Doanh nhân là trụ cột trong kỷ nguyên vươn mình
(VNF) - Một quốc gia cường thịnh không chỉ mãi là giấc mơ của ngàn đời nay nữa, mà sẽ dần hiện thực hóa với mọi cố gắng của mỗi người chúng ta, trong đó, đông đảo nhất, chính là đội ngũ doanh nhân. Họ là lực lượng dẫn đầu xã hội trong công cuộc canh tân mới.
Đất nước ta đã có những kỷ nguyên phát triển bền vững kéo dài nhiều trăm năm. Đã có nhiều cuộc canh tân lớn trong quá khứ. Do những yếu tố về địa chính trị, lịch sử Việt Nam phần lớn là những trang kiên cường máu và lửa, là các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, nhưng khát vọng canh tân kiến quốc, dù lúc thăng lúc trầm, vẫn luôn luôn là nguồn mạch bền bỉ trong hành trình dựng nước và giữ nước.
Theo dòng lịch sử, có nhiều thời kỳ các thương nhân làm ăn phát đạt, giàu có để làm cho “nước cường dân thịnh”. Nhưng đọc trong những trang sử đất nước, thấy rõ một điều là chúng ta chưa có thật nhiều cơ hội tầm quốc gia trong các mối quan hệ lân bang và khu vực để vươn tới hiện thực hóa những giấc mơ thịnh vượng lớn lao.
Bây giờ chính là thời điểm cho một cuộc canh tân đất nước mới, mở ra kỳ vọng về một kỷ nguyên giàu mạnh, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định trong dịp Kỷ niệm Quốc khánh năm nay. Đây là một “Khởi điểm lịch sử mới, một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Hành trình đi qua chông gai và máu lửa của người Việt trong lịch sử hiện đại, hành trình tạo lập nên thời cơ và vị thế của đất nước Việt Nam hôm nay, tiếng gọi của khát vọng thịnh vượng trong những giấc mơ thịnh trị của tiền nhân, đã mang đến cho chúng ta những trải nghiệm và nhiều bài học quý báu.
Trong cuộc canh tân mới mẻ và tầm cỡ này, phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích và đề cao mọi cá nhân cùng đất nước làm giàu, phát triển kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, tôn trọng những quy luật khách quan nhưng chú trọng những đặc thù và sáng tạo riêng của quốc gia, đấy như là ta đang mở ra một mặt trận lớn, một cuộc lên đường mới.
Một quốc gia cường thịnh không chỉ mãi là giấc mơ của ngàn đời nay nữa, mà sẽ dần hiện thực hóa với mọi cố gắng của mỗi người chúng ta, trong đó, đông đảo nhất, chính là đội ngũ doanh nhân. Họ là lực lượng dẫn đầu xã hội trong công cuộc canh tân mới. Những gì đã làm được, những gì còn dang dở, thậm chí thất bại, sẽ là tiền đề cho mỗi doanh nhân trên chặng đường phía trước.
***
Thời điểm xuất hiện những thương nhân đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có lẽ rõ nhất chính là dưới thời nhà Lý (1009 -1225), bắt đầu bằng sự kiện Lý Công Uẩn lên ngôi, rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, nơi trung tâm đất trời có thế “rồng phục, hổ chầu”. Nhà Lý xây Văn Miếu, Quốc Tử Giám, mở khoa thi quốc gia để chọn hiền tài tài, đề ra “Ngụ binh ư nông” và nhiều chính sách lớn làm cơ sở cho một triều đại kéo dài nhất trong lịch sử nước ta, tới 216 năm.
Chính là vào thời kỳ này, với việc lập nên thương cảng Vân Đồn, nước ta bắt đầu có giao lưu thương mại, buôn bán với các nước. Vân Đồn ở phía Bắc cùng với cảng Diễn Châu ở phía Nam, cùng có vị trí quan trọng, thuận lợi cho các tàu biển cập bến. Thương nhân từ Trung Quốc, Chiêm Thành, Trảo Oa (đảo Java), Lộ Lạc (Lavo), Xiêm La, đảo Sumatra… nhộn nhịp qua lại buôn bán.
