Kinh tế tư nhân Việt Nam: Thách thức và triển vọng trong bối cảnh mới

PGS.TS. TRẦN ĐÌNH THIÊN VIỆN KINH TẾ VIỆT NAM - 09/10/2024 12:30 (GMT+7)

(VNF) - Năm 1986, với tuyên ngôn “phát triển nền kinh tế nhiều thành phần”, thực chất cốt lõi là cho phép kinh tế tư nhân phát triển và chuyển sang kinh tế thị trường (KTTT), công cuộc “Đổi Mới” đã tạo một bước ngoặt lịch sử cho nền kinh tế Việt Nam.

Lịch sử thăng trầm

Nhờ đổi mới tư duy, từ một vị thế thấp kém, bị chèn ép, trói buộc, lực lượng kinh tế tư nhân trỗi dậy đã tạo ra phép màu: đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, xác lập quỹ đạo phát triển mới - quỹ đạo thị trường - mở cửa, hội nhập và đua tranh quốc tế. Kết quả đó khẳng định vai trò lịch sử và vị thế quan trọng hàng đầu của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam hiện đại ngay tại điểm khởi đầu nó được chính thức thừa nhận.

Số lượng doanh nghiệp giai đoạn 2017-2022. Nguồn Tổng cục Thống kê.

Trong gần 40 năm tiếp theo, cho đến hôm nay, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đi lên trong xu thế không thể đảo ngược. Khu vực tư nhân, lực lượng nền tảng của mọi nền KTTT, tiếp tục phát triển và đóng góp to lớn vào tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhưng trong quá trình chuyển đổi nhiều thăng trầm, bất ổn, bất định và đầy bất trắc của thế giới – thời đại, với xuất phát điểm thấp, trong môi trường cạnh tranh quốc tế khốc liệt, quá trình trưởng thành của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam lại chịu nhiều trói buộc và gặp không ít khó khăn.

“Danh vị” chính thức dành cho khu vực này trong mấy thập niên qua cơ bản chỉ là “một thành phần kinh tế ‘bình đẳng’ trong nền kinh tế nhiều thành phần”. Khu vực kinh tế tư nhân, với thành tố trụ cột là doanh nghiệp tư nhân, vẫn không được coi là lực lượng nền tảng của KTTT như ở đa số các nền KTTT trên thế giới.

Sự thừa nhận “có chừng mực” như vậy dẫn tới chỗ chức năng, vị thế của lực lượng KTTT quan trọng này chưa được định vị rõ ràng trong nền kinh tế, bất chấp sứ mệnh của nó là đưa đất nước thoát nhanh khỏi tụt hậu phát triển, sánh vai thế giới. Kết cục thực tiễn của nhận thức đó là tình trạng chậm lớn, khó phát triển của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Cho đến nay, về tổng thể, nó vẫn là một lực lượng thực lực yếu, trình độ và năng lực cạnh tranh thấp, nhất là trên bình diện cạnh tranh quốc tế.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đối mặt với cạnh tranh ngày càng quyết liệt, hơn 30 năm sau Đổi mới, tại HNTƯ 5, khóa XII (10/2017), lần đầu tiên, một Nghị quyết của Đảng - Nghị quyết 10 – xác nhận chính thức, bằng chính tên gọi của Nghị quyết: “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền KTTT định hướng XHCN”.

Kinh tế tư nhân không đơn thuần là “một trong số các thành phần kinh tế bình đẳng”, cũng không chỉ là một “động lực phát triển” nói chung mà là “một động lực phát triển quan trọng” của nền kinh tế.

Đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình chuyển biến nhận thức về động lực phát triển kinh tế thị trường ở nước ta.

Về nguyên tắc, một sự thay đổi có tính bước ngoặt trong nhận thức có thể đóng vai trò là khởi điểm của quá trình đổi mới tư duy và cải cách thực tiễn, khơi dậy sức mạnh to lớn của khu vực kinh tế tư nhân, như đã xảy ra gần 40 năm trước, năm 1986.

