Kinh tế tư nhân khó chưa từng có: 'Đẩy mạnh cải cách thể chế'

TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng CIEM - 10/10/2024 11:30 (GMT+7)

(VNF) - Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang phải đối diện với những khó khăn chưa từng có khi lần đầu tiên trong nhiều tháng liên tiếp số doanh nghiệp mới thành lập xấp xỉ số doanh nghiệp rời đi.

Để gỡ khó cho doanh nghiệp lúc này, bên cạnh những chính sách hỗ trợ ngắn hạn như giảm thuế phí, giảm lãi vay, phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế. Đây mới là giải pháp căn cơ để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân và vực dậy nền kinh tế một cách bền vững.

Nhận diện những khó khăn chính

Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đang rơi vào giai đoạn khó khăn, thể hiện trên mấy điểm như sau:

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung

Thứ nhất, là nhìn vào số doanh nghiệp mới gia nhập và rút khỏi thị trường. Trước đây thông thường 4 doanh nghiệp gia nhập, 1 doanh nghiệp rút khỏi thị trường nhưng thời gian gần đây số doanh nghiệp rời khỏi thị trường đang tương đương thậm chí có lúc nhiều hơn doanh nghiệp mới thành lập. Tính chung 8 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới là 103.658 doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, trong 8 tháng đầu năm, cả nước có 124.684 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Thứ hai, đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân rất quan trọng, chiếm 55% - 60% tổng đầu tư xã hội. Những năm trước khu vực này tăng trưởng từ 15-17%/năm, những năm 2023 chỉ đạt khoảng 2,3%. Quý I năm nay tăng 4,2% nhưng so với trước đây vẫn thấp hơn đáng kể. Đáng nói trong mấy năm trở lại đây, đầu tư tư nhân dường như mất đà.

Thứ ba, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm đã tạo nên những tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Trong tất cả các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, đầu tư công luôn đóng vai trò quan trọng là vốn mồi dẫn dắt nền kinh tế nên khi đầu tư công chậm lại, khả năng dẫn dắt không còn thì tất cả các thành phần kinh tế khác, trong đó có kinh tế tư nhân đều chịu ảnh hưởng. Thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy dự kiến hết quý III/2024, cả nước ước giải ngân được 320.566,5 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 42,96% kế hoạch và đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 đạt 47,75% kế hoạch và đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Kinh tế tư nhân đang phải đối diện với nhiều khó khăn lớn.

Ngoài những vấn đề như đã nói trên, kinh tế tư nhân hiện nay còn đối diện với nhiều khó khăn khác như khó tiếp cận vốn, tiếp cận tín dụng, khó mở rộng thị trường, tỷ giá trồi sụt liên tục hoặc quá cao, chi phí đầu vào cao….

Lỗi tại thủ tục quá nhiều?

Thực tế cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ tình hình thế giới. Nhưng đây không phải lần đầu chúng ta đứng trước những khó khăn như vậy. Việt Nam đã trải qua khủng hoảng tài chính châu Á 1997, rồi suy thoái toàn cầu 2008 - 2009… Vì vậy, khi nền kinh tế và doanh nghiệp tư nhân khó khăn như hiện nay, tôi quan tâm nhiều hơn đến nguyên nhân nội tại, trong đó quan trọng nhất là môi trường kinh doanh.

Nếu môi trường kinh doanh thuận lợi như yêu cầu, mong muốn của chính chúng ta thì sẽ phần nào bù đắp được những khó khăn do bối cảnh bên ngoài. Nhưng tôi chưa quan sát thấy các yếu tố như vậy. Đó cũng là lý do khiến đầu tư tư nhân trong nước đang mất đà và có tốc độ tăng trưởng thấp trong mấy năm.

Có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, tôi thấy rõ nhất là các khâu giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp rất chậm, khiến họ mất niềm tin. Hoặc không ai quyết cho họ làm khiến việc đầu tư chậm trễ. Trong một lần gặp gỡ doanh nghiệp, có vị doanh nhân nói với tôi để làm một dự án ở khu công nghiệp trước đây mất khoảng 23 - 24 tuần cho tất cả các bước thủ tục. Còn bây giờ phải mất thời gian gấp 3 - 4 lần như thế. Có những nhà đầu tư vì những thủ tục này mà bỏ dự án.

Ngoài ra, các quy định trong lĩnh vực đất đai cũng là rào cản lớn của doanh nghiệp. Thậm chí, các quy định này còn khiến việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn. Tôi được biết có nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng dự án cũng không được vì không còn nguồn đất, tìm nơi khác cũng khó được giải quyết, hoặc giải quyết chậm, khiến họ mất cơ hội đầu tư. Thậm chí có những quy định “cười ra nước mắt” khi yêu cầu doanh nghiệp mở rộng đất đai, giải phóng mặt bằng phải có ý kiến của người dân xung quanh (Nghị định 35/2023 sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng). Nhưng khu công nghiệp thì lấy đâu người dân? Doanh nghiệp loay hoay mãi với quy định này và không biết phải làm thế nào nên đành bỏ cuộc.

