(VNF) - Được đầu tư xe mới, tài xế thân thiện, có trợ giá nhưng sau 7 năm đưa vào khai thác, các tuyến xe buýt nội đô ở Đà Nẵng vẫn trong tình trạng vắng khách.
Những chuyến xe vắng khách
Một ngày cuối tháng 3/3, trên tuyến xe buýt số 11 có lộ trình từ Trạm buýt Xuân Diệu (quận Hải Châu) đến Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn). Chuyến xe khởi hành lúc 9h sáng, đi qua nhiều tuyến đường trung tâm thành phố. Cứ mỗi trạm có khách đứng chờ sẵn, phụ xe lại nở nụ cười rất tươi đón khách. Kết thúc lộ trình, chuyến xe có tổng cộng 8 khách.
Anh Trần Văn An, phụ xe tuyến buýt số 11 cho biết, tình trạng vắng khách diễn ra thường xuyên, mỗi chuyến có khoảng 5 - 6 lượt khách. Khách đi xe buýt chủ yếu là những người lớn tuổi, học sinh. Thi thoảng những vào giờ cao điểm có học sinh, xe mới đầy khách.
Tương tự, tuyến xe buýt số 8 có lộ trình từ Phạm Hùng (quận Cẩm Lệ) đến Trạm xe buýt Vũng Thùng (quận Sơn Trà) cũng trong tình trạng vắng khách.
Anh Nguyễn Văn Sinh, phụ xe tuyến xe buýt này cho biết, mỗi chuyến chỉ khoảng 4-5 khách, có vài khi khách. Vào mùa đông, khách thường đi nhiều hơn mùa này.
Trong chuyến thứ 3 của ngày 28/3, tuyến xe buýt số 8 có 2 khách, 2 chuyến trước đó cũng chỉ 4 khách và 2 khách.
Tài xế Nguyễn Thái Hiệp, tuyến xe buýt số 8 cho hay, mỗi chuyến đi xe hao tốn khoảng 3 lít xăng. Nếu tính tiền bán vé trung bình của mỗi chuyến không đủ chi phí tiền xăng.
Tuyến xe buýt số 8 và số 11 là 2 trong số 11 tuyến xe buýt trợ giá Đà Nẵng.
Giá tuyến xe buýt trợ giá một lượt là 8.000 đồng, vé tháng ưu tiên 85.000 đồng và vé tháng không ưu tiên 170.000 đồng. Ngoài ra, Đà Nẵng còn có 4 tuyến xe buýt không trợ giá.
Tiếp tục mở thêm tuyến
Nhận định nguyên nhân ế khách, phụ xe Nguyễn Văn An cho hay: “Các tuyến đường ngắn mà nhiều lúc phải chờ lâu nên người dân chọn đi xe máy cho nhanh. Cao điểm 15 phút có một chuyến, còn thấp điểm là 30 phút chuyến”.
Còn tài xế Nguyễn Thái Hiệp cho rằng, một số tuyến lộ trình chưa hợp lý, chưa khảo sát kỹ nhu cầu đi lại của người dân.
Ông Bùi Hồng Trung, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn TP. Đà Nẵng hiện có 15 tuyến xe buýt, tăng 10 tuyến so với năm 2017.
Thống kê, tháng 1/2024 có 187.000 lượt khách, tháng 2 gần 138.000 lượt khách tham gia hoạt động vận tải xe buýt. Nguyên nhân lượng khách giảm so với tháng trước là thời gian này trùng dịp Tết Nguyên đán. Hiện số khách tháng 3 của năm nay đang được thống kê nhưng về cơ bản trên dưới 200.000 lượt hành khách.
“Đây là tín hiệu đáng mừng khi thành phố mở rộng thêm một số tuyến xe buýt không trợ giá”, ông Trung nói.
Ông Trung cho biết thêm, hiện tuyến xe buýt có lượng khách lớn nhất là tuyến 16 (Kim Liên – Đại học Việt Hàn). Tuyến này có 16.000 lượt khách trong tháng 1 và 38.000 lượt khách trong tháng 2.
Tuyến có hành khách thấp nhất là tuyến 15 (Bến xe trung tâm – Bến xe phía Nam). Theo thống kê, tuyến này hơn 3.350 lượt hành khách trong tháng, bình quân mỗi chuyến 5-6 khách. Nguyên nhân là do khu vực này chưa phát triển, quy hoạch tuyến vận tải hành khách Bến phía Nam chưa tốt nên lượng khách hạn chế.
Theo ông Trung, để tăng cường thêm sự tham gia của người dân đối với xe buýt, Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, Sở đã tăng số tuyến xe, bổ sung thêm các điểm dừng chờ, bổ sung các phương thức kết nối với xe buýt cụ thể là xe đạp công cộng.
Ngoài sở cũng tuyên truyền, bổ sung ứng dụng tính năng để người dân nhận biết tuyến xe nhanh hơn thông qua các app, trên website… Đến nay các giải pháp cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyên truyền người dân đi xe buýt. Dự kiến, trong thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục mở rộng các tuyến xe buýt.
(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.