Nói là “có thể” là vì gần 40 năm sau cú khởi động 1986, là quãng thời gian đủ dài để Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và gần đây, Trung Quốc thực sự tạo sự “thần kỳ kinh tế”, thì Việt Nam, dù đi sau với khá nhiều lợi thế và điều kiện thuận lợi, vẫn còn cách rất xa sự “thần kỳ”, thậm chí, vẫn có nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

Cho đến nay, sau gần 40 năm đổi mới, nhiều thành tích phát triển kinh tế của Việt Nam mang lại sự tự hào chính đáng. Đặc biệt, trong 4 năm gần đây (2020-2023), trong bối cảnh kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng do dịch Covid và xung đột kinh tế toàn cầu, Việt Nam lại nổi bật lên với năng lực “chống chịu và trụ hạng”.

Nhưng, vấn đề không phải là kiểm đếm thành tích để tự hào. Để duy trì triển vọng đó, quan trọng hơn là nhận diện đúng thực trạng, chỉ ra điểm yếu, điểm nghẽn và tình trạng “có vấn đề” của nền kinh tế, đặc biệt, của khu vực tư nhân, cùng các nguyên nhân.

Theo cách tiếp cận đó, có thể chỉ ra thực trạng “có vấn đề” của khu vực kinh tế tư nhân ở những điểm chính như sau:

Tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 684.300 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Bình quân một doanh nghiệp tư nhân (DNTN) chỉ thu hút 13 lao động, thấp hơn rất nhiều so với khu vực DNNN (512,4 lao động) và khu vực FDI (229 lao động)

Về vốn, bình quân một DNNN có quy mô vốn 5.300 tỷ đồng; DN FDI - 420 tỷ đồng, còn DNTN chỉ 43,8 tỷ đồng. Đáng lưu ý là về cơ cấu, 97% số DN là vừa và nhỏ có quy mô vốn chỉ 10-12 tỷ đồng/DN. Với các DN nhỏ và vừa, 50% có doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm, 13% có doanh thu 3-10 tỷ đồng/năm, đều thuộc hạng “siêu nhỏ”. Số DN có doanh thu trên 300 tỷ đồng/năm chưa đến 1%(1).

Đương nhiên, tỷ lệ 97% DN là “nhỏ và vừa” của Việt Nam không phải là một biệt lệ trong các nền kinh tế thị trường. Điểm khác biệt là ở số lượng DNTN của Việt Nam i) quá ít so với số dân (hơn 100 triệu, bình quân 9 DN/1.000 dân(2)), ii) tốc độ tăng trưởng DN chậm, nhất là trong những năm phục hồi sau dịch Covid 2022-2024.

Một điểm khác biệt nữa là quy mô quá nhỏ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đến mức cần phải dùng thêm tính từ “siêu nhỏ” hoặc “li ti” để nhận diện. Tầm vóc “tí hon” đó là kết quả thực tế của một quá trình “chậm lớn, khó trưởng thành” kéo dài nhiều thập niên, cho dù DNTN Việt Nam có những phẩm chất phát triển có thể coi là vượt trội – ví dụ sức chống chịu rủi ro chính sách, năng lực đương đầu với mức lãi suất và chi phí giao dịch cao trường kỳ hiếm thấy ở các nền kinh tế thị trường bình thường khác.

Theo điều tra của VCCI, giai đoạn 2016-2020, bình quân một DNTN Việt Nam có chưa đến 20 lao động và 1,2 tỷ đồng (54.000 USD) vốn đầu tư cố định. Về cơ cấu ngành, số DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo - nền tảng của công nghiệp hóa, trụ cột của sự hùng cường kinh tế - chỉ chiếm 14%. Đa số DNTN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng.

Đó là bức chân dung DN Việt sau gần 40 năm chuyển sang kinh tế thị trường trong thế đi sau, mở cửa và hội nhập mạnh mẽ – với tuyệt đại đa số chủ thể “nhỏ và vừa”, trong đó “nhỏ li ti” chiếm phần đông đảo nhất.

Bằng cả lý thuyết và kinh nghiệm, dễ nhận ra rằng một nền kinh tế chuyển đổi quy mô 100 triệu dân nhưng chỉ với một số ít DN tham gia vào các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, thực sự khó có triển vọng trở thành một nền kinh tế hùng mạnh, có sức cạnh tranh cao trong thế giới mở.

Một lát cắt nhận diện điển hình khác của nền kinh tế là DN sử dụng công nghệ cao chiếm tỷ lệ thấp, chỉ 2%(3). Nguồn vốn dành cho đổi mới công nghệ chỉ khoảng 0,2-0,3% tổng doanh thu của DN. Hơn 50% DNTN vay ngân hàng chủ yếu để “trang trải hoạt động” thay vì đầu tư cho đổi mới – sáng tạo, mua sắm thiết bị máy móc và công nghệ.

Về mặt nhân lực, ngay cả khi chỉ xét lực lượng “dẫn dắt phát triển” - các nhà quản lý doanh nghiệp, trong nhiều trường hợp, đa số họ thấp về trình độ và năng lực - tốt nghiệp trung học, kinh doanh hộ gia đình, ít được đào tạo bài bản và tôi luyện trong môi trường cạnh tranh, thiếu tầm nhìn chiến lược lẫn kỹ năng quản trị DNDN hiện đại.

Về cấu trúc, sau 30 năm đổi mới, chúng ta vẫn chưa xây dựng được lực lượng DN Việt đúng nghĩa. Cho đến nay, nội hàm cấu trúc của “lực lượng DN” – các yếu tố hợp thành, vai trò, vị thế chức năng của mỗi thành tố, cơ chế vận hành, mối quan hệ liên kết - cạnh tranh, hệ thống khuyến khích, … vẫn chưa định hình rõ.

Có mấy điểm đặc trưng về cấu trúc như sau:

Thứ nhất, tình trạng phân biệt đối xử và nguyên tắc hoạt động “việc ai nấy lo” giữa các thành phần kinh tế vẫn nặng.

Thứ hai, sự quan tâm chủ yếu dành cho việc tăng số lượng DN, coi việc thành lập nhiều DN mới là một trong những thành tích chủ yếu. “Chất lượng”, “hiệu quả”, “giá trị gia tăng cao” của từng DN và đặc biệt, sức liên kết của các DN Việt với tư cách là sức mạnh tổng thể, là thế lực quốc gia trong cuộc đua tranh quốc tế vẫn chưa được đặt đúng tầm trong cả nhận thức lẫn hành động.

Thứ ba, trong bản thân khu vực kinh tế tư nhân, quá trình dịch chuyển cơ cấu diễn ra rất chậm: sau 30 năm phát triển kinh tế thị trường, khu vực kinh tế hộ gia đình – lực lượng kinh tế nhỏ yếu nhất - đóng góp khoảng 34% GDP, lớn gấp hơn 3 lần đóng góp của khối DNTN Việt - chỉ khoảng 10%(4). Đây rõ ràng là một “nghịch lý”, cho thấy tính có vấn đề nghiêm trọng trong cấu trúc nền kinh tế thị trường ở nước ta. Thực sự rất khó cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao tính độc lập, tự chủ, tự cường của nền kinh tế với một tương quan cơ cấu như vậy.

Thứ tư, phát triển trong môi trường mở cửa – cạnh tranh quốc tế, nền kinh tế nước ta thiếu các trụ cột mạnh, có khả năng bứt phá và dẫn dắt nền kinh tế trong cuộc đua tranh toàn cầu. Đi sau nhưng chúng ta chưa học tốt bài học về vai trò của các DN tư nhân lớn, các tập đoàn kinh tế hùng mạnh, được coi là những “con sếu đầu đàn” dẫn dắt cả “đàn sếu” bay trong cuộc đua tranh - cạnh tranh quốc tế hiện đại(5).

Việt Nam có một số tập đoàn kinh tế nhà nước lớn, được giao đóng vai trò “chủ đạo”, đã xây dựng được một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, từng bước khẳng định vị thế.

Song, nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, lãng phí đáng kể nguồn lực quốc gia, thậm chí, đang phải vật lộn để “trụ hạng”. Trong khi đó, tâm lý kỳ thị tư nhân chưa được giải tỏa, môi trường kinh doanh chưa bình đẳng, với nhiều rào cản thể chế, khiến DNTN, nhất là các tập đoàn tư nhân lớn, gặp không ít trở ngại phát triển(6).

Kết cục là trong giai đoạn vừa qua, trong xu thế “đi lên” khách quan của nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp Việt chưa được chú trọng phát triển đúng nghĩa với tư cách là một lực lượng, nền kinh tế thị trường Việt Nam vẫn thiếu các trụ cột đích thực. Đây là căn nguyên giải thích tại sao doanh nghiệp Việt Nam chậm lớn, khó lớn, chưa đáp ứng tốt yêu cầu cạnh tranh quốc tế và hiện đại hóa.

Xét trên tầm nhìn chiến lược, đó là hệ quả của một quá trình phát triển lâu dài, trong đó, chúng ta chưa xây dựng được một chiến lược phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam đúng nghĩa. Về cơ bản, chúng ta quan tâm nhiều đến số lượng doanh nghiệp chứ chưa tiếp cận phát triển “lực lượng doanh nghiệp Việt” theo đúng yêu cầu cạnh tranh quốc tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tự cường.

Thực trạng “có vấn đề” đó còn gay gắt hơn hiện nay, sau 3 năm nền kinh tế chống chọi với dịch Covid và những khó khăn do bất ổn kinh tế toàn cầu.

Ba năm 2020-2022 nền kinh tế trải qua đại dịch Covid và nhiều bất ổn bất thường của kinh tế thế giới. Đó là 3 năm khó khăn, thử thách khả năng chống chịu của nền kinh tế, đặc biệt là đối với khu vực tư nhân còn non yếu.

Phải khách quan thừa nhận rằng tuy nền kinh tế “trụ vững” qua mấy năm đặc biệt khó khăn vừa qua, song khu vực “nội” bị suy yếu, nhiều doanh nghiệp Việt đang bị “khát vốn”, sức lực suy giảm đáng kể trong khi các kênh dẫn vốn chính - đầu tư công, thị trường trái phiếu, cổ phiếu… bị tắc nghẽn.

Tình thế của nền kinh tế 3 năm 2022-2024 mang tính chỉ báo rất cao.

Một mặt, nó chứng tỏ năng lực quản trị, điều hành vĩ mô vững tay, khả năng “vạn biến” của Nhà nước. Nó cũng cho thấy năng lực chống chịu của nền kinh tế, đặc biệt của khu vực DNTN Việt Nam trước các cú sốc và tình trạng bất thường, bất ổn.

Mặt khác, nó chỉ rõ thực lực còn yếu của khu vực kinh tế “bản địa”, làm bộc lộ những điểm yếu cấu trúc không thể coi thường của nền kinh tế.

Với cách tiếp cận tích cực, thực trạng “nghịch lý” và gay gắt đó mở ra những cơ hội có tính lịch sử để nhận diện đúng tình thế phát triển, xác định các cơ hội tái cơ cấu, đổi mới thể chế và thúc đẩy công cuộc đổi mới – sáng tạo.

Doanh nghiệp Việt phục hồi khó khăn.

Một số nguyên nhân nổi bật:

Đã có nhiều công trình nghiên cứu, phân tích sâu và chỉ ra nhiều nguyên nhân của tình hình. Bài viết này chỉ nêu một số nguyên nhân nổi bật.

- Định hướng chiến lược phát triển các lực lượng thị trường sai lệch. Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử các chủ thể thị trường kéo dài, cơ chế phân bổ nguồn lực “xin – cho”, chia đều được duy trì quá lâu.

- Chậm thay đổi hệ thống phân bổ nguồn lực “xin - cho”, theo nguyên tắc “chọn người thắng”, thay vì nguyên tắc “khuyến khích người làm tốt”. Các chủ thể kinh tế yếu thế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dễ bị “mặc kệ phát triển”, thực chất là loại ra khỏi “cuộc chơi xin – cho”.

- Kéo dài sự khác biệt cơ chế, chính sách giữa khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI, bất lợi cho khu vực doanh nghiệp nội địa, vô hình trung thúc đẩy xu thế hình thành “nền kinh tế nhị nguyên”, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tăng trưởng và chứa đựng nguy cơ gây sai lệch định hướng chính sách kinh tế vĩ mô.

- Tư duy “chia đều”, “dàn hàng ngang” trong phân bổ nguồn lực lấn át cách tiếp cận chức năng: cơ chế “đầu tàu” giống “toa tàu”, chiến lược “quả mít” thay nguyên lý “cực tăng trưởng”, gây ra cạnh tranh “cùng xuống đáy”.