Hay một điều đáng lưu tâm là hiện nay, doanh nghiệp không muốn nhận bất cứ hỗ trợ nào của Nhà nước theo lối xin – cho và có xu hướng không muốn dính dáng đến sử dụng vốn, tài sản Nhà nước cả trực tiếp và gián tiếp. Họ sợ thanh tra, kiểm tra và kết luận có sai phạm... Thực ra, khi Luật Doanh doanh nghiệp ra đời triết lý người dân được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm đã khơi dậy trong lòng người dân và doanh nghiệp không ít kỳ vọng và hứng khởi. Nhưng tiếc rằng qua quá trình thực thi tinh thần tự do kinh doanh - điều kiện cần và đủ để làm nên sự thành công của Luật Doanh nghiệp suốt 20 năm qua, vẫn chưa tràn ra khỏi phạm vi của Luật này. Điều này được minh chứng rõ ràng qua cà phê xin chào.

Ngoài ra, hiện nay việc tuân thủ đúng pháp luật vẫn là một thách thức cho người kinh doanh. Ra các trục đường ven đô, đường mới, mọi người có thể thấy những trạm bán xăng nằm kề nhau, mang thương hiệu khác nhau. Trước năm 2018, quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu không cho phép điều này. Tương tự như 20 năm trước, một đường phố ở Hà Nội không thể có 3 quán phở. Rồi kinh doanh gas phải có hầm chứa bao nhiêu m3, có bao nhiêu vỏ bình…. đã khiến chi phí tuân thủ pháp luật tăng cao.

Cơ hội gia nhập thị trường của nhiều ngành đã mở, nhưng trong nhiều ngành, lĩnh vực khác, người kinh doanh mới nhận được quyền tự do kinh doanh cái gì, còn kinh doanh như thế nào, bao nhiêu... thì vẫn chưa. Trong giấy chứng nhận đầu tư Nhà nước vẫn ghi chấp thuận đầu tư bao nhiêu, công suất bao nhiêu... Hay điều kiện kinh doanh vận tải hành khách ghi rõ chiều dài các cạnh của phù hiệu dán trên xe...

Cùng với đó, vấn đề “hậu kiểm” việc thực hiện hậu kiểm khiến doanh nghiệp khó khăn. Hiện nay, vấn đề hậu kiểm đang được thực hiện theo hướng là cứ để doanh nghiệp ra đời, sẽ thanh tra, kiểm tra và xử phạt sau.

Thiết kế của ban đầu chúng tôi không phải như vậy, mà theo nghĩa là kiểm soát rủi ro trên việc đánh giá mức độ an toàn và thực thi pháp luật của doanh nghiệp, quản lý nhà nước chỉ tập trung vào nhóm có rủi ro cao. Nhưng khi mang tư duy kiểm tra để phạt, sẽ không thể có cơ chế, chính sách dễ tuân thủ, chi phí thấp được. Cộng với hệ thống quy định dầy đặc, mỗi năm thêm cả chục luật, hàng trăm nghị định, thông tư, hàng ngàn công văn điều hành..., thì đúng là không ai an tâm kinh doanh được và không ít doanh nghiệp có tư duy đi tìm “ô dù”.

Cải cách thể chế kinh tế là điều kiện tiên quyết.

Và cuối cùng, điều tôi muốn nói tới là vấn đề thực thi pháp luật. Tôi đã từng nghe nhiều lời chia sẻ như: “đọc một số quy định pháp luật có liên quan, thấy các quy định đó như những cái bẫy đối với người thực hiện, nên sợ”.

Đặc biệt, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức có tâm lý sợ làm sai, sợ trách nhiệm và suy nghĩ thà chịu bị kỷ luật hơn là bị truy cứu hình sự. Điều này là khiến doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân chịu ảnh hưởng nặng nề.

Cải cách thể chế kinh tế là điều kiện tiên quyết

Công bằng mà nói, ở góc độ nào đó chúng ta đã tạo ra môi trường kinh doanh tự do hơn, an toàn hơn bằng việc cắt bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh. Nhưng với việc ban hành thêm luật hay thêm nghị định là thêm điều kiện kinh doanh.

Chúng ta bỏ được vài nghìn điều kiện trong năm nay, nhưng các năm sau sẽ xuất hiện vài trăm điều kiện kinh doanh khác. Ở đây, rõ ràng tôi thấy có cái gì đó chúng ta vẫn tư duy và quản lý theo lối cũ, chứ chưa tiếp cận việc xây dựng pháp luật theo cách mới.

