Doanh nghiệp hàng không đua nhau 'chi đậm' tuyển phi công, tiếp viên

Chí Bình - 01/03/2022 01:24 (GMT+7)

(VNF) - Mức thu nhập tối đa cho cơ trưởng có thể đến 13.300 USD và với tiếp viên trưởng là 3.000 USD. Đây là mức thu nhập cao hơn mặt bằng chung trên thị trường thời điểm trước dịch mà Bamboo Airways vừa công bố.

VNF
Bamboo Airways và nhiều hãng hàng không Việt đang tích cực tuyển dụng phi công và tiếp viên. (Ảnh minh họa)

Để phục vụ kế hoạch mở lại tất cả các chặng bay, hàng loạt các hãng hàng không Việt Nam như Bamboo Airways, Vietjet Air, Vietravel Airlines đang đồng loạt thông báo tuyển dụng phi công và tiếp viên.

Cụ thể, Bamboo Airways đang thông báo tuyển nhiều vị trí như phi công, tiếp viên, đại diện hãng, kỹ thuật... để phục vụ kế hoạch phát triển các đường bay mới của hãng.

Đáng chú ý, hãng bay này đưa ra mức thu nhập tối đa lên đến 13.300 USD cho cơ trưởng dòng máy bay thân rộng Boeing 787. Với vị trí cơ phó, mức lương mà hãng đưa ra là 8.000 USD.

Với dòng máy bay thân hẹp Airbus và Embraer 195, thu nhập tối đa mà Bamboo Airways đưa ra với vị trí cơ trưởng là khoảng 10.450 USD, còn vị trí cơ phó là hơn 6.300 USD.

Với con số này, thu nhập phi công của Bamboo Airways đã cao hơn mặt bằng chung trên thị trường thời điểm trước dịch. 

Ngoài tuyển dụng phi công, Bamboo Airways cũng thông báo tuyển dụng tiếp viên 5 sao với thu nhập lên đến đến 1.500 USD, với vị trí tiếp viên trưởng là 3.000 USD.

Tương tự Bamboo Airways, hãng hàng không Vietjet Air cũng đang thông báo tuyển cơ trưởng, cơ phó cho các dòng máy bay Airbus A320 và A330 đến hết năm nay.

Một hãng hàng không khác là Vietravel Airlines cũng cho biết đang tìm thêm phi công các dòng máy bay A320/A321 và tiếp viên. Tuy nhiên hãng bay này không công bố chi tiết thu nhập.

Đại diện hãng bay này nhận định nhu cầu tuyển dụng của các hãng hàng không bắt đầu tăng cao khi thị trường hồi phục, cũng như hiện nay một số dự án thành lập hãng hàng không mới đang được triển khai rốt ráo. Vì vậy, nhân lực ngành hàng không trong nước năm nay có thể khan hiếm trở lại, xuất hiện hiện tượng cạnh tranh.

Tình trạng thiếu phi công, tiếp viên, kỹ thuật viên máy bay không phải mới. Mỗi khi có hãng hàng không mới ra đời hay khi một lô máy bay mới được bàn giao cho phía Việt Nam, câu chuyện lôi kéo phi công giữa các hãng hàng không lại diễn ra căng thẳng, đặc biệt với phi công người Việt.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng từng thừa nhận ngành hàng không hiện nảy sinh vấn đề khi hãng hàng không mới xuất hiện.

Theo đó, khi mua về nhiều tàu bay, đáng lẽ các hãng mới phải thu hút nhân lực nước ngoài hoặc tự đào tạo nguồn nhân lực, nhưng có tình trạng những hãng mới bỏ kinh phí ra để lôi kéo nhân lực của các hãng khác.

Được biết, mức lương của phi công lái Airbus 320-321 mà Vietjet chi trả trong năm 2017 đối với vị trí cơ phó là khoảng 120-140 triệu đồng/tháng, vị trí cơ trưởng từ 180-240 triệu đồng/tháng (trước thuế).

Trong năm 2017, mức lương cơ phó lái Airbus 321 của Vietnam Airlines là 96-201 triệu đồng/tháng, đối với vị trí cơ trưởng là 168-221 triệu đồng/tháng (trước thuế).

Tuy nhiên, từ 1/6/2018, lương phi công Vietnam Airlines lái máy bay Boeing 787 và Airbus 350 đối với vị trí cơ trưởng là từ 208-256 triệu đồng/tháng, với vị trí cơ phó là 124-243 triệu đồng/tháng. Cơ trưởng lái Airbus A321 lương từ 106-243 triệu đồng/tháng, cơ phó 100-233 triệu đồng/tháng.

Còn với Bamboo Airways, đại diện hãng bay này từng tiết lộ mức lương phi công tại Bamboo Airways sẽ đạt mức trên 200 triệu đồng/người/tháng, tức hơn 2,4 tỷ đồng/năm.

Hiện tại, Việt Nam có 5 hãng hàng không đang khai thác thương mại, bao gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar, Vasco và Bamboo Airways. Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam cũng đang tiến trình thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty Cổ phần IPP Air Cargo (IPP Air Cargo).

Mới đây, Chính phủ cũng vừa thống nhất việc cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung cho một doanh nghiệp mới.

Cùng chuyên mục
Tin khác