Đòi nợ thuê phải 'ăn mặc lịch sự, cấm mặc như xã hội đen'

Trường Anh (Tổng hợp) - 14/10/2016 13:29 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Tài chính đề xuất người đòi nợ thuê phải mặc trang phục riêng, đeo thẻ nhân viên và có giấy giới thiệu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, không được ăn mặc kiểu "xã hội đen".

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong đó quy định: doanh nghiệp được phép hoạt động dịch vụ đòi nợ khi và chỉ khi đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ; hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và doanh nghiệp đã thông báo công khai về ngành, nghề kinh doanh trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong đó có ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Cùng với đó còn phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của Chính phủ về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Dự thảo của nghị định này nghiêm cấm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện hoặc thông qua người khác thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của khách nợ, chủ nợ và tổ chức, cá nhân khác liên quan.

Dự thảo cũng nghiêm cấm sử dụng các thông tin có được từ hoạt động dịch vụ đòi nợ gây bất lợi tới chủ và khách nợ, để phục vụ cho các mục đích khác ngoài nội dung được ủy quyền. Nghiêm cấm các bên tiết lộ những thông tin đó cho tổ chức, cá nhân khác trái với các quy định của pháp luật. 

Đáng chú ý, dự thảo nêu rõ nhân viên của các doanh nghiệp có dịch vụ đòi nợ phải "mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và có giấy giới thiệu". Trên thẻ phải có ảnh, ghi rõ họ tên, chức vụ của người được giao nhiệm vụ và có dấu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phải cấp trang phục cho nhân viên với mẫu thiết kế nhất định và thông báo với cơ quan công an có thẩm quyền, chính quyền địa phương về việc sử dụng trang phục này. Trong trường hợp kết thúc hợp đồng lao động với người lao động, doanh nghiệp phải thu hồi lại trang phục, thẻ nhân viên đã cấp.

Và cũng như những doanh nghiệp hoạt động hợp pháp khác, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế; thực hiện chế độ kế toán, thống kê, kiểm toán, báo cáo theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp.

Ngoài ra, dự thảo bỏ các điều kiện kinh doanh khác của doanh nghiệp ở lĩnh vực này, như điều kiện về vốn, về tiêu chuẩn đối với người quản lý và người lao động…, chỉ quy định điều kiện về an ninh, trật tự. 

Theo dự thảo, hoạt động của các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là xảy ra các vi phạm về an ninh, trật tự. 

Một số ví dụ được đại diện Bộ Tài chính nhắc tới như: vụ công ty Tai Ga (trên địa bàn TP. HCM) đòi nợ có hành vi "khủng bố", nhân viên chi nhánh công ty Công Lý (TP. HCM) có hành vi câu kết với các đối tượng xã hội đen để bắt cóc, tống tiền để đòi nợ,…

Theo báo cáo của 43 tỉnh, thành phố, đến hết năm 2015, cả nước hiện có 3 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ còn hoạt động. Cụ thể, TP. HCM còn 16 cơ sở đang hoạt động, thành phố Đà Nẵng có 4 doanh nghiệp và An Giang có 1 doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục
Tin khác