Ngoài con đường qua thương cảng Vân Đồn, nhiều người dân còn thu mua, buôn bán, xuất nhập khẩu hàng hóa qua những con đường bộ xuyên biên giới. Đồng tiền của nhà Lý phát hành được phổ biến, được song song sử dụng với các loại tiền của Trung Quốc và các nước trong khu vực…
Nhà Trần tiếp nối cơ nghiệp giang sơn của nhà Lý, tiếp tục những phát triển kinh bang tế thế kéo dài thêm cho thời kỳ vàng son của hai triều đại đến gần 400 năm. Kinh thành Thăng Long thời nhà Trần càng tỏ rõ ra là trung tâm buôn bán lớn nhất, có hai cửa mở thông ra hai cảng sông Giang Khẩu và Đông Bộ Đầu. Người buôn bán chủ yếu là người sản xuất trong các phường, là thợ thủ công kiêm thương nhân. Thời kỳ này ghi nhận việc đã bắt đầu xuất hiện những thương nhân chuyên nghiệp.
Thương nhân nước ngoài người Trung Quốc và người Hồi Hột đã vào kinh thành Thăng Long để kinh doanh. Ngoài thương cảng Vân Đồn, đã hình thành thêm các cảng biển như Hội Thống, Cần Hải (Nghệ An), Hội Triều (Thanh Hóa)… thu hút thêm nhiều thương nhân từ Diệp Điều (Java), Thiện (Miến Điện), Thiên Trúc (Ấn Độ)… tìm đến. Hàng hóa của Đại Việt được đẩy mạnh xuất khẩu rộng hơn ra ngoài biên giới.
Thời Lê sơ ghi nhận sự xuất hiện thêm trung tâm thương mại Phố Hiến. Vua Lê Thánh Tông tiếp bước những cải cách canh tân thời nhà Trần, tiếp tục mở mang bờ cõi đất nước về phía Nam. Trong giai đoạn này cũng ghi nhận sự phát triển, trở nên sầm uất của thương cảng Hội An, trở thành nơi giao thương biển lớn nhất trong vùng Đông Nam Á và Nam Á.
Phố Hiến ở Hưng Yên ngày nay, là một thương cảng nằm trên sông Hồng, ở đoạn giữa biển Đông lên Kinh thành Thăng Long, cách Thăng Long 55 cây số đường sông. Phố Hiến lần đầu được định danh trong cuộc cải cách hành chính thời vua Lê Thánh Tông. Từ đó, Phố Hiến phát triển lớn mạnh lên nhanh như một địa điểm trung chuyển lớn nối Thăng Long qua các tuyến đường sông, đường ven biển với các thị trường phía nam và các nước phía Bắc là Nhật Bản, Trung Quốc, các nước vùng Đông Nam Á, rồi phương Tây như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp... Thương nhân nước ngoài đến buôn bán kinh doanh ở Phố Hiến, ngoài người Trung Quốc và Nhật Bản, đã có thêm các thương nhân châu Á đến từ Xiêm La, Mã Lai, Lữ Tống (Philippines)... Thương nhân phương Tây, ngoài người Hà Lan và người Anh, còn có người Bồ Đào Nha và Pháp. Người Bồ Đào Nha là người phương Tây đến Phố Hiến sớm nhất. Đó là những thương nhân độc lập, không lập công ty, không đặt thương điếm.
Thời kỳ này đã ghi nhận sự xuất hiện các cơ sở đại diện thương mại của các nước phương Tây ở Phố Hiến, là Thương điếm Hà Lan (1637), Thương điếm Anh (1672). Đây là văn phòng đại diện và hệ thống nhà kho của các Công ty Đông Ấn của Hà Lan và Anh. Phố Hiến ngày ấy đã trở thành một biểu tượng giao thương và phát triển ở Đàng Ngoài, kéo theo sự phát triển nhiều mặt cho cả vùng đồng bằng Bắc bộ.
Sau đó, vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Nguyễn Hoàng cai quản phía Nam, cùng với con trai là Nguyễn Phúc Nguyên, đã xây dựng thành lũy, ra sức phát triển kinh tế Đàng Trong, mở rộng giao thương buôn bán với nước ngoài. Đến thời các chúa Nguyễn kế nghiệp sau đó, ở Đàng Trong là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp hàng hải mậu dịch quốc tế, là thời đại hoàng kim của hệ thống thương mại Đông Á.
Hội An từng là một điểm trên cung đường tơ lụa xuyên biển châu Á, càng được chú trọng, trở thành thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Thuyền buôn lớn của Nhật Bản, Trung Hoa, của các nước châu Á và phương Tây đã tấp nập cập bến thương cảng này.
Trên những vùng đất do chúa Nguyễn cai quản, có những khu phố nước ngoài hình thành dựa trên một số luật lệ nhằm bảo hộ cho các hoạt động thương mại của người ngoại quốc. Khoảng năm 1617, phố Nhật Bản ở Hội An được hình thành và phát triển cực thịnh trong đầu thế kỷ 17 kéo dài đến thế kỷ 18.
Vào giữa thế kỷ 19, Việt Nam trở thành một mục tiêu dưới con mắt của người phương Tây trong kế hoạch mở rộng thuộc địa. Năm 1858, liên quân Pháp và Tây Ban Nha đổ bộ vào bán đảo Sơn Trà, mở đầu cuộc xâm lược. Năm 1883, vua Tự Đức chết, triều đình rối loạn. Pháp tiến đánh cửa biển Thuận An ở Huế. Sau đó, nhà Nguyễn lần lượt ký Hòa ước Harmand và Hòa ước Patenote, bán dần quyền cai quản đất nước cho người Pháp.
Kể từ đó, sau gần 30 năm xâm lược và bình định, người Pháp đã đặt sự thống trị toàn diện về mọi mặt trên tất cả lãnh thổ Việt Nam. Pháp dựng lên các ông vua lên làm bù nhìn. Để tăng cường khai thác thuộc địa, nước Pháp cho xây dựng các hạ tầng cơ sở và hệ thống đường bộ, đường sắt làm giao thông chính xuyên qua đất nước. Cùng với đó, người Pháp đưa vào các ngành công nghiệp khai thác và sản xuất mới. Nhiều thành phố lớn được phát triển như Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn. Nhiều đô thị mới được xây nên theo kiến trúc của Pháp và châu Âu.
Cuối thế kỷ 19, nhiều đô thị nông nghiệp của Việt Nam đã mang dáng vẻ hiện đại gắn với máy móc, công nghiệp, công nhân, có hệ thống đèn điện, có đường tàu hỏa đến và đi. Nhà cao tầng bắt đầu được xây lên. Nhiều chức năng mới được bổ sung cho các thành phố lớn, như trung tâm hành chính, quân sự, kinh tế, thương cảng. Kinh tế thay đổi lớn kéo theo mọi mặt tư tưởng, nhận thức, văn hóa, xã hội thay đổi theo. Người Việt bắt đầu Âu hóa nhanh chóng. Tầng lớp trí thức được đào tạo theo mô hình giáo dục của Pháp và châu Âu được hình thành và bắt đầu có vai trò tác động, tạo nên những chuyển biến lớn trong tư tưởng, văn hóa xã hội. Cũng từ phát triển kinh tế thuộc địa mà ở Việt Nam, sang thế kỷ 19, đã lần đầu tiên hình thành và xuất hiện hai tầng lớp mới. Đó là giới tư sản và tiểu tư sản.
Đến đầu thế kỷ 20, trong hai tầng lớp tư sản và tiểu tư sản Việt Nam đã có nhiều người thành công lớn trên thương trường, tên tuổi trở nên lừng lẫy, được sách báo ghi lại. Ở phía Bắc là “Vua tàu thủy đất Bắc” Bạch Thái Bưởi, chủ hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi Trịnh Văn Bô, nhà đại tư sản quý tộc Đỗ Đình Thiện khai sinh ra nghề sản xuất sơn dầu ở Việt Nam, chủ hãng sơn Gecko Nguyễn Sơn Hà, chủ nhà in số một Đông Dương Ngô Tử Hạ… Ở miền Nam, là những đại doanh gia trong “Tứ đại phú hộ”: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”. Rồi tiếp đến là Huỳnh Văn Hoa (Chú Hỏa), Trần Trinh Trạch, Quách Đàm, Trương Văn Bền, Trần Chánh Chiếu…
Việc xuất hiện những tên tuổi doanh gia trên là bằng chứng cho năng lực tài giỏi trong nắm bắt cơ hội để làm giàu của người Việt. Những doanh gia này đã kinh doanh với tinh thần tự chủ, vượt qua những sóng gió dữ dội của thương trường để làm nên sản nghiệp. Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, nhiều nhà tư sản dân tộc đã đồng hành chiến đấu, cùng đi qua cuộc kháng chiến trường kỳ để bảo vệ độc lập dân tộc.
