Cần đại bàng Việt Nam dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam

TS. BÙI THANH MINH PHÓ GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN VĂN PHÒNG BAN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN (BAN IV) - 11/10/2024 15:00 (GMT+7)

(VNF) - Sau gần 40 năm thực hiện Chính sách Đổi mới (1986), Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 1986-2022, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Việt Nam đạt 6,45%, cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới là 3,01%; GDP bình quân đầu người đã tăng gần 10 lần, đạt 4.124 USD vào năm 2022(1).

Doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự thành lực lượng dẫn dắt

Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2023, GDP của Việt Nam đạt 430 tỷ USD, xếp hạng thứ 37 trên thế giới và GDP bình quân đầu người đạt 4.284 USD(2). Mục tiêu hiện tại của Việt Nam là trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045.

Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam cần đạt được mức tăng trưởng 7% trung bình hàng năm trong cả giai đoạn. Những thành tựu và mục tiêu đó, muốn đạt được, không thể không nhắc đến vai trò của khu vực kinh tế tư nhân.

Doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự thành lực lượng dẫn dắt.

Khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã trải qua quá trình phát triển với nhiều biến động. Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, doanh nghiệp tư nhân không được công nhận chính thức.

Từ sau Đổi Mới, khu vực tư nhân được chính thức công nhận là một phần của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với đa thành phần sở hữu. Điểm chuyển đổi chính sách quan trọng là sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 1999, kích hoạt sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Từ đó, khung pháp lý và chính sách cho khu vực tư nhân liên tục được tăng cường và phát triển.

Trong giai đoạn năm 2016 - 2021, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp bình quân khoảng gần 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động; tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm khoảng 34,1%, cao hơn mức đóng góp 27,7% của các doanh nghiệp nhà nước(3).

Đáng chú ý, sự đóng góp của kinh tế tư nhân vào tổng thu ngân sách nhà nước đã tăng từ 13,88% năm 2016 lên 18,5% năm 2021 và chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực tư nhân là động lực chính tạo việc làm, giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống, và thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và bền vững tại Việt Nam.

Nguồn vốn từ khu vực kinh tế tư nhân cũng đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng từ 51,3% năm 2016 lên đến 59,5% năm 2021 và thường ở mức 50-60% tổng đầu tư toàn xã hội. Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 60% lao động trong các loại hình doanh nghiệp, với tốc độ tăng bình quân gần 4%/năm.

Nếu tính cả lao động trong các hộ kinh doanh thì các doanh nghiệp khu vực tư nhân và hộ kinh doanh chiếm gần 74% lao động đang làm việc. Các doanh nghiệp khu vực tư nhân đã giúp hàng triệu lao động chuyển từ công việc có thu nhập thấp trong ngành nông nghiệp sang các công việc có năng suất cao hơn và có thu nhập cao hơn.

Tuy nhiên, sức mạnh của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt như kỳ vọng.

Trong số gần 900.000 doanh nghiệp cả nước năm 2021, doanh nghiệp tư nhân là nhóm chiếm đến 96,6% nhưng chỉ đóng góp 57,8% trong cơ cấu doanh thu tổng thể và thường xuyên bị lỗ. Chỉ khoảng 40-50% doanh nghiệp báo lãi trong giai đoạn từ năm 2016-2021. Năm 2021, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân lỗ lên đến 50.7%(4). Trong khi đó, hiệu suất sinh lợi của doanh nghiệp tư nhân năm 2021 chỉ đạt 1.6% (so với mức 2.5% của doanh nghiệp nhà nước và 5.2% của doanh nghiệp FDI). Giá trị lãi trước thuế của nhóm này cũng không đáng kể so với doanh nghiệp lớn.

Điểm yếu của khu vực tư nhân cũng thể hiện qua sự thiếu vắng các doanh nghiệp lớn, có khả năng dẫn dắt. Dù cả nước đã có một số doanh nghiệp lớn, có thương hiệu nhưng chưa nhiều, chưa đồng đều ở các ngành nghề. Trong số 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn giao dịch chứng khoán thì đến tháng 6/2024 có đến 4 ngân hàng, trong đó chủ yếu là các ngân hàng quốc doanh. Trong số 50 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á theo bảng xếp hạng của Fortune 2024, Việt Nam chỉ có 5 doanh nghiệp, trong đó chỉ có Vingroup là doanh nghiệp tư nhân nhưng cũng chỉ ở vị trí thứ 43. Các giá trị thương hiệu Việt Nam ở tầm khu vực tương đối hạn chế so với các quốc gia Đông Nam Á khác. Theo bảng xếp hạng của Kantar BrandZ năm 2023, Việt Nam duy nhất có 1 thương hiệu là Vietcombank nằm trong top 30 mà không có thương hiệu của doanh nghiệp tư nhân nào(5).

