Tăng trưởng kinh tế năm 2024 liệu có cán đích?
(VNF) - PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. HCM khẳng định dù bão số 3 có thể làm giảm 0,2% GDP nhưng nếu xuất khẩu và tiêu dùng vẫn tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng như hiện nay, mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,0 – 6,5% là hoàn toàn khả thi.
- Bất ngờ với tốc độ tăng trưởng GDP: Tổng cục Thống kê nói gì? 06/10/2024 12:00
Những khó khăn từ bên ngoài và áp lực từ nội tại nền kinh tế nói chung đã làm bộc lộ những khó khăn nhất định của nền kinh tế. Đặc biệt, bão số 3 với sức tàn phá nghiêm trọng đã tạo nên những khó khăn nhất định cho nền kinh tế.
Trước những khó khăn như vậy, liệu tăng trưởng kinh tế năm 2024 có cán đích? Xung quanh vấn đề này, Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. HCM.
Xuất khẩu dẫn dắt kinh tế 9 tháng đầu năm
- Kinh tế Việt Nam đã trải qua gần hết 3 quý đầu năm. Theo quan sát của ông, trong 9 tháng qua, nền kinh tế đã đạt được những thành tựu như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân: Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bất chấp những bất ổn trên toàn cầu. Sự phục hồi ổn định đạt được do sản xuất công nghiệp cải thiện và thương mại gia tăng mạnh mẽ.
Bức tranh kinh tế Việt Nam trong 9 tháng vừa qua là sự đan xen giữa các gam màu sáng, tối. Trong 9 tháng đầu năm, có 2 bệ đỡ chính cho tăng trưởng là xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Tổng cục Thống kê mới công bố con số cho biết: Trong quý III/2024, GDP Việt Nam ghi nhận mức tăng 7,4% so với năm ngoái. Tính chung 9 tháng của năm 2024, GDP ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, điểm sáng nhất thuộc về xuất khẩu, với sự phục hồi dần của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong 8 tháng năm 2024 khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.
Trong tháng 8, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 70,65 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 17,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 19,07 tỷ USD.
Có thể thấy, trong 2 trụ cột tạo nên động lực cho tăng trưởng, xuất khẩu đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt các thành phần còn lại của nền kinh tế. Nhờ vậy, tăng trưởng kinh tế sau 9 tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Với tiêu dùng trong nước, tuy chưa có được tăng trưởng như kỳ vọng nhưng đây cũng là bệ đỡ lớn cho tăng trưởng khi nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi, cùng với đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ từ đầu năm đến nay.
Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 4,148 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước...
- Với những thành tựu đó, liệu mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,0 – 6,5% trong năm nay có khả thi không, thưa ông?
Trong 3 tháng cuối năm, nền kinh tế sẽ phải đối diện với không ít thách thức. Rõ nét nhất chính là cơn bão số 3 vừa qua, khi đổ bộ vào Việt Nam đã gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề, dự kiến sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam khoảng 0,2%.
Dự báo ban đầu của UOB về mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 là 6%, nhưng sau khi cơn bão số 3 đổ bộ, họ đã giảm dự báo xuống 5,9% và điều này là hợp lý. Dù vậy, theo quan điểm của tôi, nếu xuất khẩu tiếp tục đà phục hồi và tiêu dùng trong nước cải thiện như kỳ vọng thì từ nay tới cuối năm, kinh tế Việt Nam vẫn có khả năng đạt được mức tăng trưởng 6%.
Niềm tin của tôi cũng đến từ việc chính sách tiền tệ của Mỹ đã bắt đầu xoay chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng. Đồng thời, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất 0,5% ít nhiều sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu cũng sẽ có tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam.
Thực tế, tác động sẽ không diễn ra ngay bởi độ trễ chính sách tiền tệ khá lâu, chưa kể sự truyền dẫn từ chính sách Mỹ sang Việt Nam sẽ càng lâu hơn nhưng yếu tố về tâm lý cũng như sự dịch chuyển dòng vốn về thị trường mới nổi thì sẽ bắt đầu ngay từ bây giờ.