Họ chính là những tấm gương về bản lĩnh, kiên gan và tình huynh đệ trong liên kết để phát huy sản nghiệp và chia sẻ nghĩa đồng bào trong biến cố, hoạn nạn, đã để lại nhiều kinh nghiệm và bài học cho lớp doanh nhân của thời kỳ hiện nay.
***
Trải qua gần 40 năm gần đây, tính từ thời điểm bắt đầu thực hiện Đường lối Đổi mới năm 1986 đến chủ trương tăng cường phát triển kinh tế tư nhân để trở thành động lực quan trọng của công cuộc phát triển hiện nay, chúng ta đã tạo dựng nên nhiều thành quả lớn, làm thay đổi và ghi dấu ấn vượt trội trong lịch sử phát triển của đất nước. Những thay đổi làm cho chúng ta càng vững tin vào nội lực của mình. Một đội ngũ doanh nhân mới đã được hình thành đông đảo, là rường cột cho công cuộc kiến tạo tương lai thịnh vượng.
Doanh nhân Việt Nam thời hiện đại xuất hiện trong xu thế phát triển và hợp tác toàn cầu. Họ mang trong mình những phẩm chất tiếp nhận được từ các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, những giá trị văn minh mới, đồng thời tiếp nối những giá trị truyền thống từ mơ ước thịnh vượng, hùng cường của dân tộc từng kinh qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc, qua những cuộc canh tân khai mở trong quá khứ. Họ đã được bồi đắp để hình thành bản lĩnh, thích ứng những đòi hòi của thời kỳ phát triển mới.
Ngay trong thời đại mới, từ khi bắt đầu hình thành đội ngũ doanh nhân hiện nay, cũng có bao nhiêu tấm gương về bản lĩnh và kiên định trong vượt thoát định kiến và trói buộc, để mở đường làm ăn. Nhiều doanh nhân đã trải qua sóng gió dữ dằn vẫn bền chí kinh doanh. Với họ, vượt qua thử thách ngặt nghèo để bắt đầu, hay bắt đầu lại con đường làm ăn, không bao giờ là muộn cả.
Doanh nhân Việt ngày nay là nhân vật trung tâm của thời kỷ nguyên số trong xu thế phát triển và hợp tác toàn cầu. Họ là kết tinh của các trào lưu, các cuộc cách mạng khoa học trên thế giới với những giá trị văn minh và tiến bộ mới, đồng thời tiếp nối những giá trị truyền thống từ mơ ước thịnh vượng, hùng cường của một dân tộc đã từng kinh qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc, qua những cuộc canh tân khai mở trong lịch sử, để đồng hành cùng toàn cầu. Đến thời hiện tại, dấu ấn của doanh nhân Việt đã trở nên rộng mở hơn bao giờ hết. Trong giao thương của thời hiện đại, người Việt không chỉ tiếp thu và hưởng thụ những thành quả thịnh vượng của thế giới, mà còn sáng tạo và đóng góp vào thành tựu kinh tế chung của nhân loại.
Nhân vật doanh nhân thời nay là đã dần hiện lên như một hình ảnh đáng ngưỡng vọng. Nhiều doanh nhân Việt Nam được xếp hạng tỷ phú thế giới. Đấy là những doanh nhân bản lĩnh, có phẩm chất và năng lực nền tảng, có hoài bão và kiên định. Họ là nguồn cảm hứng, là tấm gương dẫn dắt ước vọng dựng xây thịnh vượng. Đã có một cụm danh từ mới là “Doanh nhân dân tộc” để xưng gọi những doanh nhân tiêu biểu này.
Nhà bác học Lê Quý Đôn, khi bàn luận về liên kết vai trò của bốn thành phần làm thành rường cột phát triển đất nước, đã viết: “Phi nông bất ổn/Phi công bất phú/Phi thương bất hoạt/Phi trí bất hưng”. Doanh nhân ngày nay là “4 trong 1”. Họ là nông dân, công nhân, thương nhân và trí thức gộp lại trong một con người, với những hàm nghĩa rộng mở và hiện đại. Doanh nhân vừa tổ chức sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, vừa tạo nên thương hiệu và phát triển thị trường. Nhiều doanh nhân ngày nay là những trí thức lớn hoặc là những người trẻ có học thức cao, được đào tạo kỹ càng từ các trường học danh tiếng. Họ đã phát triển thành một đội ngũ đông đảo với những phẩm chất tốt đẹp để trở thành nhân vật trung tâm, là trụ cột trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trên con đường phát triển.
