Dọn dẹp đón năm mới: Ngân hàng dồn dập mua lại trái phiếu trước hạn
Minh Dũng -
30/12/2023 22:00 (GMT+7)
(VNF) - Nhiều ngân hàng công bố chi hàng nghìn tỷ đồng để mua lại trái phiếu trước hạn trong tháng cuối năm. Việc mua lại trái phiếu trước hạn phần nào làm giảm mức độ thừa vốn của nhà băng, đồng thời để phục vụ mục đích kinh doanh của ngân hàng khi bước vào năm mới 2024.
Ngân hàng tích cực mua lại trái phiếu trước hạn
Trong tháng cuối năm, các ngân hàng thương mại tích cực mua lại trái phiếu trước hạn. Hàng nghìn tỷ đồng đã được các nhà băng chi ra để mua lại trái phiếu trước hạn.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) vừa công bố thông tin về kết quả mua lại trái phiếu trước hạn.
Theo đó, SeABank đã chi 1.700 tỷ đồng để mua lại trước hạn toàn bộ 2 lô trái phiếu mã và SSBH2124015 và SSBL2124014. Lô trái phiếu SSBL2124014 có tổng giá trị phát hành 700 tỷ đồng và lô trái phiếu mã SSBH2124015 có tổng giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng.
Hai lô trái phiếu này được phát hành liên tiếp vào ngày 15-16/12/2021, kỳ hạn 3 năm. Như vậy, hai lô trái phiếu trên phải tới cuối năm 2024 mới đáo hạn.
Hai lô trái phiếu trên đều có lãi suất cố định 3,6%/năm, đều là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền, được phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ. Mục đích phát hành 2 lô trái phiếu này là để tăng quy mô vốn hoạt động của SeABank.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng vừa thông báo đã mua lại trước hạn toàn bộ 500 trái phiếu mã OCBL2124011, mỗi trái phiếu trị giá 1 tỷ đồng, tương đương tổng trị giá 500 tỷ đồng.
Lô trái phiếu này được phát hành ngày 15/12/2021, kỳ hạn 3 năm và phải tới ngày 15/12/2024 mới đáo hạn, lãi suất cố định 3,2%/năm. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không có đảm bảo và không kèm theo chứng quyền.
Đây là lô trái phiếu thứ 15 được OCB mua lại trước hạn từ đầu năm đến nay. Trước đó, OCB đã chi khoảng 12.400 tỷ đồng để mua lại trước hạn toàn bộ 14 lô trái phiếu.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) cũng công bố đã mua lại toàn bộ 2.000 tỷ đồng 2 lô trái phiếu mã LPBH2124014 và LPH2124015.
Trong đó, mã trái phiếu LPBH2124014 được phát hành vào ngày 13/12/2021, kỳ hạn 3 năm và phải đến giữa tháng 12/2024 mới đáo hạn. Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không có đảm bảo, không kèm theo chứng quyền và không phải là nợ thứ cấp của tổ chức phát hành. Lãi suất phát hành thực tế là 3,3%/năm.
Còn mã LPH2124015 được phát hành ngày 15/12/2021, kỳ hạn 3 năm, tức là phải tới 15/12/2024 mới đáo hạn.
Mục đích phát hành trái phiếu là để tăng quy mô vốn hoạt động của LPBank, bổ sung nguồn vốn huy động trung dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn trung dài hạn của khách hàng.
Trước đó, ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng mua lại trước hạn toàn bộ 2 lô trái phiếu mã VIB_BOND_L1_2017_002 và VIB2128020 vào ngày 13/12/2023.
Lô trái phiếu VIB_BOND_L1_2017_002 có tổng cộng 800 trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tương đương tổng giá trị 800 tỷ đồng. Lô trái phiếu này được phát hành vào ngày 13/12/2017, kỳ hạn 7 năm và phải đến ngày 13/12/2024 mới đáo hạn.
Lô trái phiếu VIB2128020 có tổng cộng 500 trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành 500 tỷ đồng, lãi suất 7,3%/năm. Ngày phát hành là 13/12/2021, kỳ hạn 7 năm, phải đến ngày 13/12/2028 lô trái phiếu này mới đáo hạn.
Dư tiền đi mua trái phiếu
Theo giới phân tích, sở dĩ các ngân hàng chạy đua mua lại trái phiếu trước hạn là do đang dư thừa thanh khoản. Việc mua lại trái phiếu phần nào làm giảm mức độ thừa vốn.
Một lý do nữa là việc mua lại trái phiếu cũng giúp giảm tỷ trọng danh mục trái phiếu so với vốn điều lệ các nhà băng.
Thêm nữa, việc mua lại trước hạn trái phiếu để đảm bảo đủ điều kiện cho kế hoạch phát hành mới là cách mà các ngân hàng tái cơ cấu lại kỳ hạn của trái phiếu theo hướng dài hơn, nhằm duy trì hệ số an toàn vốn luôn ở mức cao.
Hơn nữa, việc mua lại trái phiếu trước hạn cũng giúp các ngân hàng cơ cấu lại kỳ hạn trái phiếu và cơ cấu lại lãi suất. Nhiều ngân hàng bên cạnh việc mua lại trái phiếu trước hạn ở các kỳ hạn 2-3 năm thì cũng phát hành các lô trái phiếu mới kỳ hạn 5-10 năm.
Ngoài ra, việc mua lại trái phiếu cũng giúp giảm tỷ trọng danh mục này so với vốn điều lệ các ngân hàng. Các ngân hàng có thể duy trì hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức cao, đảm bảo cho các hệ số khác như tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thật ra, trái phiếu của ngân hàng khác với trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt, là doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Doanh nghiệp bất động sản phát hành nhiều nên rủi ro lớn, còn ngân hàng có điều kiện để thanh toán. Khi ngân hàng phát hành trái phiếu thì ít có rủi ro về thanh toán. Thêm nữa, để chi phí thấp hơn, các ngân hàng thường lựa chọn mua lại trước hạn.
TS. Nguyễn Hữu Huân - giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho hay, trước đây, các ngân hàng phát hành trái phiếu với lãi suất cao, từ 10-13%, giờ họ mua lại để tái cơ cấu nợ. Hiện lãi suất xuống thấp, chỉ còn khoảng 5-6%. Vậy không có lý do gì để các nhà băng tiếp tục duy trì trái phiếu với lãi suất cao trước đó nên họ sẽ mua lại.
Giờ các ngân hàng chỉ cần trả lãi 5-6% khi mua lại trái phiếu trước hạn, góp phần làm giảm chi phí đầu vào khi mua lại. Không chỉ có thể giúp các ngân hàng tái cơ cấu lại chi phí nợ khi huy động với lãi suất thấp, việc mua lại trước hạn trái phiếu còn do ngân hàng thừa tiền nên giảm bớt bằng cách mua lại trái phiếu.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.