Doanh nghiệp bị 'hành' thủ tục hoàn thuế VAT

Uyên Phương - 25/07/2023 08:09 (GMT+7)

(VNF) - Những yêu cầu xác minh hồ sơ, hóa đơn của ngành thuế đối với doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gỗ, cao su… liên tục thay đổi “360 độ” khiến đơn vị sản xuất, kinh doanh không thể đáp ứng, làm cho việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) càng thêm khó khăn.

VNF
Đến nay, các DN xuất khẩu cao su vẫn mòn mỏi chờ hoàn thuế VAT. Ảnh: U.P

Xoay như chong chóng

Ngày 23/7, thông tin với PV báo Tiền Phong, bà T.N - đại diện công ty có hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu (quận 1, TPHCM), cho biết, những yêu cầu xác minh hóa đơn, nguồn gốc nguyên liệu liên tục thay đổi làm DN khó có thể đáp ứng.

Cụ thể, cơ quan thuế yêu cầu DN xác minh từng hóa đơn về các nguyên liệu trong nước. Khi DN đã xác minh ở Việt Nam xong, lúc nộp hồ sơ vẫn không được hoàn mà buộc phải xác minh tiếp tục khách hàng nước ngoài. Tuy nhiên, thay vì chờ cơ quan thuế xác minh định danh người mua hàng ở nước ngoài như trước đây thì công ty được yêu cầu khi nào xuất hàng sẽ có nhân viên thuế kiểm tra, xác minh thực tế. Cái khó là lúc này thị trường sụt giảm, công ty đã thu hẹp hoạt động, không đủ đơn hàng để sản xuất. Trong tháng 7 này, công ty có đơn hàng xuất khẩu nên đề nghị nhân viên thuế đến xác minh thực tế. Sau khi đặt lịch hẹn thì họ nói không cần kiểm tra nữa. Họ bảo từ giờ phải kiểm tra tiếp hồ sơ xác minh hóa đơn đầu vào, còn không thì chỉ hoàn những hóa đơn đã xác minh.

“Cơ quan thuế hiện nay đã xác minh hóa đơn đầu vào hơn 60% mà hồ sơ vẫn không được hoàn cũng chỉ vì yêu cầu xác minh nguồn gốc gỗ. DN chủ yếu mua nguyên vật liệu từ các công ty, trong đó phần lớn là công ty nhà nước mà việc xác minh vẫn còn kéo dài. Việc xác minh hãng tàu hay cảng là việc của cơ quan thuế, DN sao có thể làm được?” - bà N. bức xúc.

Ông Lê Mạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH SX-TM-DV Leglor (TP HCM) cho hay, hai năm qua, số tiền DN bị chậm hoàn thuế VAT lên tới 30 tỷ đồng. Hiện, công ty mới được giải quyết 10,5 tỷ đồng, số tiền còn lại không biết bao giờ được hoàn tiếp.

Chia sẻ về hành trình xin hoàn thuế, DN này nói rằng rất gian nan. Cụ thể, hồ sơ hoàn thuế của Công ty Leglor nộp lần đầu tháng 7/2021, nhưng gặp phải thời điểm giãn cách để phòng chống dịch bệnh COVID-19. Đến cuối năm 2021, hồ sơ hoàn thuế phải điều chỉnh lại do Chi cục Thuế quận 9 khi đó chờ sáp nhập thành Chi cục Thuế TP Thủ Đức. Đến đầu năm 2022, Chi cục Thuế TP Thủ Đức ra biên bản ghi nhận số liệu kiểm tra và xác định hồ sơ hoàn thuế của công ty đủ điều kiện và đã 2 lần trình đề xuất hoàn thuế VAT lên Cục Thuế TPHCM. Tuy nhiên, không hiểu vì sao vụ việc không được giải quyết.

