Duy trì tăng trưởng xuất khẩu top đầu thế giới: Đối mặt những vấn đề 'cố hữu'

Kỳ Thư - 03/01/2025 07:00 (GMT+7)

(VNF) - Theo đánh giá của chuyên gia, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 12% của năm 2025 tuy thấp hơn con số của năm 2024 nhưng để đạt được vẫn phải nỗ lực rất lớn và vượt qua nhiều vấn đề 'cố hữu'

Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 12%

Theo Bộ Công Thương, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 783,4 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 403,7 tỷ USD, tăng 13,8% và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 379,6 tỷ USD, tăng 16,3%.

Phải nỗ lực rất lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 12%.

Hầu hết các thị trường xuất khẩu tăng trưởng tốt với kết quả xuất khẩu sang ASEAN và các nền kinh tế như EU, Hàn Quốc, Hồng Kông, Hoa Kỳ đều tăng so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu sang các thị trường đã ký kết FTA đều đạt tăng trưởng cao. 

Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp. Cả năm nay, xuất siêu đạt 24,1 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019 - 2023, xếp thứ 23 trong 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới theo WTO và được Báo Sputnik nhận định là "ngôi sao kinh tế" của châu Á - Thái Bình Dương.

Năm 2025, Việt Nam dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 10 - 12% so với năm 2024 và cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD.

Tuy nhiên, khi nhìn nhận về mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 12% trong năm tới, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, tuy thấp hơn con số của năm nay nhưng để đạt được vẫn phải nỗ lực rất lớn.

Bởi theo ông Thành, xuất khẩu Việt Nam vẫn phải đối mặt với những vấn đề “cố hữu” liên quan đến năng lực cạnh tranh như giá trị gia tăng của nghiều ngành hàng chưa cao hay đóng góp vào xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước vẫn còn thấp.

Bên cạnh đó, dù đã nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua việc ký kết nhiều các FTA, song thời gian gần quá trình này bị trường yếu đi và các sản phẩm xuất khẩu lại tập trung vào một vài thị trường lại tăng lên.

“Đáng quan ngại, những khó khăn này sẽ có thể gia tăng trong năm 2025, khi nhiều nền kinh tế thế giới - những đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu dự báo là tăng trưởng thấp hơn năm 2024”, ông Thành lo ngại.

Tiềm ẩn rủi ro từ các chính sách thương mại của Mỹ

Ngoài những thách thức kể trên, theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, các chính sách thương mại dưới thời của Tổng thống Donald Trump cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.

“Việt Nam đang xuất siêu lớn vào Mỹ. Một số tổ chức nói rằng Việt Nam không phải là mục tiêu của Mỹ trong việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhưng doanh nghiệp Việt Nam đang rất lo lắng và họ có lý do để lo lắng”, ông Hiếu cho hay.

Tiềm ẩn rủi ro từ các chính sách thương mại của Mỹ.

Thêm vào đó, các rào cản kỹ thuật đối với thương mại cũng đang rất hiện hữu. Cụ thể, tính đến hết tháng 11/2024 đã có 267 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ đối với hàng hóa Việt Nam. Số lượng vụ việc tăng nhanh, đặc biệt là chống lẩn tránh. Giai đoạn 2001 - 2011 chỉ có 50 vụ thì từ 2012 - 2024 có 214 vụ, tăng hơn 4 lần.

Cùng nhìn nhận về những ảnh hưởng khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, nhưng ở góc độ tích cực, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế lại cho rằng, việc này có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn.

Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam. Ngay cả khi ông Trump thực hiện lời hứa khi tranh cử là sử dụng thuế quan để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, với mức thuế lên đến 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và 20% đối với nhập khẩu từ các nước khác.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, linh phụ kiện điện tử, máy tính,… vẫn sẽ có lợi thế khi có giá thành thấp hơn Trung Quốc, do đó có thể chiếm lĩnh một phần thị phần tại thị trường này.

Ngoài ra, kinh tế thế giới đã phục hồi tốt hơn so với dự báo trước đó, lạm phát  cũng đã giảm về gần mục tiêu mà nhiều Chính phủ đặt ra. Do đó, nhiều nước cũng đã hạ lãi suất cơ bản, như Mỹ hạ lãi suất liên tiếp hai lần về 4,5 - 4,75%, hay Liên minh châu Âu (EU) cũng ba lần hạ lãi suất trong năm về mức 3,25%.

“Lãi suất đồng USD, Euro vẫn có xu hướng giảm trong năm tới, đồng nghĩa với việc các nhà nhập khẩu Mỹ, EU có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn, hỗ trợ mạnh cho xuất khẩu của Việt Nam”, ông Thịnh nói.

Nông sản Việt: Năm mới, cùng điểm lại những con số kỷ lục

Nông sản Việt: Năm mới, cùng điểm lại những con số kỷ lục

Thị trường
(VNF) - Liên tiếp nhiều năm qua, xuất khẩu nông sản năm sau cao hơn năm trước, phá vỡ nhiều giới hạn mà các chuyên gia cảnh báo về diện tích, năng suất cũng như thị trường.
Cùng chuyên mục
Tin khác