấp độ.

Quý II/2022, FRT ghi nhận doanh thu đạt 6.213 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 59 tỷ đồng, lần lượt tăng 44% và tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng cũng đã giảm đáng kể so với mức tăng trưởng 67% về doanh thu và lợi nhuận gấp tới 5,3 lần trong quý trước đó. Mặc dù lợi nhuận quý II của FRT vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước nhưng đây là mức thấp nhất trong 4 quý.

Đối với Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), nhà bán lẻ trang sức này đạt mức lợi nhuận quý II là 367 tỷ đồng, tuy tăng 62% so với cùng kỳ nhưng lại là mức tăng thấp nhất 3 quý gần đây.

Theo lãnh đạo PNJ, kết quả này phần nào đó đã ghi nhận sức mua hồi phục sau Covid-19 nhưng đại diện PNJ cũng cho rằng thị trường bán lẻ từ quý II đã có sự suy giảm xét trên bình diện chung.

Quý III liệu có khả quan?

Có thể thấy, sau nhiều quãng thời gian hưởng lợi từ nhu cầu đột biến trong đại dịch, việc duy trì đà tăng trưởng cao của các doanh nghiệp bán lẻ có vẻ như đang gặp thách thức lớn. Nhiều chuyên gia cho rằng lạm phát đang làm ảnh hưởng đến sức mua, buộc người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu đối với các mặt hàng không thiết yếu từ quý II/2022. Tuy nhiên, trong những tháng còn lại của năm 2022, tín hiệu vẫn rất khả quan cho thị trường bán lẻ.

Đánh giá về triển vọng các quý cuối năm, FRT nhận định ngành bán lẻ có thể vẫn duy trì triển vọng tích cực trong quãng thời gian này. Tác động của lạm phát đối với doanh thu bán lẻ nói chung vẫn chưa đáng kể, vì mức độ tăng giá của các mặt hàng thiết yếu là chưa lớn.

Đánh giá về triển vọng trong quý III, SSI Research cho rằng tăng trưởng doanh thu của mảng ICT & CE sẽ lớn hơn mức tăng trong 6 tháng đầu năm do nền cơ sở thấp trong nửa cuối năm trước. Đối với các công ty có tỷ trọng doanh thu máy tính xách tay trong tổng doanh thu cao như FRT và DGW, tăng trưởng doanh thu có thể ở mức thấp một con số do nền cơ sở cao trong 6 tháng cuối năm 2021.

Theo đó, các chuyên gia SSI Research dự phóng doanh thu của FRT năm nay có thể đạt 28.314 tỷ đồng, tăng trưởng 4,8% so với kế hoạch và tăng 26% so với năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 553 tỷ đồng, tăng 25% so với thực hiện năm ngoái.

Trong quý III, DGW lên kế hoạch doanh thu đạt 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng, tương ứng tăng 70% và 87% so với cùng kỳ. Lý do là thời kỳ này là mùa tựu trường, mùa cao điểm hàng năm của mặt hàng máy tính xách tay và máy tính bảng, do đó, doanh thu của DGW được kỳ vọng sẽ tăng trở lại ở tất cả các nhãn hàng.

Tương tự, ở mảng bán lẻ trang sức, mặc dù môi trường lạm phát đầy thách thức nhưng tăng trưởng doanh thu của các công ty vẫn sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi hậu Covid cùng mức nền so sánh thấp do giãn cách kéo dài trong những tháng cuối năm 2021.

Theo đó, SSI Research dự báo PNJ sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất về lợi nhuận trong quý III do đã lỗ trong cùng kỳ năm trước vì phải đóng cửa nhiều cửa hàng theo các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt.

Tin mới lên