Quá trình phát triển và lớn mạnh của doanh nghiệp tư nhân chủ yếu bằng quá trình tự phát triển; hình thức M&A chưa phổ biến. Tuy nhiên, do gặp nhiều trở ngại trong quá trình phát triển, số lượng doanh nghiệp tư nhân trong nước từ quy mô nhỏ vươn lên quy mô vừa, từ quy mô vừa vươn lên quy mô lớn khá ít ỏi. Tốc độ chuyển dịch quy mô khá chậm, nhiều doanh nghiệp phải mất 10-20 năm để phát triển thành quy mô vừa.

Hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là thiếu vắng các doanh nghiệp tư nhân lớn, có khả năng dẫn dắt tạo ra “nút thắt cổ chai” trong quá trình phát triển của kinh tế Việt Nam. Dù kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần hàng năm và không đạt được mục tiêu 7% hàng năm để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Xét theo năng suất lao động, dù năng suất lao động Việt Nam tăng trưởng bình quân 5,5% trong giai đoạn 2016-2020, một tốc độ tăng khá tốt, tuy nhiên xét về giá trị tuyệt đối, năng suất lao động của Việt Nam năm 2023 chỉ đạt 18,4 nghìn USD/lao động (199,3 triệu đồng). So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam vẫn đang thuộc “câu lạc bộ” năng suất thấp. Trong bối cảnh các cạnh tranh về lao động giá rẻ đang qua đi thì năng suất lao động cần phải là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Doanh nghiệp tư nhân đối mặt với khó khăn ngay cả trên sân nhà

Những con số trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cho thấy sự hấp dẫn trong môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam dường như đang phải đối mặt với nhiều khó khăn ngay trên sân nhà. Bên cạnh những khó khăn truyền thống vẫn được nhắc đến như (i) Môi trường kinh doanh vẫn thiếu thuận lợi, vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước; (ii) Doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, vốn, thị trường, khách hàng và các bất lợi về thuế, hải quan; (iii) Rủi ro về thay đổi chính sách và pháp luật kinh doanh khiến việc đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp thường có tính ngắn hạn, nhỏ lẻ mà không có tính chiến lược dài hạn thì đến hiện nay, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn phải thích ứng với các xu hướng mới trên thế giới, trong đó có chuyển đổi xanh, như một hàng rào kỹ thuật.

Doanh nghiệp tư nhân đối mặt với khó khăn ngay cả trên sân nhà.

Trong bối cảnh đa số là doanh nghiệp nhỏ, quản trị yếu, kỷ luật thị trường chưa cao, chưa chú trọng đầu tư cho R&D thì thách thức và khó khăn với doanh nghiệp tư nhân Việt Nam càng trở nên rõ nét.

Trong bối cảnh đó, chính sách của nhà nước cần phải đóng vai trò “bà đỡ”, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân vượt qua các thách thức, nâng cao năng lực nội tại và thích ứng tốt hơn với các thay đổi từ thị trường từ đó đóng góp tốt hơn vào các mục tiêu kinh tế xã hội của quốc gia. Nền kinh tế của một quốc gia chỉ thực sự vững mạnh, tăng trưởng chỉ thực sự bền vững khi có sự đóng góp, sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là sự hình thành của các doanh nghiệp tư nhân lớn, có khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Về dài hạn, để nâng cao năng lực của doanh nghiệp tư nhân, có thể tính đến một số bài toán lớn:

Phát triển các doanh nghiệp tư nhân lớn, có tác động lan tỏa: Bài học thành công từ các quốc gia Đông Á đều chỉ ra vai trò của các doanh nghiệp lớn, có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Xét về mặt tổng thể, các doanh nghiệp này sẽ thúc đẩy, cải thiện năng suất sản xuất chung và tạo tác động lan tỏa tích cực. Nhiều quốc gia với sự xuất hiện của các tập đoàn lớn như Intel (ở Costa Rica) hay Nokia (ở Phần Lan) đã làm thay đổi cả bộ mặt kinh tế về mặt cơ cấu ngành nghề và xuất khẩu của cả quốc gia.

Bên cạnh đó, với năng suất và mức độ sáng tạo cao, doanh nghiệp lớn thường có xu hướng lan truyền tích cực kiến thức, chuyên môn cho nền kinh tế bằng nhiều cách khác nhau. Điều này có thể được giải thích bởi trong mối quan hệ kinh tế, doanh nghiệp lớn thường đặt ra các yêu cầu cao về mặt chất lượng, quy cách sản phẩm dịch vụ, từ đó thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ phải thay đổi cấu trúc tổ chức, quản lý, điều hành và năng lực tài chính để đáp ứng.

Để phát triển được các doanh nghiệp lớn, bên cạnh giải quyết các khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải, cần có tư duy chuyển nguồn lực đến doanh nghiệp hiệu quả hơn. Cần xác lập các bài toán lớn quốc gia, các cơ chế đặc thù để từ đó thu hút sự tham gia và trợ lực cho doanh nghiệp tư nhân. Đường sắt cao tốc, các đội tàu vận tải, xe điện, công nghiệp bán dẫn, năng lượng sạch… là những bài toán có thể thu hút và nâng tầm doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Tiên phong trong chuyển đổi xanh để đẩy mạnh chuyển đổi nền kinh tế: Bên cạnh mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam còn có mục tiêu đạt được Net-zero vào 2050. Trong bối cảnh thế giới chuyển sang phát triển bền vững, một cơ hội bước ngoặt có thể đến với Việt Nam nếu đi tiên phong.

