Tăng trưởng 2025: Tăng thu nhập để người dân tiêu tiền nhiều hơn

Kỳ Thư - Hải Đăng - 13/01/2025 07:00 (GMT+7)

(VNF) - TS Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, tiêu dùng cuối cùng vẫn là động lực rất mạnh vì chiếm tới 2/3 GDP của toàn nền kinh tế. Do đó, cần có các giải pháp để kích thích động lực tiêu dùng cuối cùng.

Đầu tư và tiêu dùng: Hai động lực quyết định

Trao đổi tại 1 diễn đàn mới đây, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc khối đầu tư của quỹ Dragon Capital (DC) cung cấp các số liệu cho thấy, trong cấu phần GDP năm 2024, tiêu dùng chiếm khoảng 60%, đầu tư chiếm khoảng 31% và xuất nhập khẩu chiếm 8%.

Trong khi xuất khẩu dự báo gặp nhiều thử thách để tạo ra đột phá lớn. Tổng mức thương mại hàng hóa toàn cầu được dự báo tăng trưởng chỉ 2-3% năm 2025. Trong khi 60% thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dự kiến gặp khó khăn. Vì vậy, đầu tư và tiêu dùng được ưu tiên tập trung.

“Đầu tư hiệu quả phải đi đôi với chỉ số ICOR thấp. ICOR là chỉ số vốn đầu tư vào nền kinh tế để tạo ra một đồng GDP. Nếu ICOR cao nghĩa là chúng ta tốn quá nhiều vốn. Bài học tăng trưởng thần kỳ của các quốc gia láng giềng như Hàn, Nhật, Trung Quốc cũng đi kèm với chỉ số ICOR thấp. Muốn tăng trưởng 8-9% thậm chí 2 con số thì ICOR chỉ được ở mức 2-4.

Với nhận định trên, TS. Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ có các giải pháp để tăng thu nhập của người dân, kích thích tiêu dùng nội địa.

Để làm được điều đó, chúng ta cần tăng chất lượng đầu tư, tập trung vào các dự án có hiệu quả kinh tế cao, tránh đầu tư dàn trải; tăng cường quản lý các dự án, giảm tổn thất, lãng phí và đảm bảo tiến độ thi công; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động qua đào tạo và ứng dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả sản xuất;

Các chính sách tài khóa, tăng tốc giải ngân Đầu tư công, cải cách hành chính, số hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng tầm hiệu quả quản lý nhà nước đặc biệt quan trọng” - Ông Tuấn nói.

Tín hiệu đáng mừng là các dự án trọng điểm quốc gia đang đi đúng tiến độ như: Đường cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, Nâng cấp sân bay TSN: Nhà ga T3, Đường vành đai 3 HCM, Đường dây 500KV Quảng Trạch,... và các dự án khác sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực như bất động sản, tiêu dùng,...

Đầu tư công còn đóng vai trò dẫn dắt cho đầu tư tư nhân. “Chúng tôi kỳ vọng đầu tư công sẽ bứt tốc, đặc biệt trong nửa cuối năm 2025. Qua đó khơi thông dòng vốn đầu tư kinh tế tư nhân vốn chững lại trong 3 năm qua” - Ông Tuấn cho hay.

Dự báo về tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 và những năm tiếp theo, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng tiêu dùng cuối cùng vẫn là động lực rất mạnh vì tiêu dùng cuối cùng chiếm tới 2/3 GDP của toàn nền kinh tế. Do đó, cần có các giải pháp để kích thích động lực tiêu dùng cuối cùng.

Gia tăng thu nhập cho người dân

Mặc dù tiêu dùng cuối cùng được xem là động lực rất mạnh và quyết định cho sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong những năm qua dù có chuyển biến nhưng còn rất chậm. Vì thế, trong năm 2025 và những năm tiếp theo, Việt Nam cần có nhiều giải pháp hiệu quả để kích thích động lực tiêu dùng cuối cùng.

Theo đó, ông Lâm kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp để tăng thu nhập của người dân: “Để có thể tiêu dùng, người dân phải có thu nhập. Vì vậy, cần phải có chính sách để tất cả người lao động đều có thu nhập và là thu nhập khả dụng, tức là thu nhập do bản thân làm ra hoặc do chuyển nhượng”.

Bên cạnh giải pháp tăng thu nhập, Chính phủ cần có thêm các giải pháp hỗ trợ người lao động sẵn sàng tìm kiếm việc làm.