- Chậm chuyển quan hệ phân cấp, phân quyền trung ương – địa phương theo nguyên tắc thị trường; phân cấp nhưng ít phân quyền, chậm trao quyền theo chức năng và tính tự chịu trách nhiệm cho các địa phương, do đó, ĐP không thể chủ động phát triển, không thể chủ động phân bổ và sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả.

- Trong hơn 10 năm, kể từ 2011, chương trình “ba đột phá chiến lược” và “tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng” tiến triển chậm. Cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng như tái cơ cấu đầu tư công ít chuyển biến, hoạt động giải ngân đầu tư công vẫn gặp nhiều khó khăn. Hệ thống tài chính chưa có những đột phá để giảm gánh nặng và giảm rủi ro cho thị trường tiền tệ. Sự phát triển “không đều” của các thị trường, đặc biệt là thị trường đất đai và các thị trường tài chính là một trong những nguyên nhân chính làm cho việc phân bổ nguồn lực kém hiệu quả và gây rủi ro hệ thống.

Tuy là các chương trình định hướng cải cách mạnh, song thực tế cho thấy các nỗ lực hành động vẫn nặng chất “tháo gỡ”, “cơi nới” thay vì tạo “đột biến”.

Một số giải pháp cho tương lai

Tiếp tục tinh thần Nghị quyết 10 (2017) về “Kinh tế tư nhân”, Đại hội XIII của Đảng (2021) đã nêu thêm những luận điểm mới rất quan trọng về phát triển kinh tế, trong đó, nổi bật nhất là quan điểm “phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam”. Việc làm rõ về mặt lý luận quan điểm này, hiện thực hóa nó bằng các giải pháp thực tiễn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm mục tiêu phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó, “động lực quan trọng” là khu vực kinh tế tư nhân.

Trong phạm vi bài viết này, theo tinh thần đó, xin được nêu một số đề xuất thúc đẩy sự phát triển đúng hướng và mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam như sau:

Thứ nhất, xây dựng nền kinh tế, với các chủ thể “khác biệt về chức năng, bình đẳng về tư cách, được tự do kinh doanh” trên nền tảng sở hữu mới, trong đó, sở hữu trí tuệ đóng vai trò quyết định, được vận hành trong môi trường công khai, minh bạch.

Không cho phép duy trì một môi trường kinh doanh phân biệt đối xử các thành phần kinh tế theo “tư cách chính trị” hay do “quan hệ thân hữu”. Hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế được thiết kế để bảo vệ quyền tự do kinh doanh và nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng cho tất cả các chủ thể thị trường. Để yêu cầu này được thực hiện, cạnh tranh thị trường phải là cơ chế quyết định việc phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế.

Nhưng mặt khác, hệ thống đó phải thừa nhận sự khác biệt về chức năng trong vận hành nền kinh tế của các lực lượng chủ thể.

Mỗi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế - doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân Việt, hộ gia đình hay doanh nghiệp FDI - hoạt động trong những ngành nghề và địa bàn khác nhau, đảm nhiệm những vai trò chức năng không giống nhau trong nền kinh tế. Sự khác biệt chức năng là cơ sở để thực hiện sự phân biệt chính sách nhất định đối với các chủ thể cụ thể, đảm nhiệm những chức năng sản xuất – kinh doanh xác định. Nhà nước có thể dành sự ưu tiên nào đó cho việc thực hiện một nhiệm vụ chức năng cụ thể, tùy thuộc vào mức độ ưu tiên chiến lược quốc gia dành cho nhiệm vụ đó, tại thời điểm xác định, không phân biệt “thành phần”.

Về thực chất, đó là việc sử dụng công cụ khuyến khích để thực hiện nhiệm vụ ưu tiên quốc gia chứ không phải là phân biệt đối xử thành phần như vẫn tồn tại cho đến nay. Đây là quan điểm định hướng xây dựng hệ thống kinh tế thị trường hiệu quả(7) .

Thứ hai, phát triển các lực lượng chủ thể kinh tế theo tiêu chuẩn “toàn cầu hóa - công nghệ cao”, đáp ứng các yêu cầu hội nhập và cạnh tranh quốc tế hiện đại.

