Thị trường

Dọc đường phát triển: Quảng Nam cần nhiều hơn một Thaco

(VNF) - Thaco là đơn vị có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Nam. Song, sự phụ thuộc vào một doanh nghiệp lớn cũng được cho là điểm yếu của địa phương này trong tiến trình phát triển.

Dọc đường phát triển: Quảng Nam cần nhiều hơn một Thaco

Quảng Nam cần nhiều hơn một Thaco

“Đầu tàu” Thaco

Từng là một tỉnh nghèo, thu nhập người dân ở mức thấp, nhưng giờ đây, Quảng Nam đã trở thành 1 trong 9 tỉnh có tốc độ tăng trưởng trên 2 con số, đứng thứ 5 cả nước và cao nhất Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Để đạt được thành tựu trên, trong nhiều năm qua, Quảng Nam đã đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các huyện của vùng đông, nổi bật là tuyến đường ven biển Võ Chí Công. Song song với đó, tỉnh cũng xây dựng nhiều cơ chế để thu hút đầu tư. Do vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, vùng đông của tỉnh này đã được được nhiều doanh nghiệp lớn “đổ bộ”.

Điển hình là tập đoàn Trường Hải (Thaco) với khu công nghiệp tại Chu Lai; Tập đoàn Vingroup với dự án khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An diện tích khoảng 200ha, tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng ở huyện Thăng Bình; Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (thuộc tập đoàn VinaCapital) với dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An diện tích 985ha, tổng mức đầu tư 4 tỷ USD ở huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình.

Gần đây nhất, Tập đoàn Panko (Hàn Quốc) đã đề nghị tỉnh giới thiệu cho doanh nghiệp này một vị trí đất ở TP. Hội An hoặc phía đông của huyện Duy Xuyên (diện tích tối thiểu khoảng 350ha) để hành các bước đầu tư khu đô thị thông minh và sân golf. Ngoài ra, các tập đoàn: FLC, NovaGroup, Sun Group cũng đầu tư vào Quảng Nam.

Trong số các “đại gia” kể trên, Thaco là doanh nghiệp quan trọng bậc nhất đối với tỉnh Quảng Nam. Chỉ lấy khía cạnh thu ngân sách để thấy: lũy kế 11 tháng năm 2021, tổng thu ngân sách của tỉnh là 15.290 tỷ đồng, riêng Thaco đã nộp tới 6.225 tỷ đồng, kể cả gia hạn.

Theo nhìn nhận của chuyên gia kinh tế, TS Võ Duy Nghi, sự thành công của Thaco có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Quảng Nam, không chỉ đóng góp lớn vào số thu ngân sách hằng năm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phụ trợ phát triển mà còn giúp tỉnh thu hút giới đầu tư trong và ngoài nước.

Với đóng góp hàng nghìn tỷ đồng hằng năm vào ngân sách, Thaco đã giúp Quảng Nam có nguồn thu để đầu tư vào các lĩnh vực khác như cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, du lịch, nông nghiệp. Điều này đã giúp Quảng Nam thay đổi toàn diện, cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch mạnh từ nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ - hai ngành chiếm gần 90% GRDP của Quảng Nam.

Tuy nhiên, TS Võ Duy Nghi nhìn nhận việc thu ngân sách phụ thuộc một hoặc một số doanh nghiệp như Thaco là không bền vững, vì nguồn thu sẽ sụt giảm khi kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này đi xuống.

Nhiều việc phải làm

Để cải thiện tình trạng phụ thuộc nêu trên, TS Võ Duy Nghi cho rằng Quảng Nam cần tiếp tục đa dạng hóa nguồn thu bằng cách tiếp tục thu hút đầu tư thông qua các chính sách ưu đãi, đặc biệt là tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, cắt giảm các thủ tục hành chính gây phiền hà, khó khăn cho nhà đầu tư.

Cùng với đó, Quảng Nam cần cho các nhà đầu tư thấy được cam kết lâu dài của chính quyền địa phương trong việc thực thi các chính sách pháp luật để nhà đầu tư có thể an tâm đầu tư lâu dài, tránh hành xử tiền hậu bất nhất, gây rủi ro cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra, Quảng Nam cần tiếp tục phát triển mạnh hạ tầng giao thông, đặc biệt là nâng cấp, mở rộng sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà và cảng Chu Lai để hành khách, hàng hoá có thể thuận lợi đi đến trực tiếp, thay vì thông qua Đà Nẵng như hiện nay. “Việc mở rộng, nâng cấp hạ tầng giao thông sẽ giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí vận tải, thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nhiều hơn để phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022” TS Nghi nói.

Đối với công nghiệp, TS Nghi khuyến nghị Quảng Nam cần sớm hình thành trung tâm công nghiệp cơ khí quốc gia tại khu kinh tế mở Chu Lai, trong đó có ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp phụ trợ cơ khí đa dụng; bên cạnh đó là các cụm ngành công nghiệp điện khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, công nghiệp thực phẩm, đồ uống.

Nói về việc khôi phục và phát triển kinh tế năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp với những ngành nghề tiên tiến, đóng góp ngân sách nhiều, hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích sử dụng đất; các ngành khai thác, chế biến khoáng sản có công nghệ chế biến sâu, không làm tổn hại môi trường. Tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ logistics tiến đến hình thành trung tâm logistics tại Chu Lai. Tỉnh cũng sẽ thu hút các dự án khu đô thị với quy mô lớn, nhiều khu chức năng, tạo thành trung tâm đô thị ven biển, ven sông.

Cũng trong năm 2022, Quảng Nam sẽ tập trung đẩy nhanh tốc độ phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và phát triển đô thị hiện đại đảm bảo liên thông, tổng thể, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tập trung đầu tư một số hạ tầng giao thông then chốt bằng các nguồn ngân sách của tỉnh, trung ương. Chính vì vậy, ông Lê Trí Thanh đề nghị trung ương đầu tư Quốc lộ 14D, 14E nối lên cửa khẩu Nam Giang.

Ngoài ra, tỉnh cũng tiến hành khởi công mới một số dự án quan trọng có tính chất liên vùng, tạo động lực phát triển như: dự án mở rộng và hoàn thiện tuyến đường Võ Chí Công; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan xúc tiến đầu tư nâng cấp cảng hàng không Chu Lai và lựa chọn nhà đầu tư có năng lực đầu tư các dự án công nghiệp và dịch vụ hàng không.

Tin mới lên