“Thị trường lao động tại Việt Nam đang gặp tình trạng đáng lo ngại là khu vực phi chính thức chiếm tỷ trọng rất lớn, nhiều người dân không muốn vào doanh nghiệp làm việc, đặc biệt là sau đại dịch Covid 19. Vì vậy, ông đề xuất có các chính sách để tạo việc làm, giúp người lao động tìm kiếm được việc làm và an tâm làm việc ở khu vực chính thức”, ông Lâm khẳng định.

Đồng thời, cần nâng cao thu nhập và sức mua của người dân thông qua các chính sách tạo việc làm, hỗ trợ người lao động tiếp cận cơ hội việc làm và điều chỉnh các chính sách thuế như tăng mức giảm trừ gia cảnh hoặc giảm thuế VAT.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý rằng, với mức lạm phát được kiểm soát trong khoảng 3% như hiện nay, nếu chờ đợi đến khi lạm phát rất cao mới điều chỉnh thì mức thuế giảm trừ gia cảnh đã ảnh hưởng nhiều đến thuế thu nhập của gia đình. Vì vậy, cần phải có cái chính sách thuế phù hợp và có thể áp dụng cho từng tầng lớp dân cư từ thu nhập thấp, trung bình tới cao.

Ngoài ra, cũng cần thúc đẩy phát triển thương mại hiện đại và thương mại điện tử trong nước, tận dụng sự gia tăng của tầng lớp trung lưu có xu hướng sẵn sàng chi tiêu cho các sản phẩm chất lượng cao.

Cuối cùng, ông Lâm kiến nghị Chính phủ có những chính sách tài khoá hỗ trợ người dân, chính sách tín dụng cho tiêu dùng.

“Cần có những giải pháp đồng bộ trên các mảng lớn để tăng thu nhập, tăng sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm, sản phẩm đa dạng, đồng thời phát triển cả ba hệ thống thương mại. Có như vậy mới có thể tích cầu tiêu dùng”, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định.

Hàng hóa trong nước phải cạnh tranh hơn

Không chỉ bàn về giải pháp thúc đẩy động lực tiêu dùng, TS. Nguyễn Bích Lâm còn nhấn mạnh, để động lực này có thể tác động mạnh mẽ vào tăng trưởng chung, người dân Việt Nam cần tăng cường tiêu dùng đối với hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam.

“Vấn đề cốt lõi là người Việt Nam phải ưu tiên hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước. Nếu người dân tiêu dùng hàng nhập khẩu và sử dụng dịch vụ nhập khẩu vô hình chung sẽ làm cho GDP trong nước giảm đi”, ông Lâm nêu rõ.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh cũng cho rằng, cần có giải pháp kích thích tiêu dùng tập trung vào hàng hoá dịch vụ và du lịch trong nước.

Ông Linh dẫn chứng, năm 2024 Việt Nam nhập siêu dịch vụ du lịch, trước đây người Việt ít đi du lịch nước ngoài nhưng đặc biệt trong năm 2024 tăng đáng kể. Nguyên nhân cơ bản là do có những thời điểm, giá vé máy bay từ Hà Nội đi Bangkok (Thái Lan) còn rẻ hơn đi Phú Quốc.

“Những tính toán rất đơn giản, bình dân như vậy điều hướng tiêu dùng của người dân Việt Nam. Như vậy đặt ra vấn đề, chúng ta tập trung kích cầu hàng hoá, nhưng phải là hàng hoá trong nước chứ không phải hàng hoá nước ngoài, cần phải tính rất kỹ lưỡng về vấn đề này”, ông Linh chia sẻ.

Vị chuyên gia này cũng cảnh báo, việc người Việt Nam ưu tiên chi tiêu nhiều khi du lịch quốc tế không chỉ phản ánh nhu cầu cá nhân mà còn cho thấy sự thiếu cạnh tranh của dịch vụ và hàng hóa trong nước.

Mới đây, tại Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024, ngày 8/1/2025, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cũng khẳng định, 2025 sẽ là năm thực hiện kích cầu tiêu dùng trong nước. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới cũng thực hiện.

Theo đó, năm 2025, tập trung kích cầu tiêu dùng trong nước, trong đó có thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Khách du lịch trong nước cố gắng phấn đấu thu hút 120 - 130 triệu lượt và khách du lịch quốc tế khoảng 20 triệu. Đây là một trong những nguồn lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng.

'Kinh tế Việt Nam phục hồi ấn tượng giữa biến động toàn cầu'

'Kinh tế Việt Nam phục hồi ấn tượng giữa biến động toàn cầu'

Tiêu điểm
(VNF) - Chỉ số Niềm tin Kinh doanh tại Việt Nam (BCI) đạt mức cao nhất trong hơn 2 năm qua khi tăng vọt lên trên 60 điểm, theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam).
Cùng chuyên mục
Tin khác