Ba tuyến năng lực mà các lực lượng kinh tế của Việt Nam phải tạo ra và làm chủ: Một là, năng lực công nghệ - kỹ thuật. Hai là, năng lực hội nhập quốc tế (năng lực liên kết và cạnh tranh). Ba là, năng lực quản trị hiện đại.

Cách phát triển “dò đá qua sông” thận trọng, thực chất là không khuyến khích đột phá, tạo động lực phát triển mới, bị chủ nghĩa kinh nghiệm trói buộc, cố duy trì lâu cái “cũ”, kể cái “cái đang tốt”, không còn thích hợp với thời đại biến đổi nhanh ngày nay. Nỗ lực phát triển hệ thống thị trường tài chính hiện đại phải được coi là một trong những ưu tiên cấp bách hàng đầu, gắn với sự phát triển của thị trường đất đai đang được cả nước tập trung trong việc xây dựng Luật Đất đai mới.

Đương nhiên, các chủ thể kinh tế của Việt Nam, nhất là các chủ thể kinh tế tư nhân, không thể ngay lập tức trở thành hiện đại, có năng lực cạnh tranh toàn cầu đầy đủ. Song về định hướng hành động, phải nỗ lực để họ tiến nhanh lên hiện đại, cả về công nghệ lẫn thể chế - quản trị. Việt Nam phải sớm tạo ra lực lượng chủ thể sáng tạo, làm chủ công nghệ cao, và cả các cấu trúc phát triển “thông minh” như robot, trí tuệ nhân tạo.

Trong khuôn khổ quan điểm này, cần nhấn mạnh nhiệm vụ ưu tiên phát triển thế hệ doanh nhân hiện đại, có nguồn gốc “khởi nghiệp – sáng tạo”. Đi liền với lực lượng chủ thể đó là nguồn nhân lực trí tuệ - sáng tạo và hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp với nền kinh tế định hướng công nghệ cao và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Sự ưu tiên này hàm ý: i) Chú trọng tạo lập môi trường và các điều kiện kinh doanh tốt – gồm: hạ tầng số, hạ tầng công nghệ cao, hệ thống đào tạo nhân lực chất lượng cao và hạ tầng thể chế hiện đại phù hợp - để phát triển nhanh các lực lượng chủ thể mới. ii) Áp dụng hệ thống chính sách tạo động lực và khuyến khích khởi nghiệp - đổi mới – sáng tạo hiệu lực mạnh (các chính sách thuế, phí, tài trợ phát triển, …)

Thứ ba, quan điểm xây dựng lực lượng doanh nghiệp dân tộc (doanh nghiệp Việt) hùng mạnh, với trục chính là các Tập đoàn kinh tế mạnh, cốt lõi là các tập đoàn tư nhân, có khả năng hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, có sức lan tỏa phát triển to lớn tới các lực lượng kinh tế khác (doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế cá thể, hộ gia đình nông dân).

Quan điểm này, xét về nguyên tắc định hướng, khác cách phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam mấy chục năm qua – nặng về lượng, coi số doanh nghiệp thành lập là tiêu chí chủ yếu đánh giá thành tích phát triển trong khi sức mạnh của lực lượng doanh nghiệp dân tộc với tư cách là một khối liên kết hữu cơ, xoắn quyện thành một tổng thể, trong một chiến lược phát triển doanh nghiệp quốc gia, vẫn bị xem nhẹ, chưa được đặt đúng tầm.

“Xây dựng lực lượng doanh nghiệp Việt” phải được coi là quan điểm chủ đạo trong chiến lược phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, là nội dung cốt lõi của nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế quốc gia độc lập và tự cường(8). Chiến lược, chính sách và giải pháp phát triển nền kinh tế hiện đại phải xoay quanh quan điểm này.

Quan điểm này phù hợp với chủ trương “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng” trong phát triển đất nước. Việc coi “lực lượng doanh nghiệp Việt” là nền tảng, trụ cột phát triển kinh tế quốc gia thể hiện lập trường rõ ràng đối với đầu tư nước ngoài: chú trọng thu hút FDI, nhưng không coi mục tiêu chính của thu hút FDI là tăng GDP và tạo việc làm chất lượng thấp. Chức năng chính của FDI là kết nối, lan tỏa phát triển đến khu vực nội địa, “cải biến” khu vực này về công nghệ - kỹ thuật và năng lực hội nhập quốc tế.