“Chúng tôi đã gửi 6 văn bản kiến nghị, 2 văn bản đề nghị đến cơ quan thuế. Ngành thuế xác nhận bộ hồ sơ đầy đủ, rõ ràng nhưng chưa thể giải quyết do vướng quy định về xác minh nguồn gốc. DN có đủ hợp đồng xuất khẩu, hàng hóa đã được thông quan, thanh toán qua ngân hàng thì lẽ ra là đủ điều kiện để được hoàn thuế rồi. Khó hơn nữa là hồ sơ hoàn thuế gửi đợt 1 chưa được giải quyết thì ngành thuế không tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế đợt 2 của DN” - ông Mạnh cho biết.

Theo tổng hợp từ Hiệp hội Cao su VN từ tháng 11/2022 đến nay, 10 DN cao su ở TPHCM có số thuế đề nghị hoàn lên 171 tỷ đồng chưa được giải quyết, có DN hồ sơ đề nghị hoàn thuế thực hiện từ tháng 1/2021. Cụ thể Công ty TNHH Hoàng Dũng gần 23 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Huy và Anh em hơn 2,5 tỷ đồng; Công ty CP Khang Ngọc Hưng gần 2 tỷ đồng; Công ty TNHH TM Hòa Thuận hơn 49,7 tỷ đồng; Công ty TNHH Hóa nhựa Đông Dương 15,7 tỷ đồng…

Ảnh hưởng lớn đến dòng vốn

Theo các DN xuất khẩu, các quy định luật hoàn thuế không yêu cầu về xác minh đối tác nước ngoài, vậy nhưng các công văn hướng dẫn lại đưa ra quy định này. Luật quy định hồ sơ hoàn thuế chỉ cần đáp ứng 3 nội dung gồm hợp đồng, hải quan và dòng tiền chuyển về. Nhưng nay công văn lại yêu cầu xác minh khách hàng ngoài rất vô lý.

“Qua từng năm, số thuế đề nghị hoàn ngày càng tăng thêm. Từ đầu năm đến nay, do khó khăn về dòng vốn nên DN không thể tiếp tục kinh doanh, không dám nhận đơn hàng, bởi càng làm thì số tiền hoàn thuế càng lớn, DN càng lỗ. Hiện nay công văn hướng dẫn của Tổng cục Thuế về việc xác minh nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ, cho đến người mua hàng là đối tác nước ngoài vẫn còn tồn tại, DN không kỳ vọng sẽ được hoàn thuế sớm” - lãnh đạo một DN cao su có trụ sở tại quận 1 bày tỏ.

Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TPHCM thông tin, nhiều DN trong hội đang mỏi mòn chờ được hoàn thuế. “Với các DN sản xuất, việc chậm hoàn 10-15 tỷ đồng đã ảnh hưởng rất lớn đến dòng vốn. Nhiều DN phải đi vay tiền để duy trì sản xuất, trong bối cảnh lãi suất quá cao” - ông Tống nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su - nhựa TPHCM cho rằng, trong giai đoạn khó khăn này, nhà nước nên có động thái hoàn thuế nhanh hơn vì tiền hoàn thuế là vốn lưu động của DN.

Tại hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm vừa qua, Cục Thuế TPHCM thông tin, đã giải quyết hoàn thuế cho 436 hồ sơ với tổng số tiền hoàn là 2.417 tỷ đồng, bằng 56% về số lượng hồ sơ và bằng 57,8% về số tiền hoàn so với cùng kỳ năm 2022.

“Cục Thuế TPHCM sẽ tăng cường công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, nuôi dưỡng nguồn thu và tạo nguồn thu bền vững. Cụ thể, cơ quan thuế sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc giảm 30% tiền thuê đất năm 2022 cho các DN; ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác hoàn thuế VAT nhằm đảm bảo việc hoàn thuế kịp thời và đúng quy định, giúp DN có nguồn tài chính để tái sản xuất kinh doanh” - ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM thông tin tại hội nghị.

Theo tienphong.vn
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.