Bên cạnh đó, các quốc gia khác cũng đẩy mạnh chi tiêu nhiều hơn, các ngân hàng trung ương sẽ dần nới lỏng chính sách tiền tệ tương tự như Mỹ, từ đó giúp tổng cầu tăng trưởng trở lại và hỗ trợ cho kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm.
Kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng tích cực, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho những tháng còn lại của năm
Tập trung vào 2 trụ cột chính là xuất khẩu và tiêu dùng trong nước
- Ở chiều ngược lại, trong giai đoạn từ nay tới cuối năm, chúng ta sẽ phải đối diện với những khó khăn nào, thưa ông?
Tôi cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn mà kinh tế Việt Nam phải đối diện. Có thể kể đến như căng thẳng địa chính trị gia tăng, xu hướng phi đô la hóa toàn cầu hay sự nổi lên của trục BRICS giữa Nga và Trung Quốc,…khiến cho các mô hình kinh tế, mô hình tiền tệ sẽ thay đổi nhanh chóng trong vòng 2 năm tới. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự ổn định về kinh tế và tài chính của Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trụ cột chính cho kinh tế Việt Nam hiện nay hay kể cả trong thời gian tới vẫn là xuất khẩu. Khi xuất khẩu tích cực sẽ quay trở lại hỗ trợ, thúc đẩy tiêu dùng nội địa phát triển.
Về lạm phát, theo ông, liệu chúng ta có kiềm chế được đúng mục tiêu hay không, thưa ông? Có những khó khăn nào trong việc kiềm chế lạm phát?
Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng đầu năm do Tổng cục Thống kê công bố chỉ tăng 4,04%, nhưng có thể thấy rõ, giá cả hàng hóa thực tế đã tăng nhiều.
Tôi cho rằng, từ nay đến cuối năm, Việt Nam vẫn có thể đạt được mục tiêu lạm phát năm 2024 do Quốc hội đề ra ở mức 4-4 ,5%.
Về giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, theo tôi, điều quan trọng nhất là giảm áp lực “nhập khẩu lạm phát”, tức là duy trì bình ổn tỷ giá, bởi Việt Nam chủ yếu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa trong nước lẫn hàng hóa xuất khẩu.
Thứ hai, phải tận dụng được nguồn nguyên vật liệu trong nước để tránh bị ảnh hưởng bởi những “cú sốc” về lạm phát bên ngoài.
Thứ ba, phải ngăn chặn tình trạng đầu cơ tích trữ và Chính phủ phải chỉ đạo, hướng dẫn doanh nghiệp làm điều này.
- Cuối cùng, về mặt chính sách, ông có kiến nghị gì để Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, thưa ông?
Để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng đề ra, tôi cho rằng, chúng ta chỉ nên tập trung vào 2 trụ cột chính là xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Cụ thể, đối với xuất khẩu, cần hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được mục tiêu kép là vừa thu hút được ngoại tệ cho đất nước, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2024, việc đẩy mạnh chi tiêu công không thể có tác dụng ngay, chỉ có thể đẩy mạnh tiêu dùng trong nước. Và để đẩy mạnh yếu tố này, Nhà nước phải có chính sách khuyến khích tiêu dùng, chẳng hạn như chính sách thuế.
Với doanh nghiệp, thời gian tới tôi cho rằng nhà nước nên tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi bão số 3 vừa qua. Các chính sách hỗ trợ ở thời điểm hiện tại phải đảm bảo nhanh, đúng và trúng bởi doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn rất khó khăn.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Kinh tế Việt Nam phục hồi nhưng chưa vững chắc
- Khó khăn bên ngoài, áp lực bên trong: GDP 2024 chỉ đạt 5,9%? 23/09/2024 09:30
- Tăng trưởng GDP vượt dự báo: Lãnh đạo Tổng cục Thống kê lên tiếng 01/07/2024 11:15
- GDP tăng 6,42%, gần 80,5 nghìn DN thành lập mới 29/06/2024 11:54
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.