***
Từ sau khi đất nước thống nhất đến nay, với biết bao nhiêu vấn đề hậu chiến, bao nhiêu xung đột trên bình diện khu vực và toàn cầu, tương lai đất nước đã càng ngày càng hiện ra hoàn thiện với những nhận thức và hoạch định mới. Những nhận thức và hoạch định ấy được hình thành nên cả từ những bài học về thất bại, những trải nghiệm sai lầm, duy y chí hay những lột xác từ chấn chỉnh đội ngũ sau những phẫu thuật đau đớn với tha hóa, cá nhân chủ nghĩa và suy thoái. Tất cả những điều ấy cũng là những chuẩn bị cho việc đón lấy thời cơ phát triển đất nước hiện nay.
Bây giờ, sau những chuẩn bị, trải nghiệm và kinh nghiệm quốc gia mấy chục năm vừa qua, cũng là đã đến thời điểm đi nhanh tới cao trào phát triển đất nước. Một công cuộc canh tân, phát triển nhằm tới thịnh vượng quốc gia hội tụ cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa…
Thiên thời đã hiện ra. Thế giới, sau bao nhiêu biến chuyển, dù đang diễn biến phức tạp, nhưng hợp tác và thông thương vẫn là dòng chủ lưu. Các nền kinh tế từ khép kín với nhiều rào cản đã trở nên mở rộng luật chơi, đầy cạnh tranh, nhưng rất sòng phẳng. Mọi quốc gia, từ lợi thế và năng lực của mình, có thể tham gia vào những chuỗi cung ứng toàn cầu, không phân biệt những thể chế khác nhau, miễn là tôn trọng những giá trị chung. Mọi nền kinh tế quốc gia bây giờ đã đều trở nên bình đẳng và có thể đàng hoàng tham gia mọi “cuộc chơi” toàn cầu.
Địa lợi cũng đã sẵn sàng. Từ một vị thế bị phân biệt, thậm chí kỳ thị, Việt Nam đã trở nên có vị thế bình đẳng chính trị trong khu vực và trên toàn thế giới. Việt Nam đã tham gia và có tiếng nói uy tín trên mọi diễn đàn, từ khu vực, châu lục tới Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Đất nước Việt Nam hiền hòa, ở vào vị trí địa chính trị quan trọng, có nguồn nhân lực dồi dào, có nguồn tài nguyên phong phú, có nền tảng để xây dựng những nền sản xuất lớn với đa dạng sản phẩm hữu ích cho con người và nhân loại.
Nhân hòa đang vun đắp. Cả dân tộc đều nóng lòng cho phát triển. Đồng thuận và yên bình là mong đợi của mọi người người dân. Người Việt, không chỉ ở trong nước, mà tứ tán sau bao nhiêu binh lửa ở khắp nơi trên thế giới, đều mong muốn bước trên con đường trở về cố quốc. Bao nhiêu mong ước dường như đang như tụ về…
Chưa bao giờ đất nước có vị thế và hội tụ để hướng tới phát triển như hiện nay. Việt Nam là một quốc gia cường thịnh, sẽ không chỉ mãi là giấc mơ của ngàn đời nay nữa, mà đang hiện thực hóa dần trước mọi cố gắng của mỗi người chúng ta, trong đó có vai trò quan trọng nhất là đội ngũ doanh nhân đông đảo, với tâm thế nắm lấy và tận dụng triệt để thời cơ để đi nhanh tới cái đích quyến rũ đang vẫy gọi phía trước.
Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân 2024 có độ dày 300 trang, in khổ 21x28cm trên giấy couche 4 màu. Giá bán: 198.000 đồng/cuốn. Liên hệ đặt mua: Chị Thu Trang, điện thoại: 0989631133. Email: [email protected].
Nhọc nhằn kinh tế tư nhân
- Việt Nam không còn hiếm những ngôi sao tỷ USD 12/10/2024 08:00
- Cần đại bàng Việt Nam dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam 11/10/2024 03:00
- Nâng cao vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế 13/10/2024 09:00
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.