Mc Kinsey & Company (2022) đã nhận định: Việt Nam có thể theo đuổi 3 sáng kiến để chuyển đổi nền kinh tế sang xanh với rất nhiều ưu thế.

Thứ nhất, Việt Nam có thể trở thành trung tâm năng lượng tái tạo nhờ tận dụng thế mạnh độc đáo về năng lượng tái tạo với chi phí cạnh tranh để cung cấp năng lượng xanh trong nước và khu vực. Thứ hai, phát triển các cụm công nghiệp – dịch vụ xanh để tăng tính xúc tác chuyển đổi xanh cho các ngành hiện hữu như thép và khuyến khích các ngành đột phát như trí tuệ nhân tạo cũng như ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp xanh. Thứ ba, tận dụng ưu thế giá rẻ trong sản xuất hydro/ammonia xanh có giá canh tranh cho các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản. Theo ước tính của Mc Kinsey & Company, các sáng kiến này có thể mang lại 40-50 tỷ USD vào năm 2030 (với 150.000 việc làm) và 210 tỷ USD vào năm 2045 (với 800.000 việc làm vào năm 2045). Doanh nghiệp tư nhân nên được hỗ trợ, thúc đẩy để tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh bắt buộc này.

Về ngắn hạn, Nhà nước cần có các chính sách để giảm bớt các khó khăn về tiếp cận vốn, thị trường, hay phát triển năng lực quản trị, vốn là khó khăn và điểm yếu của doanh nghiệp tư nhân hiện nay:

Phát triển thị trường vốn hiện đại để hỗ trợ doanh nghiệp: Đặc trưng của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là vốn mỏng, chủ yếu phụ thuộc vào tín dụng.

Do đó, khi điều kiện kinh tế có biến động và tiếp cận tín dụng khó khăn, doanh nghiệp ngay lập tức điêu đứng. Do đó, cần phát triển thị trường vốn hiện đại, đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp tư nhân ở các cấp độ khác nhau. Hai trọng tâm của phát triển thị trường vốn hiện đại là nâng hạng thị trường chứng khoán và chuyên nghiệp hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế để huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp.

Hỗ trợ mở rộng thị trường, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế: Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết và cơ bản kết thúc đàm phán 17 FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Điều này mở ra cơ hội xuất khẩu cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, từ sau đại dịch Covid 19, khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đều cho thấy đơn hàng là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp. Điều này cho thấy cần nhiều giải pháp để có thể phát huy hiệu quả quả tác động của các FTA. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, hỗ trợ kết nối, xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ rào cản thương mại, thúc đẩy các hướng đi mới, các thị trường mới cho doanh nghiệp.

Nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp: động lực giúp doanh nghiệp tiếp thu kiến thức mới, thông lệ tốt giúp nâng tầm hoạt động để bắt kịp ý tưởng, sản phẩm, công nghệ của các quốc gia phát triển. Vai trò của Nhà nước là giúp giảm thiểu các rào cản thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, quản trị và tiếp cận thị trường mới.

Những kiến thức hay thông lệ tốt vẫn luôn được cải tiến hàng ngày trên toàn cầu, đi từ những khâu quản lý chất lượng, quản lý hàng tồn kho, dòng tiền và đến cả các vấn đề quản trị nhân sự. Vì vậy, cần có các chính sách giúp các thông lệ này trở nên dễ tiếp cận là điều cần thiết để giúp tăng năng suất và hiệu quả hoạt động. Thêm một vấn đề trong quản trị là đào tạo đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp kế cận, đặc biệt là trong các doanh nghiệp gia đình với nhiều đặc thù về hoạt động và chuyển giao.

Cuối cùng, cần tích hợp các chỉ tiêu về phát triển doanh nghiệp tư nhân vào đánh giá hiệu quả của hệ thống quản trị địa phương, như các chỉ tiêu thu hút FDI, tăng trưởng GDP… để tạo ra sự bình đẳng, hỗ trợ dành cho doanh nghiệp tư nhân.

Để trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần xây dựng hệ chính sách sao cho ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn như Vingroup, FPT, Hòa Phát, Trường Hải, Vinamilk.

Kinh tế tư nhân và nỗ lực hoàn thiện thể chế

Kinh tế tư nhân và nỗ lực hoàn thiện thể chế

Tiêu điểm
(VNF) - Kinh tế tư nhân có bước phát triển về số lượng, tính trung bình trong hàng chục năm qua mỗi năm có trên 100 nghìn doanh nghiệp được thành lập, số vốn đăng ký hằng năm đạt trên 100 nghìn tỷ đồng. Đến nay chúng ta có gần 900 nghìn doanh nghiệp và khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
Cùng chuyên mục
Tin khác