Quan điểm phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt với cách tiếp cận hội nhập, đề cao lợi ích dân tộc trong tương quan lợi ích hội nhập là “đồng trục” với quan điểm “xây dựng lực lượng doanh nghiệp dân tộc”.

Trong hệ quan điểm này, từ góc nhìn tương lai, cần nhấn mạnh khía cạnh phát triển lực lượng doanh nghiệp thông qua việc xây dựng và phát triển các chuỗi – mạng sản xuất do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ. Chuỗi - mạng sản xuất liên kết các doanh nghiệp lớn – vừa và nhỏ thành một khối sức mạnh, các thành tố nương tựa vào nhau để phát triển trong cạnh tranh. Nếu không như vậy, doanh nghiệp Việt khó lớn, chậm lớn, không thể trưởng thành trong cạnh tranh quốc tế – như thực tiễn thời gian qua đã chứng minh.

Học kinh nghiệm các nền kinh tế Đông Á đi trước, đưa quan điểm phát triển các doanh nghiệp/tập đoàn kinh tế tư nhân “bản địa” lên tầm mức mới, trong bối cảnh mới, phù hợp với thời đại công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập và cạnh tranh toàn cầu hóa.

Thứ tư, phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam theo nguyên tắc “tận dụng lợi thế đi sau, tiến vượt và đuổi kịp”, đưa nền kinh tế nhanh chóng thoát khỏi tình trạng tụt hậu phát triển và “tiến cùng thời đại”.

Quan điểm này nhấn mạnh đến “lợi thế đi sau” – lợi thế riêng có của các nước đi sau trong cuộc đua tranh phát triển. Vận dụng nguyên tắc “đi xe miễn phí”, nước đi sau có thể tiếp nhận các thành quả phát triển mà loài người đã tạo ra, học các nước đi trước để đúc kết các bài học thành công và thất bại; nhờ đó, có thể tăng khả năng thành công, tránh nguy cơ thất bại để tiến nhanh và đuổi kịp các nước đi trước với chi phí thấp.

Việt Nam đi sau, có khát vọng và có điều kiện tận dụng lợi thế này để tiến vượt, giải quyết vấn đề “tụt hậu phát triển”. Tuy nhiên, Việt Nam chưa tận dụng tốt lợi thế. Đặc biệt, ở khía cạnh phát triển các TPKT, cách tiếp cận truyền thống đang cản trở mở rộng tầm nhìn, đổi mới quan điểm phát triển các thành phần kinh tế phù hợp với xu thế và yêu cầu thời đại.

Được định hướng bởi quan điểm này, cách phát triển các chủ thể kinh tế phải dựa nhiều hơn vào hội nhập và hướng tới hội nhập.

Hai mục tiêu chính của định hướng đó là: i) Biến Việt Nam thành tọa độ “hội tụ” các nguồn lực phát triển hiện đại để đẩy nhanh sự phát triển của các doanh nghiệp Việt, tạo các điều kiện để sự hội tụ đó chuyển hóa thành sức mạnh, thành lợi ích phát triển của Việt Nam. ii) Rút ngắn quá trình xây dựng cấu trúc doanh nghiệp hiện đại, ưu tiên phát triển các thành tố mới (doanh nghiệp tư nhân của nền kinh tế thị trường hiện đại; doanh nghiệp khởi nghiệp – sáng tạo cho nền kinh tế công nghệ cao).

"Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân 2024 có độ dày 300 trang, in khổ 21x28cm trên giấy couche 4 màu. Giá bán: 198.000 đồng/cuốn. Liên hệ đặt mua: Chị Thu Trang, điện thoại: 0989631133. Email: [email protected].

Tăng trưởng kinh tế năm 2024 liệu có cán đích?

Tăng trưởng kinh tế năm 2024 liệu có cán đích?

Tiêu điểm
(VNF) - PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. HCM khẳng định dù bão số 3 có thể làm giảm 0,2% GDP nhưng nếu xuất khẩu và tiêu dùng vẫn tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng như hiện nay, mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,0 – 6,5% là hoàn toàn khả thi.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.