Đó là điều mà tôi cho rằng chúng ta nên nghiên cứu, bởi nếu không thay đổi cách xây dựng pháp luật thì khi đối diện với sự phát triển của thị trường, Chính phủ sẽ phải loay hoay tìm cách quản lý và không loại trừ khả năng lại đặt ra những điều kiện kiểu xin – cho.

Thực tế, đã từ rất lâu, tôi luôn luôn nhấn mạnh: “thể chế, thể chế và thể chế” bởi chất lượng của thể chế quyết định đến sự thành bại của một quốc gia. Nhìn lại năm 2020 về số lượng, các văn bản quy phạm pháp luật không có sự thay đổi nhiều, không có quá nhiều văn bản mới ra đời, cũng không có văn bản nào ra đời mà tạo ra được đột phá quá lớn.

Xét về bản chất, số lượng văn bản không có nhiều so với trước nhưng xét về nội dung lại chưa có đột phá quá nhiều. Về mặt nội dung, nhìn nhận các văn bản này cũng chỉ tiếp tục tinh thần cải cách của các năm trước.

Trước đây, chúng ta đã tạo ra một môi trường kinh doanh tự do hơn, an toàn hơn bằng việc đưa ra danh mục hạn chế/cấm đầu tư kinh doanh và sau đó là cắt bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh. Nhưng bây giờ, cứ ban hành thêm luật hay nghị định là thêm điều kiện kinh doanh thì rõ ràng có cái gì đó cho thấy chúng ta vẫn tư duy và quản lý theo lối cũ, chứ chưa tiếp cận việc xây dựng pháp luật theo cách mới. Đó là cái mà tôi cho rằng cần tiếp tục khắc phục.

Do đó, nếu không thay đổi cách xây dựng pháp luật thì khi đối diện với sự phát triển của thị trường, Chính phủ sẽ phải loay hoay tìm cách quản lý và không loại trừ khả năng đặt ra những điều kiện kiểu xin - cho. Và như thế, chúng ta bỏ được vài nghìn điều kiện trong năm nay thì các năm sau sẽ xuất hiện vài trăm điều kiện kinh doanh khác, chúng ta sẽ không thay đổi được chất lượng của thể chế cũng như không tạo ra áp lực buộc phải thay đổi.

Lâu nay chúng ta nói nhiều đến cải cách thủ tục, đặc biệt là thủ tục hành chính. Tuy nhiên, thực tế vấn đề của chúng ta là nằm ở luật nội dung chứ không chỉ dừng lại ở thủ tục.

Do đó, cải cách thể chế trong thời gian tới phải bắt đầu từ vấn đề đầu tiên phải sửa tư duy, phải tư duy thị trường, để thị trường phân bổ nguồn lực, để thị trường vốn hóa tài sản... từ đó, những gì thị trường tự điều chỉnh được thì để thị trường quyết định. Những gì nhà nước đáng quản thì quản ví dụ như môi trường, tài nguyên.

Cùng với đó, các thị trường nhân tố sản xuất như đất đai, lao động... phải hoàn thiện, để tránh quan hệ thân hữu. Hệ thống pháp luật phải đồng bộ, thống nhất. Về hệ thống pháp luật, theo tôi nên bỏ loại hình “thông tư”.

Và cuối cùng, theo tôi, kinh tế thị trường cần sự phát triển của hệ thống tòa án. Do đó cải cách thể chế cần quan tâm tăng cường năng lực và vai trò của Toà án. Toà án không chỉ giải quyết các vụ khiếu kiện hành chính, mà phải có cả cơ chế để tòa án giải quyết các khiếu kiện bộ ngành ban hành chính sách sai.

Ngoài ra, có lẽ nên bỏ thanh tra ngành, bởi nếu thanh tra theo kế hoạch, khi mà doanh nghiệp đang hoạt động bình thường lại vào thanh tra, mà đã thanh tra thì kiểu gì cũng tìm ra cái sai. Theo tôi, nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật, phải có cơ chế khởi kiện ra tòa giải quyết minh bạch và cần nhanh về thời gian. Hãy để các bên tự bảo vệ quyền của mình bằng cơ chế thông qua Tòa án giải quyết.

Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân 2024 có độ dày 300 trang, in khổ 21x28cm trên giấy couche 4 màu. Giá bán: 198.000 đồng/cuốn. Liên hệ đặt mua: Chị Thu Trang, điện thoại: 0989631133. Email: [email protected].

Kinh tế tư nhân Việt Nam: Thách thức và triển vọng trong bối cảnh mới

Kinh tế tư nhân Việt Nam: Thách thức và triển vọng trong bối cảnh mới

Tiêu điểm
(VNF) - Năm 1986, với tuyên ngôn “phát triển nền kinh tế nhiều thành phần”, thực chất cốt lõi là cho phép kinh tế tư nhân phát triển và chuyển sang kinh tế thị trường (KTTT), công cuộc “Đổi Mới” đã tạo một bước ngoặt lịch sử cho nền kinh tế Việt Nam.
Cùng chuyên mục
Tin khác