'Dự án Luật Thủ đô có nhiều nội dung chính sách mang tính đột phá'

Anh Hùng - 02/12/2023 09:36 (GMT+7)

(VNF) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô đã bổ sung thêm một số chính sách mới, trong đó có nhiều nội dung chính sách mang tính đột phá, đặc thù để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện...

VNF
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận.

Phải có chính sách tìm kiếm và phát hiện nhân tài

Đồng tình với việc ban hành sửa đổi Luật Thủ đô, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ) cho biết, về chính trị, pháp lý đã có Nghị quyết số 06 của Trung ương, Nghị quyết số 15 và Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị, trong đó nhấn mạnh yêu cầu và mục tiêu: Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô trở thành thủ đô văn minh, hiện đại, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa liên kết đô thị.

Về cơ sở thực tiễn, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, qua 10 năm thực hiện Luật Thủ đô cho thấy, kết quả thực hiện các mục tiêu, giải pháp đề ra trong Luật còn nhiều hạn chế, tồn tại, nhất là về công tác quy hoạch, xây dựng, giao thông, hạ tầng văn hóa, xã hội, tôn giáo, việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển, vấn đề an sinh xã hội, phát triển khoa học công nghề và bảo vệ môi trường…

Về quy định thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Điều 17 của dự thảo, đại biểu Hùng cho rằng, đây là một nội dung hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay, nếu làm tốt sẽ giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ, đột phá để đạt được các mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, quy định tại Điều 17 còn chưa rõ, chưa đầy đủ, cần hoàn thiện để việc triển khai được khả thi. Bên cạnh đó, thực tiễn cho thấy, không thể chỉ đưa ra một số ưu đãi, chờ người tài đến với mình mà phải chủ động tìm kiếm, phát hiện, từ đó lôi kéo để thu hút họ. 

Do đó, đại biểu đoàn thành phố Cần Thơ đề nghị, cần phải có chính sách tìm kiếm và phát hiện nhân tài; làm rõ hơn khái niệm "nhân tài". Đồng thời, cần có một chương riêng về nội dung này với tên gọi "Đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao".

Nâng tỷ lệ đại biểu HĐND thành phố Hà Nội

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái) nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô trên cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn thi hành Luật Thủ đô nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng có liên quan, đặc biệt là Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đại biểu Luận cho rằng, dự thảo luật đã thể hiện khá đầy đủ, toàn diện các nhóm chính sách trên cơ sở kế thừa Luật hiện hành, đồng thời bổ sung thêm một số chính sách mới, trong đó có nhiều nội dung chính sách mang tính đột phá, đặc thù để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện...

Góp ý về số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, đại biểu này thống nhất với dự thảo Luật quy định tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố từ 95 lên 125 đại biểu. "Khi không còn HĐND quận, phường thì vai trò, trách nhiệm trong việc thẩm tra, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng sẽ do HĐND thành phố đảm nhiệm. Do vậy, việc tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố là hợp lý", ông Luận nói.

Tuy nhiên, đại biểu đoàn Yên Bái cho rằng, trong dự thảo đang đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất 25% là chưa tương ứng với số lượng nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm của HĐND thành phố Hà Nội. 

Do đó, đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần xem xét nâng tỷ lệ đại biểu HĐND thành phố hoạt động chuyên trách có thể lên ít nhất là 30 hoặc 40% như đối với đại biểu Quốc hội để đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố.

Đồng thời, ngoài nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung thêm thẩm quyền cho Thường trực HĐND thành phố trong việc cho ý kiến thống nhất với UBND thành phố trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các kỳ họp của HĐND để tạo tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện các nhiệm vụ của UBND thành phố Hà Nội.

Cùng chuyên mục
Tin khác