Năm 2025: 'Việt Nam có cơ hội tăng trưởng đến 8%'

Kỳ Thư - 01/01/2025 08:00 (GMT+7)

(VNF) - Ông Lương Văn Khôi - Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, trong năm 2024, nền kinh tế Việt Nam có nhiều bứt phá. Bước sang năm 2025, Việt Nam có nhiều cơ hội để đạt được mục tiêu tăng trưởng lên tới 8%.

Kinh tế Việt Nam 2024 tăng trưởng 7.25%

- Kinh tế Việt Nam trong năm 2024 đã có những điểm nhấn bứt phá nào, thưa ông?

Ông Lương Văn Khôi: So với những năm trước, trên mọi phương diện, năm 2024, kinh tế Việt Nam có rất nhiều sự bứt phá.

Thứ nhất là sự điều hành quyết liệt của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là của Chính phủ với mục tiêu phục hồi nền kinh tế một cách nhanh và bền vững.

Trong năm qua, về nửa cuối năm, khi nhận thấy khu vực đầu tư công đang có dấu hiệu chững lại, Chính phủ đã có những biện pháp để tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả là đầu tư công được đẩy mạnh giải ngân trong những tháng cuối năm.

Sự bứt phá tiếp theo nằm ở kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể kim gạch xuất nhập khẩu đã tăng rất mạnh trong 11 tháng đầu năm, tăng cao hơn năm 2023 và xấp xỉ 2022, đủ thấy sự bứt phá về xuất khẩu. Điều này cũng cho thấy nền kinh tế đang dần phục hồi một cách bền vững.

Ông Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thứ hai, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng tăng mạnh. Trong 11 tháng đầu năm, giải ngân vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đạt trên 21 tỷ USD. Tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường so với tỷ lệ đăng ký mới đã giảm đi nhiều trong 9 tháng. Tuy nhiên, nếu nhìn con số về vốn đầu tư mới vào thị trường, sẽ thấy rất xán lạn. 

Thứ ba, tăng trưởng của khu vực đầu tư tư nhân, từ những năm Covid đến nay đã tăng mạnh từ dưới 50% lên trên 50%. Trong khi đó, do ảnh hưởng từ những biến động chính trị thế giới và Covid-19, đầu tư khu vực nhà nước và FDI giảm.

Điều đó cho thấy mức độ đầu tư, giải ngân của khu vực ngoài nhà nước là rất mạnh, dẫu đối diện với biến động. Tôi cho rằng đây là động lực rất lớn cho kinh tế Việt Nam.

Tiếp nữa, Việt Nam thực hiện đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số rất mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương. Tôi cho rằng đây cũng là yếu tố kích thích tăng trưởng. Tôi tính toán rằng trong những ngành công nghiệp nền tảng, chủ lực, mũi nhọn, doanh nghiệp có thực hiện tự động hóa sẽ có năng suất cao hơn so với các doanh nghiệp không tự động hóa.

Ví dụ như ngành thép, năng suất tăng 50%. Những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cho sản phẩm, tổ chức, quy trình cũng có năng suất tăng cao so với các doanh nghiệp không thực hiện đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, nhu cầu của thị trường tiêu dùng trong nước cũng tăng, thu nhập và năng suất lao động tăng so với thời kỳ Covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy tăng trưởng.

- Chỉ còn ít ngày nữa là kết quả kinh tế Việt Nam 2024 sẽ được công bố. Ông dự đoán như thế nào về tăng trưởng kinh tế 2025?

Ông Lương Văn Khôi: Tôi dự đoán kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ tăng trưởng 7.25%. Năm nay, bên cạnh sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, nhu cầu của thế giới trong năm nay cũng tăng mạnh, dẫu có nhiều biến động về chính trị.

Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động và áp lực, Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng cao theo kế hoạch, với các chỉ tiêu lớn như tăng trưởng GDP, năng suất lao động vượt kế hoạch.

Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư vẫn còn là vấn đề. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 11 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xã hội chỉ đạt trên 73%. Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt trên 54% trong 11 tháng. Do vậy, còn 1 tháng cuối năm, để đạt được kế hoạch sẽ khó. Dẫu khó khăn, nhưng với sự quyết liệt ở Hà Nội, TP. HCM cam kết giải ngân theo kế hoạch, tôi nghĩ mục tiêu này vẫn có thể đạt được.

Khu vực tư nhân sẽ tăng trưởng mạnh mẽ

- Mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho 2025 từ 6,5-7% đã được đặt ra. Đáng nói Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn, đặt mục tiêu 8% trong năm 2025. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn,  ?

Ông Lương Văn Khôi: Với mục tiêu đặt ra là tăng trưởng GDP 8%, tôi vẫn cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội đạt được bởi nhiều lý do.

Đầu tiên, thị trường xuất khẩu sẽ vẫn có xu hướng tăng mạnh, do hiện tại Việt Nam đang có rất nhiều các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, AVFTA,...

Với nhiệm kỳ mới của tổng thống Donald Trump, dù có chính sách ảnh hưởng đến Việt Nam, nhưng Việt Nam cũng có nhiều điểm có lợi ở việc chuyển dòng vốn đầu tư từ nước láng giềng (TQ) sang nước ta. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang có những chính sách của Chính phủ về thu hút FDI chất lượng cao vào các ngành công nghiệp mới như bán dẫn, AI,... 

Chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nếu chúng ta thực hiện đầy đủ các công nghệ, kỹ thuật của cách mạng 4.0. Theo tôi biết, tới đây Việt Nam sẽ ban hành Nghị định về AI, trước đây ta đã có Nghị định 52 về chuyển đổi số đang được triển khai và có tác động tích cực. Với đóng góp của cách mạng 4.0 và công nghệ số, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng thêm 4.7 tỷ USD, ảnh hưởng rất lớn đến các ngành như nông nghiệp, chế biến thực phẩm. 

Tôi nghĩ rằng chúng ta phải đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực nông lâm thủy sản, theo hướng ứng dụng công nghệ cao để tăng chất lượng, phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân cũng đang có xu hướng tăng mạnh và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư của xã hội và đặc biệt với sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, môi trường kinh doanh sẽ được tháo gỡ nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển.

- Nhưng ở góc độ doanh nghiệp, cho tới hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp rời thị trường vẫn tăng cao, điều này cho thấy doanh nghiệp vẫn thực sự khó khăn. Ông có nghĩ rằng thực tế kinh doanh của doanh nghiệp sẽ khởi sắc hơn trong năm 2025?

Ông Lương Văn Khôi: Trong năm 2025, khu vực tư nhân sẽ tăng trưởng mạnh mẽ với vốn đầu tư tăng mạnh hơn. Bên cạnh đó, đầu tư từ nhà nước sẽ là mồi dẫn dắt cho nền kinh tế phát triển.

Ví dụ trong năm 2025, đầu tư công vào cơ sở hạ tầng liên kết vùng sẽ tăng rất mạnh với các công trình lớn như tàu Bắc - Nam, điện hạt nhân,... Hạ tầng giao thông liên kết sẽ tạo ra mối liên kết giữa các vùng, tạo các vành đai công nghiệp, thúc đẩy mức độ lưu thông hàng hóa rất lớn. Đặc biệt trong năm 2025, 63 tỉnh thành sẽ thực hiện đồng loạt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện rất lớn cho tăng trưởng.

Đầu tư từ nhà nước sẽ là mồi dẫn dắt cho nền kinh tế phát triển.

Nhìn chung, có thể thấy xuất khẩu tăng trưởng mạnh, vốn FDI tăng trưởng mạnh là những động lực tăng trưởng truyền thống cho kinh tế Việt Nam năm 2025. Bên cạnh đó, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đang là những động lực mới tạo ra sức tăng trưởng rất mạnh cho nền kinh tế Việt Nam. 

- Các chính sách kinh tế của Mỹ được dự báo sẽ có tác động lớn tới kinh tế Việt Nam. Ông có dự báo như thế nào về tác động của chính sách này tới nền kinh tế?

Ông Lương Văn Khôi: Chính sách của Mỹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam, bởi hiện nay Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, có thặng dư thương mại rất lớn. Chính sách của Trump sẽ áp thuế vào các nước xuất siêu vào Mỹ, trong đó có Việt Nam.

Do đó, Việt Nam cần đảm bảo sự cân bằng, tránh rủi ro về áp đặt thuế. Khi ông Trump tranh cử, ông tuyên bố rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Việc này có nhiều tác động tới Việt Nam, đặc biệt liên quan đến cam kết Net zero 2050 của Việt Nam, khi hỗ trợ và đầu tư cho chuyển đổi xanh sẽ gặp nhiều hạn chế.

Ngoài ra, việc rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris cũng hàm ý tới việc đầu tư nhiều hơn cho năng lượng hóa thạch, dẫn đến sự giảm giá xăng dầu trong thời gian tới. 

Về chính sách tiền tệ, ông Trump kế thừa khoản nợ chính phủ rất lớn. Không gian chính sách tài khóa thời ông Trump sẽ thu hút, chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng, ảnh hưởng rất lớn đến tỷ giá hối đoái và xuất khẩu hàng hóa Việt Nam. 

Tuy nhiên, cũng có một điểm quan trọng, đó là những chính sách đánh vào Trung Quốc của ông Trump cũng sẽ rất mạnh.

Do đó, dòng vốn đầu tư vào những nước khác bị áp thuế mạnh sẽ chuyển sang Việt Nam, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới, và đầu tư sẽ không chỉ trong lĩnh vực công nghệ cao mà còn những lĩnh vực khác, tạo ra những cơ hội rất lớn cho Việt Nam. 

Bên cạnh cơ hội, sẽ còn có những thách thức. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tôi tin rằng sẽ tạo những tác động tích cực đối với kinh tế Việt Nam năm 2025. Con số tăng trưởng 8%, theo tôi nghĩ, là không khó để đạt được.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Doanh nghiệp tư nhân trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Doanh nghiệp tư nhân trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Tiêu điểm
(VNF) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, sau 40 năm Đổi mới, đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam ngày càng trưởng thành và lớn mạnh hơn.
Cùng chuyên mục
Tin khác