Dự thảo Luật Đấu giá tài sản: ‘Quy định bồi dưỡng nghiệp vụ gây lãng phí và tiêu cực’

Kỳ Thư - 10/07/2023 10:43 (GMT+7)

(VNF) - Góp ý về nội dung Dự thảo Luật đấu giá tài sản, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định bồi dưỡng nghiệp vụ bắt buộc để tránh gây lãng phí và nguy cơ tiêu cực.

VNF
Dự thảo Luật Đấu giá tài sản: ‘Quy định bồi dưỡng nghiệp vụ gây lãng phí và tiêu cực’

Cụ thể, nội dung Dự thảo đề nghị bổ sung Điều 19.2.g quy định đấu giá viên có nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ hành nghề đấu giá tài sản hàng năm. Theo VCCI, với quy định được ban soạn thảo đưa ra nhằm tránh tình trạng một số đấu giá viên có thẻ nhưng ít trực tiếp hành nghề nên không có cơ hội cập nhật các quy định pháp luật hoặc nghiệp vụ mới.

Tuy nhiên, VCCI đánh giá đây không phải tình trạng phổ biến, do đó, yêu cầu tất cả các đấu giá viên đi bồi dưỡng thường xuyên là không hợp lý. Bên cạnh đó, yêu cầu nêu trên tiềm ẩn nguy cơ gây lãng phí xã hội và có thể dẫn đến nhiều tiêu cực.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng bỏ quy định bồi dưỡng nghiệp vụ bắt buộc mà chỉ mang tính tự nguyện khi đấu giá viên cần nâng cao nghiệp vụ; chỉ yêu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ bắt buộc đối với các đấu giá viên ít điều hành cuộc đấu giá (chỉ điều hành 1-2 cuộc mỗi năm).

Ngoài quy định với đấu giá viên, nội dung nhận được nhiều sự quan tâm góp ý là về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, cụ thể là quy định về bước giá. Đại diện Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Hà Nội cho rằng, Dự thảo Luật quy định, bước giá là mức chênh lệch tối thiểu hoặc tối thiểu và có tối đa hoặc cố định giữa lần trả giá đầu tiên so với giá khởi điểm hoặc giữa lần trả giá sau so với lần trả giá trước liền kề.

Trên thực tế, có những hình thức đấu giá không có sự trả giá trước và sau như: Đấu giá bằng hình thức trả giá gián tiếp hoặc đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng.

Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Hà Nội đánh giá rằng đối với những hình thức nêu trên, áp dụng quy định mới sẽ khó khăn vì việc trả giá diễn ra cùng lúc mà không có ai trả giá trước hay trả giá sau.

Về thông báo công khai việc đấu giá tài sản, so với Luật hiện hành, Dự thảo Luật bỏ quy định về việc đăng thông báo trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá.

Việc thông báo công khai được quy định theo hướng thông báo ít nhất 2 lần trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 2 ngày làm việc.

Liên quan đến nội dung trên, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Hà Nội đề xuất, quy định này nên được xem xét kỹ lưỡng để bảo đảm các thông tin đấu giá được công khai, minh bạch. Qua đó, tránh tình trạng các tổ chức đấu giá có cách thức lách luật nhằm "thao túng" phiên đấu giá.

Góp ý cụ thể về nội dung trên, VCCI cho biết, Điều 57.1 của Dự thảo quy định nếu thay đổi các thông tin công bố công khai tại Điều 57.4 thì phải thông báo lại và phải đáp ứng thời gian tối thiểu theo Điều 35.1, tuy nhiên, Điều 57.4 không bao gồm quy chế đấu giá. Trong khi đó, Điều 34.3 của Dự thảo quy định quy chế đấu giá phải được công khai kèm theo thông báo về cuộc đấu giá.

Theo VCCI, các quy định này dẫn đến hệ quả là nếu thay đổi Quy chế đấu giá thì sẽ không phải thông báo lại (vì Quy chế này không được liệt kê tại Điều 57.4). Điều này là không thỏa đáng vì Quy chế đấu giá cũng là một trong những nội dung rất quan trọng mà người tham gia đấu giá cần phải được biết trước khi nộp hồ sơ và nộp tiền đặt trước.

"Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung Quy chế đấu giá vào Điều 57.4 của Dự thảo để áp dụng thống nhất", VCCI góp ý.

Về phía trách nhiệm quản lý nhà nước của mình, VCCI cho rằng Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định bán hồ sơ cho người tham gia đấu giá. Thay vào đó, các hồ sơ này sẽ được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử quốc gia để đảm bảo công khai, minh bạch, mọi đối tượng có thể tiếp cận.

Qua đó, VCCI khẳng định các đơn vị chức năng có thể tính đến việc bỏ quy định về thu, chi, quản lý và sử dụng tiền bán hồ sơ đấu giá do Bộ Tài chính quy định. Mặt khác, Bộ Tài chính chỉ quy định một số nội dung liên quan đến tài sản công như việc quản lý, sử dụng tiền đặt trước mà người tham gia đấu giá không được nhận lại.

Về phía Bộ Tư pháp, cơ quan trực tiếp soạn thảo dự thảo luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhấn mạnh quan điểm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong đấu giá tài sản.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng yêu cầu cân nhắc đưa vào Luật sửa đổi những nội dung chọn lọc, thật sự cần thiết nhằm khắc phục 5 nhóm hạn chế, đặc biệt về tình trạng thông đồng, dìm giá.

"Thực tế cho thấy, việc bán hồ sơ đấu giá hiện nay còn rất nhiều vấn đề có thể hạn chế quyền của người tham gia đấu giá; thời gian niêm yết thông báo đấu giá còn ngắn, chưa hiệu quả. Do vậy, nếu việc công khai hồ sơ qua mạng giúp tăng tính minh bạch thì hoàn toàn có thể quy định", Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác